Chương trình nghị sự toàn cầu cho thế kỷ XXI tại Hội nghị thượng đỉnh về Môi trường và Phát triển của Liên hợp quốc được tổ chức ở Rio de Janeiro năm 1992 là lần đầu tiên thế giới đề cập chính thức vấn đề này và ngày càng được hoàn thiện, với sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa phát triển kinh tế (tăng trưởng kinh tế), phát triển xã hội (thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm); bảo vệ môi trường (quan trọng hàng đầu là khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên).
Ngay từ những năm đổi mới, quan điểm phát triển bền vững mà cụ thể hơn là tăng trưởng kinh tế gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái đã được thể hiện rất sớm và đậm nét trong nhiều Nghị quyết của Đảng, như Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 1991-2000, Văn kiện Đại hội IX (năm 2001)… và tiếp tục được làm sâu sắc hơn tại Đại hội XII và Đại hội XIII của Đảng. Đảng xác định rõ tiêu chí để đánh giá sự phát triển bền vững là sự tăng trưởng kinh tế ổn định; thực hiện kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ tốt môi trường; gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa; bảo đảm dân chủ, tiến bộ và công bằng xã hội; phát triển toàn diện con người. Phải phát triển bền vững về kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an ninh kinh tế; chú trọng phát triển theo chiều sâu, phát triển kinh tế tri thức. Tăng trưởng kinh tế phải kết hợp hài hòa với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao không ngừng chất lượng cuộc sống của nhân dân. Phát triển kinh tế - xã hội phải luôn luôn coi trọng bảo vệ và cải thiện môi trường.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển bền vững, trước hết cần nâng cao nhận thức của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân về vấn đề này. Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Có chính sách kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường tích cực, phù hợp thực tiễn; không đánh đổi môi trường bằng sự tăng trưởng và phát triển kinh tế trước mắt. Tạo lập chính sách phát triển các mô hình tăng trưởng kinh tế bền vững, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, phục hồi và phát triển nguồn vốn tự nhiên. Quan tâm tới sự suy giảm, cạn kiệt của vốn tự nhiên, tạo ra những rủi ro và thách thức lớn cho thế hệ tương lai.
Hơn 150 năm đã trôi qua nhưng các luận điểm mang tính chất dự báo thiên tài của C.Mác, Ph.Ăngghen liên quan đến phát triển bền vững vẫn giữ vẹn nguyên tính khoa học và vẫn có ý nghĩa thời sự. Những luận điểm này đã được Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng sáng tạo trong điều kiện, hoàn cảnh mới, phù hợp với đặc điểm của đất nước Việt Nam./.
Thanh Xuân