Đại đoàn kết dân tộc nguồn sức mạnh và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp cách mạng ở Việt Nam. Trong đó, tôn giáo là một bộ phận quan trọng, cần coi trọng đoàn kết tôn giáo, không ngừng thúc đẩy sự bình đẳng và đoàn kết giữa các dân tộc, tôn giáo.
1. Trong toàn bộ quá trình phát triển đất nước, tôn giáo luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Các tôn giáo được Nhà nước công nhận đã hoạt động theo hướng gắn bó với dân tộc, tập hợp đông đảo tín đồ trong khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng cuộc sống “tốt đời, đẹp đạo”, góp phần vào công cuộc đổi mới đất nước.
Văn hóa, đạo đức của tôn giáo góp phần thúc đẩy xây dựng đạo đức, lối sống. Quan niệm đạo đức của hầu hết các tôn giáo, ngoài những giá trị đặc thù bảo vệ niềm tin tôn giáo thiêng liêng còn đề cập đến những chuẩn mực đạo đức nhân loại như sống hiếu thảo với cha mẹ, trung thực, nhân ái, hướng tới cái thiện, tránh xa điều ác, làm điều lành, tránh điều dữ, yêu thương tha nhân. Ngày nay, những giá trị văn hóa, đạo đức của tôn giáo cùng với các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam tạo nên bản sắc trong cách nghĩ, cách cảm, cách nói và cách làm của người dân nói chung và tín đồ tôn giáo nói riêng. Chế định tôn giáo có vai trò nhất định và góp phần khắc phục, loại trừ những hành vi vi phạm pháp luật, góp phần hoàn thiện lối sống đạo đức con người Việt Nam.
Tôn giáo tích cực, tự nguyện tham gia vào hoạt động xã hội, giáo dục và từ thiện, các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường, trật tự xã hội. Hệ thống giáo lý, giáo luật của tôn giáo chứa đựng các giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp hướng về sự yêu thương tha nhân, trách nhiệm, chia sẻ, bác ái, biết ơn, hiếu thuận… Đường hướng phát triển của các tôn giáo cũng thể hiện những giá trị tốt đẹp nhất định, như Phật giáo với “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”; Công giáo “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc cho đồng bào”; Tin lành “Sống Phúc âm phụng sự Thiên Chúa, phục vụ Tổ quốc và dân tộc”; Cao Đài “Nước Vinh, Đạo sáng”; Phật giáo Hòa Hảo “Vì Đạo pháp, vì Dân tộc”,… Từ đường hướng đó, chức sắc, nhà tu hành, các tín đồ tôn giáo luôn ý thức giữ gìn, tu dưỡng đạo pháp gắn với hành thiện, có trách nhiệm với dân tộc. Các phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh ở các địa phương đã được đồng bào tôn giáo thực hiện nhiệt thành. Tôn giáo đã phát huy vai trò củng cố và liên kết xã hội, là nhân tố tạo sự ổn định trật tự xã hội, góp phần duy trì, bảo vệ những trật tự xã hội hiện hành. Đồng bào tín đồ tôn giáo tích cực tham gia bảo vệ quốc phòng và an ninh quốc gia.
Tuy nhiên, việc phát huy vai trò của tôn giáo trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc còn một số hạn chế nhất định trong nhận thức về vai trò của tôn giáo; công tác vận động tuyên truyền; một số tín đồ tôn giáo chưa tích cực tham gia các hoạt động và sự phát triển của địa phương, của đất nước…; các thế lực thù địch và cực đoan vẫn lợi dụng tôn giáo để kích động ly khai dân tộc, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Vì vậy, cần có những giải pháp để tiếp tục phát huy vai trò của tôn giáo trong tình hình mới.
2. Quán triệt quan điểm của Đảng tại Đại hội lần thứ XIII, để phát huy vai trò của tôn giáo trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cần tiếp tục vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống “tốt đời đẹp đạo”, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước”
Quán triệt, thực hiện tốt Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 10/01/2018 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác tôn giáo và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người theo quy định của pháp luật. Phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo vào giữ gìn và nâng cao đạo đức truyền thống xã hội, xây dựng đời sống văn hóa ở các khu dân cư, góp phần ngăn chặn các tệ nạn xã hội. Bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận. Kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh những đối tượng lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Nâng cao nhận thức của xã hội và cả hệ thống chính trị về vai trò của tôn giáo trong khối đại đoàn kết dân tộc nhằm góp phần khắc phục định kiến trong nhìn nhận giá trị tích cực của tôn giáo. Tăng cường công tác quản lý tôn giáo; hoàn thiện đồng bộ chính sách pháp luật nhằm phát huy vai trò của tôn giáo khi tổ chức hoạt động từ thiện, an sinh xã hội, các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế – xã hội; ngăn chặn việc lợi dụng tôn giáo để trục lợi. Chủ động hướng dẫn, tạo điều kiện để các tổ chức tôn giáo có tư cách pháp nhân được tham gia hoạt động y tế, giáo dục, xã hội một cách hiệu quả, theo quy định Hiến pháp và pháp luật.
Tăng cường vận động đồng bào tôn giáo để phát huy những giá trị giá trị tích cực, văn hóa, đạo đức và các nguồn lực khác nhằm xây dựng phát triển đất nước. Bảo đảm các hoạt động của tôn giáo theo quy định pháp luật, hiến chương, điều lệ, không ảnh hưởng đến an ninh, lợi ích quốc gia; kiên quyết đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn lợi dụng tôn giáo để chống phá. Phát huy vai trò của đội ngũ chức sắc, chức việc, người có uy tín trong tôn giáo định hướng tín đồ sống “tốt đời, đẹp đạo”, có trách nhiệm, làm điều thiện, yêu thương tha nhân, yêu lao động, gương mẫu, đạo đức, bác ái để song hành cùng dân tộc khắc phục khó khăn. Vận động tín đồ tôn giáo đẩy mạnh tham gia phong trào thi đua yêu nước, bảo vệ môi trường, xây dựng đời sống văn hóa với nhiều mô hình phù hợp như: “Xây dựng cảnh chùa tinh tiến, gương mẫu”. “Xây dựng xứ, họ đạo tiên tiến”, “Hạn chế sử dụng vàng mã trong các cơ sở thờ Phật giáo”, “Giáo xứ an toàn, sáng, xanh sạch đẹp” hay tham gia tích cực các quy ước khu dân cư, các phong trào chống tội phạm, ma túy, tệ nạn xã hội…
Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo; kịp thời thường xuyên nắm bắt nhu cầu của đồng bào tôn giáo để động viên tín đồ phát huy ý thức công dân, tinh thần yêu nước, đoàn kết, yêu thương, trách nhiệm, phát huy vai trò trong đại đoàn kết dân tộc. Xác định rõ trách nhiệm giữa các cấp, các ngành, cơ quan quản lý nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể về tôn giáo, văn hóa, giáo dục, đất đai, xây dựng, y tế, xã hội, phát huy vai trò của tôn giáo trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.
Với tư cách là một thực thể xã hội, tôn giáo đã và đang phát huy vai trò của mình, góp phần xây dựng lối sống, định hình củng cố hệ giá trị con người Việt Nam, song hành trong khối đại đoàn kết cùng dân tộc trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội./.
T.V