1. Nhận diện âm mưu, thủ đoạn của thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc để chống phá cách mạng Việt Nam
Thời gian qua, các thế lực thù địch lợi dụng sự phát triển không đồng đều về kinh tế, văn hóa – xã hội; sự chênh lệch trong đời sống dân trí và các hoạt động xã hội giữa nông thôn với thành thị, miền xuôi và miền núi để xuyên tạc chủ trương, chính sách, làm suy giảm niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số đối với Đảng, Nhà nước và chế độ; kích động bạo loạn chính trị, đòi ly khai, tự trị, thành lập “Nhà nước riêng”; tấn công trực diện vào hệ thống chính trị ở cơ sở hòng làm suy yếu hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ; gây bức xúc, mâu thuẫn giữa đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ với cấp ủy, chính quyền địa phương, với Đảng, Nhà nước ta; gây chia rẽ dân tộc đa số với dân tộc thiểu số và giữa các dân tộc thiểu số với nhau, giữa đồng bào theo tín ngưỡng tôn giáo với không theo tín ngưỡng tôn giáo, hòng làm suy yếu khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tính thống nhất của quốc gia Việt Nam.
Chúng lợi dụng những hạn chế, thiếu sót trong việc xây dựng và thực hiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về vấn đề dân tộc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số để kích động chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Điển hình là vụ khủng bố tấn công trụ sở Ủy ban nhân dân xã Ea Ktur và Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk ngày 11/6/2023, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Lợi dụng trình độ dân trí còn hạn chế của một số đồng bào dân tộc thiểu số ở các địa bàn chiến lược, như: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ… để truyền bá tư tưởng phản động, trái pháp luật; dụ dỗ, lôi kéo, mua chuộc, kích động đồng bào vào các hoạt động phức tạp; truyền đạo trái pháp luật để “tôn giáo hóa” các vùng dân tộc; khôi phục tập tục lạc hậu, gây khó khăn cho cấp ủy, chính quyền cơ sở trong việc triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Tìm cách tuyên truyền, xuyên tạc, kích động đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng dân tộc thiểu số đòi lại đất đai từ nhiều năm nay đã và đang phục vụ sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của người dân, gây nên tình trạng phức tạp ở một số địa phương. Một số tổ chức nhân quyền quốc tế đưa ra những báo cáo, đánh giá xuyên tạc, vu cáo sự thật về dân chủ, nhân quyền ở nước ta; đòi đưa Việt Nam vào danh sách “những nước vi phạm nhân quyền nghiêm trọng”. Các đối tượng đã lợi dụng sự kiện của một số đối tượng vi phạm pháp luật bị cơ quan chức năng của Việt Nam xử lý để tung ra những luận điệu xuyên tạc dân chủ,
2. Phát huy vai trò của hệ thống chính trị cơ sở trong đấu tranh phòng, chống lợi dụng vấn đề dân tộc để chống phá nước ta
Nhận thức sâu sắc âm mưu, thủ đoạn thâm độc, xảo quyết của các thế lực thù địch, những năm qua, hệ thống chính trị ở cơ sở, nhất là hệ thống chính trị cơ sở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số và tín đồ tôn giáo đã tích cực đấu tranh phòng, chống thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc chống phá cách mạng Việt Nam. Vận động đồng bào dân tộc thiểu số, tín đồ tôn giáo tham gia tích cực các phong trào phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói, giảm nghèo, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, xây dựng nông thôn mới…
Thế trận an ninh nhân dân, quốc phòng toàn dân ở nhiều địa phương được xây dựng vững chắc. Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội cơ sở ở vùng biên giới đã coi trọng triển khai các hoạt động phối hợp, kết nghĩa với các đoàn kinh tế – quốc phòng, bộ đội biên phòng và các tổ chức, đơn vị hoạt động tại địa phương trong phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao dân trí, xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu. Phát hiện, xử lý kiên quyết, kịp thời, nghiêm minh, công khai những kẻ lợi dụng vấn đề dân tộc để phá hoại…
Tuy nhiên, việc phát huy vai trò của hệ thống chính trị cơ sở trong đấu tranh phòng, chống thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc để chống phá cách mạng Việt Nam còn lúng túng trong nội dung, phương thức phát huy vai trò của từng tổ chức thành viên. Một số cấp ủy, chính quyền cơ sở còn bị động, chưa có các giải pháp khả thi. Việc phối hợp các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở với các tổ chức, lực lượng ở địa phương trong đấu tranh phòng, chống thủ đoạn phá hoại của các thế lực thù địch còn rời rạc, hiệu quả thấp…
Để khắc phục tình trạng trên, cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị ở cơ sở các cấp về vai trò trong đấu tranh, phòng chống thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc chống phá Việt Nam. Đề cao trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp và tạo thuận lợi cho hệ thống chính trị ở cơ sở thực hiện tốt nhiệm vụ. Đổi mới công tác tuyên truyền, tập trung vào những điểm cốt lõi, dễ hiểu, phương pháp tuyên truyền linh hoạt, phù hợp đặc điểm từng đối tượng để đồng bào dân tộc thiểu số dễ hiểu; trước hết là tranh thủ người có uy tín, già làng, trưởng bản; phát huy vai trò cá nhân và gia đình, dòng họ có uy tín ở vùng dân tộc thiểu số trong đấu tranh, phòng chống thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc chống phá cách mạng Việt Nam.
Nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng, cấp ủy, ban thường vụ và bí thư cấp ủy cơ sở ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng dân tộc thiểu số, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp các lực lượng với hệ thống chính trị cơ sở để thực hiện. Kịp thời chỉnh sửa, bổ sung hoàn chỉnh các chủ trương, chính sách về dân tộc thiểu số, vấn đề tôn giáo, dân chủ, nhân quyền ở vùng dân tộc thiểu số; ban hành hướng dẫn thực hiện cụ thể, kịp thời “đúng đối tượng, đúng thể chế, đúng nguồn lực”.
Tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của hệ thống chính trị cơ sở trong xây dựng và thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số.
D.V.L