Truyền thông cơ sở cần làm những việc gì để góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng….
Trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, nhiệm vụ của các đơn vị truyền thông là làm tốt chức năng tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Theo tinh thần Nghị quyết số 35- NQ/TW bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Đảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; bảo vệ Nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước; phải tích cực đấu tranh phê phán cái xấu, tiêu cực, uốn nắn những nhận thức lệch lạc, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ.
Ngoài ra, truyền thông cần phát hiện, khẳng định và nhân rộng ra toàn xã hội cái hay, cái đẹp, những điển hình, những nhân tố mới; làm minh chứng cho các tầng lớp Nhân dân thấy rõ những chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước là đúng đắn; đời sống Nhân dân ngày càng được nâng cao về mọi mặt; khơi dậy lòng tự hào dân tộc, khát vọng cống hiến, xây dựng đất nước trong các tầng lớp Nhân dân.
Nhiệm vụ của truyền thông là làm thế nào để góp phần nâng cao tinh thần cảnh giác, tình yêu quê hương, đất nước, củng cố lòng tin vào chế độ, vào sự lãnh đạo của Đảng của các tầng lớp Nhân dân, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, tạo động lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, từng cán bộ, đảng viên làm công tác truyền thông cần nỗ lực, quyết tâm cao, không ngừng rèn luyện, học tập để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nắm vững lý luận và thực tiễn để có thể phản bác có hiệu quả quan điểm sai trái thù địch; có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín tại cộng đồng để làm tốt công tác tuyên truyền đồng thời phải nêu gương thật tích cực để quần chúng mới tin tưởng nghe theo và làm theo.
Truyền thông cần thực hiện tốt các nhiệm vụ
Nâng cao chất lượng thông tin, tuyên truyền về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, những thông tin tốt và tích cực, làm cho những nội dung thông tin này thực sự là chủ đạo, chi phối đời sống tinh thần - thông tin xã hội, “làm loãng” và đẩy lùi các thông tin xấu, độc, tiêu cực, các quan điểm sai trái, thù địch. Đối với các trang thông tin, đài truyền thanh các cấp cần mở rộng và nâng cao chất lượng các chuyên trang, chuyên mục định kỳ, các tuyến bài đấu tranh tư tưởng; mở rộng tuyên truyền trên các trang mạng xã hội liên kết thông tin với các nền tảng mạng xã hội và các phương tiện truyền thông mới một cách phù hợp. Đối với Trung tâm Truyền thông - Văn hoá - Thể thao huyện Tư Nghĩa, ngoài việc mở chuyên mục tuyên truyền tác phẩm “ Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, thời gian qua, đơn vị còn mở chuyên mục “Mỗi ngày một câu chuyện kể về Bác” để tấm gương của Bác lan toả, thấm sâu vào nhận thức, tư tưởng của các tầng lớp Nhân dân, từ đó, học tập, làm theo Bác và khai thác tuyên truyền nhiều nội dung khác có liên quan. Ngoài ra, đơn vị còn thực hiện tuyên truyền qua băng rol, khẩu hiệu, tuyên truyền xe lưu động hay hình thức sân khấu hoá tại cơ sở để chuyển tải những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với quần chúng Nhân dân, lan toả những điều tốt đẹp và cảnh báo những điều cần tránh.
Trong các nội dung tuyên truyền, đơn vị nhấn mạnh bản chất nhân văn của xã hội xã hội chủ nghĩa - là một xã hội mà trong đó sự phát triển thực sự vì con người, sự phát triển về kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương thân, tương ái, hỗ trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn; sự phát triển bền vững hài hoà với thiên nhiên để đảm bảo môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai; một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về Nhân dân, do Nhân dân và phục vụ lợi ích của Nhân dân. Việc vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác- Lê nin vào điều kiện lịch sử cụ thể của nước ta, Đảng ta đã từng bước hoàn thiện lý luận về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, đó là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội là một sự nghiệp lâu dài, vô cùng khó khăn và phức tạp. Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội tất yếu trải qua thời kỳ quá độ với nhiều bước đi, nhiều hình thức tổ chức kinh tế, xã hội đan xen nhau, có sự đấu tranh giữa cái cũ và cái mới, song kiên định đi lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, bỏ qua chế độ áp bức, bất công, bóc lột tư bản chủ nghĩa; bỏ qua những thói hư tật xấu, những thiết chế, thể chế chính trị không phù hợp với chế độ xã hội chủ nghĩa. Chứ không phải bỏ qua cả những thành tựu, giá trị văn minh mà nhân loại đã đạt được trong thời kỳ phát triển chủ nghĩa tư bản. Đây là vấn đề mà các thế lực thù địch hay xuyên tạc, do vậy, các cơ quan truyền thông, những người làm công tác tuyên truyền cần có tư tưởng kiên định, lập luận vững vàng để phản bác, minh chứng.
Một trong những minh chứng hùng hồn, thực tế đó là chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn trên con đường xây dựng Chủ nghĩa xã hội, đặc biệt hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới của Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chúng ta đã giành được những thành tựu to lớn: kinh tế phát triển, lực lượng sản xuất được tăng cường; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, liên tục, đời sống Nhân dân được cải thiện, nhiều vấn đề xã hội được giải quyết, chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng- an ninh được đảm bảo; đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng được mở rộng, thế và lực của quốc gia ngày càng được tăng cường; niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng được củng cố. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Ngoài ra, truyền thông cần thực hiện tốt định hướng dư luận xã hội, đẩy lùi các thông tin xấu, độc, nâng cao ý thức cảnh giác cho các tầng lớp Nhân dân trước âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch và các phần tử cơ hội. Quán triệt và thực hiện tốt Chỉ thị số 12/CT-TTg, ngày 12/5/2021, của Thủ tướng Chính phủ “Về chủ động cung cấp thông tin, định hướng dư luận, đẩy lùi thông tin xấu độc”, coi trọng “lan tỏa thông tin tích cực, nâng cao nhận thức của Nhân dân trước các thông tin sai sự thật”; Thực hiện tốt việc công khai, minh bạch thông tin về những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là những vấn đề, sự kiện “nóng”, nhạy cảm; hạn chế thấp nhất và khắc phục kịp thời tình trạng các thông tin xấu, độc, thông tin giả, thất thiệt lan truyền trong xã hội.
Cần nâng cao phẩm chất, năng lực của đội ngũ làm công tác truyền thông, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh không khoan nhượng với những luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch. Làm tốt công tác tuyên truyền, lan toả tính tích cực để quần chúng Nhân dân có niềm tin vào lẽ phải, vào chính nghĩa, vào tiền đồ, tương lai tốt đẹp của dân tộc, vào sức mạnh của đất nước, vào đường lối, quan điểm của Đảng; kiên định chủ nghĩa Mác – Lê - nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu, con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội và sự nghiệp đổi mới đất nước; cần thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 12/CT-TTg, ngày 12/5/2021, của Thủ tướng Chính phủ, “Về tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng hoạt động truyền thông, báo chí phục vụ nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc”.
Trong tình hình hiện nay, Đảng và Nhân dân ta đang tiếp tục công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, hội nhập quốc tế, có nhiều điểm thuận lợi nhưng cũng không ít thách thức, khó khăn, nhất là các thế lực thù địch vẫn tiếp tục chống phá với phương thức, thủ đoạn tinh vi hơn. Trước thực tế này, nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng càng phải thực hiện thường xuyên, quyết liệt hơn, không được chủ quan, lơ là ở bất kỳ nơi đâu, thời điểm nào. Và nhiệm vụ của những bộ phận làm công tác truyền thông cơ sở càng đặc biệt chú trọng, nâng cao chất lượng, hiệu quả hơn./.
TN