Không chỉ ngay tại doanh nghiệp mình, yếu tố bền vững được các doanh nghiệp thực hiện cho “các bên liên quan” trong hoạt động sản xuất và kinh doanh, cũng như ứng dụng các giải pháp phát triển bền vững vào các hoạt động trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR).
Thông tin này được các diễn giả là chuyên gia phát triển bền vững, lãnh đạo các tập đoàn lớn chia sẻ tại tọa đàm với chủ đề “Phát triển bền vững và xa hơn” do ấn bản điện tử tiếng Anh The Saigon Times thuộc Tạp chí Kinh tế Sài Gòn (Saigon Times Group) tổ chức vào ngày 15-11.
Sự kiện nằm trong khuôn khổ Lễ tôn vinh các doanh nghiệp tham gia Chương trình Saigon Times CSR 2023 tại Khách sạn Rex Sài Gòn, quận 1, TPHCM.
Người tiêu dùng hiện đại đang có xu hướng ưu tiên sử dụng sản phẩm và dịch vụ của các doanh nghiệp có cam kết phát triển bền vững. Điều này cũng lý giải phần nào “Phát triển bền vững và tăng trưởng xanh” đang là từ khóa quan trọng cho tất cả các doanh nghiệp với mong muốn phát triển vững mạnh và lâu dài.
Câu chuyện của nhà phát triển bất động sản đến từ Singapore phần nào cho thấy điều này. Sau hơn 30 năm có mặt ở Việt Nam, Keppel hiện được biết đến qua các dự án với thiết kế thông minh, linh hoạt và bền vững, đồng thời sở hữu những tính năng chú trọng sức khỏe và thể chất của khách hàng.
Tại tọa đàm, ông Joseph Low, Chủ tịch Khối bất động sản, Tập đoàn Keppel tại Việt Nam, cho biết đạt mục tiêu trên Keppel đi theo con đường phát triển bền vững từ rất sớm, ngay cả khi thị trường chưa nói nhiều về phát triển bền vững hay tăng trưởng xanh. Cụ thể, ngay khi triển khai dự án tòa nhà căn hộ đầu tiên ở Việt Nam cách đây hơn 10 năm, Keppel đã đưa yếu tố bền vững vào dự án.
“Nhiều người khi đó thắc mắc rằng dự án của chúng tôi chất lượng đã cao sao còn yêu cầu thêm “tính bền vững” trong dự án để đẩy chi phí đầu tư tăng lên, nhưng chúng tôi cho rằng đây là điều cần thiết phải làm”, ông Joseph Low chia sẻ.
Và The Estella, dự án được Keppel triển khai tại TPHCM vào năm 2012, đã trở thành dự án đầu tiên tại Việt Nam nhận được Giải vàng Tiêu chuẩn Xanh của Cục Quản lý Xây Dựng Singapore (BCA). Đến nay, Keppel đã đạt được 12 chứng nhận Tiêu chuẩn Xanh BCA tại Việt Nam và cam kết sẽ tiếp tục đảm bảo tiêu chuẩn xanh cho các dự án sắp tới.
Là nhà phát triển bất động sản, Keppel cho rằng để có được sản phẩm phù hợp, toàn bộ quá trình bắt đầu ngay từ giai đoạn thiết kế. Vì vậy, trong quá trình thiết kế của mình, Kepple đầu tư vào những hạng mục phù hợp với các giá trị của công ty và áp dụng nhiều chính sách và hệ thống khác nhau như các Giá trị thiết kế có trách nhiệm (Responsible Design Values) nhằm mang lại những tiêu chuẩn tốt nhất về môi trường sống, chất lượng, tính thẩm mỹ và tính bền vững.
“Những giá trị thiết kế này đảm bảo rằng chúng tôi sẽ đưa các các nguyên tắc về sức khỏe và thể chất của người sinh sống và làm việc trong tòa nhà vào thiết kế ngay từ khi bắt đầu dự án”, ông Joseph Low nói.
Bên cạnh đó, khi thực hiện thiết kế, xây dựng và vận hành các dự án và dịch vụ của mình, Keppel luôn đặt mục tiêu đảm bảo rằng các dự án này phải đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng và không gây nguy hiểm đến sức khỏe hoặc an toàn cho người dùng.
“Chúng tôi luôn theo dõi các nguy cơ tiềm ẩn về sức khỏe và an toàn trong suốt vòng đời của sản phẩm và dịch vụ, và giải quyết, hoặc giảm thiểu các nguy cơ này nếu cần”, ông nói. Theo đó, các nhà thầu tham gia cũng được Keppel chọn nghiêm ngặt, bao gồm việc xem xét các cam kết của nhà thầu về mặt tiêu chuẩn về chất lượng và tác động đến môi trường, tính bền vững và thậm chí là an toàn.
“Với Keppel, phát triển bền vững chính là một trong những lĩnh vực kinh doanh của chúng tôi”. Hiện Keppel còn đang triển khai mảng Tái tạo đô thị bền vững (Sustainable Urban Renewal – SUR) với sứ mệnh cải tạo, tích hợp các công nghệ hiện đại, đón đầu tương lai để kéo dài vòng đời của các tòa nhà thương mại lâu đời tại Việt Nam.
Các giải pháp nâng cao hiệu suất tòa nhà và các giải pháp phát triển bền vững này có thể giúp tiết kiệm tới 50% năng lượng và giảm phát thải carbon cho tòa nhà. Các giải pháp bền vững của Keppel không chỉ gói gọn trong lĩnh vực bất động sản, mà còn mở rộng ra mảng phát triển cơ sở hạ tầng. Đơn cử giải pháp Năng-lượng-là-một-dịch-vụ (EaaS), bao gồm các dịch vụ như cung cấp năng lượng, khử carbon, hệ thống quản lý năng lượng thông minh. Estella Place, dự án thương mại của Keppel tại TP. Thủ Đức, đã đăng ký sử dụng giải pháp EaaS này.
Với ngành chế biến thực phẩm, để trở thành doanh nghiệp dẫn đầu thị trường mì gói ở nền kinh tế gần 100 triệu dân, chiếm hơn 40% thị phần mì ăn liền hiện nay, Acecook Việt Nam cũng đặt yếu tố phát triển bền vững lên hàng đầu.
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Kaneda Hiroki, Tổng giám đốc Acecook Việt Nam, cho biết từ khi thành lập đến nay, công ty có 30 năm tuổi này luôn thực hiện theo triết lý kinh doanh là mang đến 3 chữ Happy- Hạnh Phúc. Đó là hạnh phúc cho người tiêu dùng (và cho đối tác), hạnh phúc cho người lao động (và gia đình của họ), và hạnh phúc cho xã hội.
“Xuyên suốt cả tập đoàn, chúng tôi sử dụng chung một hệ thống nhận diện thương hiệu là “Cook Happiness – mang lại hạnh phúc thông qua con đường ẩm thực””, ông Kaneda Hiroki nói, và cho rằng để mang lại hạnh phúc cho người tiêu dùng thì công ty luôn nỗ lực. Công ty quan niệm, người tiêu dùng chỉ hạnh phúc khi được thưởng thức một sản phẩm thật ngon, thật chất lượng lại an tâm về chất lượng.
Là công ty sản xuất thực phẩm, theo ông, điều quan trọng nhất là hệ thống quản lý toàn diện từ khâu sản xuất tại nhà máy với sự kiểm soát chặt chẽ về an toàn vệ sinh thực phẩm, đến quá trình phân phối để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng một cách an toàn và tươi ngon.
Bên cạnh đó, Acecook Việt Nam còn có rất nhiều hoạt động đóng góp cho môi trường như cải tiến sản phẩm từ ly nhựa chuyển sang ly giấy, sử dụng nĩa nhựa sinh học, nghiên cứu các vật liệu bao bì thân thiện môi trường. Công ty cũng từng bước hạn chế sử dụng nguồn nhiên liệu hóa thạch đang dần cạn kiệt sang sử dụng nguồn năng lượng sạch thân thiện với môi trường như năng lượng mặt trời, khí ga đốt sạch, góp phần giúp giảm phát thải khí nhà kính, tiết kiệm năng lượng, góp phần bảo vệ môi trường…
“Tại nhà máy, chúng tôi đã thiết lập các mục tiêu phát triển bền vững và lập kế hoạch giảm tải cho môi trường trong ba năm, và chúng tôi cũng dự định thực hiện các nỗ lực tương tự tại các chi nhánh trên toàn quốc”, ông Kaneda Hiroki nói.
Còn hoạt động thu gom và tái chế chai nhựa, hộp nhựa… tại Công ty nhựa Tái chế DUYTAN không chỉ giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa mà còn giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm đầu cuối và là mảnh ghép quan trọng của mô hình kinh tế tuần hoàn.
Cụ thể trước đây, những chai nhựa thường được chôn lấp, trở thành rác thải ra môi trường hoặc tái chế thành các tấm pellet, bồn hoa,… thì những năm gần đây được Nhựa tái chế DUYTAN thu gom và tái chế thành những chai nhựa đạt tiêu chuẩn an toàn để cung cấp cho các doanh nghiệp.
Tại tọa đàm ông Lê Anh, Giám đốc Phát triển Bền vững Nhựa Tái chế DUYTAN, cho biết hiện nay, một số doanh nghiệp đã ý thức và đang thực hiện tốt trách nhiệm của mình trong tái chế bao bì, chai nhựa sau khi sử dụng như: Unilever, Coca Cola, P&G…
Có thể thấy tái chế đang là xu hướng ngày càng thấy rõ hơn trong quá trình xây dựng các mô hình sản xuất theo kinh tế tuần hoàn, là vấn đề mà các tập đoàn sản xuất lớn đều đang hướng đến. Trong khi đó, nhà máy tái chế nhưa DUYTAN được các chuyên gia đánh giá là trường hợp tiên phong và điển hình cho các đơn vị khác để cùng tham gia vào thị trường nhựa tái chế.
Theo ông Lê Anh, hiện mỗi ngày, DUYTAN nhận thu gom hơn 90 tấn rác thải nhựa (tương đương 6 triệu chai rác thải nhựa) để tái chế cho các doanh nghiệp. Đáng chú ý, có doanh nghiệp ngành F&B hiện còn ghi rõ trên bao bì chai nhựa dòng chữ là “tôi được làm từ nhựa tái chế 100%”, thay vì trước đây trên vỏ chai nhựa chỉ có dòng chữ “hãy tái chế tôi”, hay là “hãy tiếp tục tái chế tôi”. Qua đây, ông Lê Anh cho rằng vỏ chai nhựa rác thải được “tái sinh” theo mô hình kinh tế tuần hoàn, thay vì lâu nay nhiều người chỉ dùng thuật ngữ là tái chế.
Cũng theo ông Lê Anh, hiện nay, toàn xã hội đang chung tay vì một Việt Nam xanh – sạch – đẹp. Có thể thấy rõ bằng sự quyết tâm của các bộ ngành từ Nghị định Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (Extended Producer Responsibility – EPR), với quy định yêu cầu nhà sản xuất có trách nhiệm trong quản lý các sản phẩm sau khi chúng trở thành rác thải. Theo đó, nhà sản xuất không chỉ có trách nhiệm tái chế rác thải nhựa mà còn “tái sinh” các rác thải bằng các vật liệu như giấy, nhôm, kim loại…
Ngoài ra, các doanh nghiệp còn có nhiều hoạt động tham gia nhiều hoạt động CSR, ESG, các doanh nghiệp cũng rất năng động vì một tương lai xanh. “Đây được xem là một xu hướng bắt buộc với từng doanh nghiệp để nâng vị thế của một quốc gia. Tôi rất tự hào hiện Việt Nam là một trong những nước hàng đầu trong khu vực áp dụng thực hiện CSR và ESG rất nổi trội”, ông Lê Anh nói.
Đối với KPMG, theo ông John Ditty, Phó Tổng Giám đốc Điều hành KPMG Việt Nam, tính bền vững là một thuật ngữ liên quan đến rất nhiều bên. Đó có thể khách hàng, nhà đầu tư, thị trường và cả công chúng. Người lao động cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tính bền vững của công ty.
Trên thực tế, công ty này không sản xuất hay tạo ra các sản phẩm vật chất thuần tuý, mà KPMG cung cấp các sản phẩm trí tuệ và sản phẩm dựa trên công nghệ. Vì vậy, theo ông John Ditty, KPMG cần đảm bảo việc tuyển dụng, giữ chân và phát triển những người giỏi nhất. “Chúng tôi có các chương trình tiếp cận toàn diện phối hợp với các trường đại học và cơ sở giáo dục, góp phần đào tạo những người Việt trẻ thông minh, những người có thể sẽ làm việc tại KPMG và đóng góp cho các hoạt động bền vững của công ty trong tương lai”, ông nói.
Theo đó, KPMG có cam kết mạnh mẽ đối với việc học tập và phát triển cho nhân viên. “Chúng tôi có những mục tiêu rất rõ ràng cho từng người làm việc tại KPMG, số giờ phát triển tối thiểu mỗi năm và trách nhiệm của chúng tôi là mang đến cho mọi người những cơ hội phát triển đó”, ông nói, và cho biết thêm: “Chúng tôi đào tạo rất nhiều về phát triển cá nhân, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng viết, kỹ năng thuyết trình… để giúp mọi người trở thành người tốt hơn...
Cũng theo ông John Ditty, khi bàn về tính bền vững, KPMG nghĩ về hoạt động kinh doanh của chính mình trước tiên. “Bởi lẽ nếu chúng ta chưa thực sự bền vững, không đảm bảo tăng trưởng tốt và không tạo ra những cơ hội nghề nghiệp tuyệt vời, chúng ta không thể tác động đến các doanh nghiệp khác, không thể đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước, cũng như không thể hoàn thành mục đích của mình tại đây”, ông nói.
Tại tọa đàm, các ý kiến cũng cho rằng để phát triển bền vững, doanh nghiệp không chỉ chú ý từ yếu tố nguyên liệu đầu vào và xử lý đầu ra về tái chế mà còn chú trọng đến yếu tố con người. Việc doanh nghiệp đẩy mạnh đào tạo nhân viên về các kỹ năng để làm việc an toàn, phát triển bền vững và đáng chú ý là cần truyền cảm hứng để họ thực hiện tốt trách nhiệm này.
Bên cạnh đó là doanh nghiệp cần xem các hoạt động trách nhiệm xã hội với cộng đồng (CSR) không chỉ là một việc phụ thêm để đóng góp cho cộng đồng, mà cần nhìn nhận vai trò và ý nghĩa của hoạt động này như là một chiến lược để phát triển bền vững, từ đó đáp ứng các nhu cầu của khách hàng trong thời đại mới.
Trên hành trình phát triển bền vững này, điều quan trọng là doanh nghiệp kiên định với những hành động và mục tiêu phát triển bền vững đã đặt ra. Từ việc nhận thức rõ giá trị của hoạt động CSR, doanh nghiệp sẽ tạo ra những động lực để thay đổi và gắn trách nhiệm của mình với cộng đồng.
Tại buổi Lễ tôn vinh 40 doanh nghiệp tham gia Chương trình Saigon Times CSR 2023, ông Phạm Hữu Chương, Phó tổng biên tập Tạp Chí Kinh tế Sài Gòn, cũng cho biết trong nửa năm qua, Saigon Times đã ghi nhận nhiều câu chuyện về trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp, về sự đầu tư và nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp trong mục tiêu phát triển cộng đồng ngày càng tốt đẹp hơn.
Các doanh nghiệp tham gia Chương trình Saigon Times CSR năm 2023 đã có những đóng góp to lớn trong nhiều lĩnh vực, từ bảo vệ môi trường đến bảo tồn thiên nhiên, từ chăm sóc sức khỏe cho những người có hoàn cảnh khó khăn đến tài trợ cho học sinh – sinh viên, từ thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ đến phát triển nguồn nhân lực, cung cấp lương thực, thực phẩm cho các hộ nghèo.
Theo ông Phạm Hữu Chương, tất cả 40 doanh nghiệp được tôn vinh tại sự kiện lần này đã thể hiện tinh thần tiên phong và có đóng góp to lớn trong hành trình hiện thực hóa phát triển bền vững và góp phần tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn cho cộng đồng và xã hội.
Kể từ khi Chương trình Saigon Times CSR được phát động vào năm 2019, Ban tổ chức nhận thấy rằng trong quá trình đất nước hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, ngày càng có nhiều doanh nghiệp trong nước ý thức hơn trong việc thể hiện trách nhiệm của mình đối với môi trường và cộng đồng nơi họ hoạt động. Khi chỉ dừng ở CSR, ngày càng có nhiều doanh nghiệp bắt đầu tiến đến thực hành ESG, tích cực quản lý các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị trong hoạt động kinh doanh.
“Chuyển từ CSR sang ESG không chỉ là một quá trình mở rộng mà còn là một cơ hội để củng cố và tăng cường cam kết của doanh nghiệp đối với các vấn đề bền vững và trách nhiệm xã hội. Chúng tôi vọng rằng sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp tích hợp ESG vào quá trình lập kế hoạch chiến lược dài hạn để có thể tiếp tục phát triển và duy trì khả năng cạnh tranh trong bối cảnh các yêu cầu về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp ngày càng chặt chẽ”, ông Phạm Hữu Chương, phát biểu.
TBKTSG