Ngày 30/11, tại Hà Nội, Hội nghị Đô thị toàn quốc năm 2022 đã được tổ chức nhằm phổ biến, triển khai Nghị quyết số 148/2022/NQ-CP của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị, Trưởng ban Kinh tế T.Ư Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đồng chủ trì. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa điểm cầu trụ sở Chính phủ và 63 tỉnh, TP trực thuộc T.Ư, cùng với sự tham gia của chuyên gia, nhà quản lý, đối tác quốc tế.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Kinh tế và Đô thị
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Hội nghị Đô thị toàn quốc năm 2022 được tổ chức trong tháng chào mừng ngày Đô thị Việt Nam 8/11, cũng là ngày Đô thị hóa thế giới là dịp để nhìn lại quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị Việt Nam trong thời gian vừa qua, rút ra những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức, cùng thống nhất giải pháp, cách thức chung để thúc đẩy sự phát triển đô thị nước nhà vững mạnh hơn, bền vững hơn với mục tiêu: Tiếp tục quán triệt sâu rộng những nội dung, nhiệm vụ trọng tâm và tinh thần quan trọng của Nghị quyết số 06-NQ/TW, phổ biến Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 06 và hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò, tiềm năng, thách thức của đô thị trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.
“Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển đô thị là một động lực phát triển. Điều này đặt ra vấn đề quy hoạch tốt, xây dựng tốt, quản lý tốt đô thị, phát triển đô thị theo hướng xanh, bền vững, bao trùm. Hội nghị kỳ vọng sẽ tạo có chuyển biến tích cực trong công tác nâng cao lượng và chất của quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị trong 10 năm tới, định hướng đến 2045. Trong đó, chú trọng nâng cao hiệu quả khai thác sử dụng tài nguyên, phát huy nguồn lực đổi mới sáng tạo của đô thị bên cạnh những nguồn lực truyền thống, phát huy lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh của đô thị trong bối cảnh phát triển quốc gia, khu vực và thế giới” – Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng yêu cầu các đại biểu phát biểu ngắn gọn, đi thẳng vào nội dung chính, quán triệt sâu sắc để tìm ra giải pháp thực hiện tốt chương trình hành động, nhất là trong bối cảnh đô thị hoá gắn với công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; phát triển đô thị gắn với phát triển kinh tế.
Trình bày báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, mục tiêu chương trình hành động xác định 11 chỉ tiêu cụ thể về hệ thống đô thị; hình thái, liên kết đô thị; tỷ lệ đô thị hóa; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và cơ cấu kinh tế đô thị phấn đấu đạt được đến năm 2025 và năm 2030.
Trong đó, tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt tối thiểu 45%, năm 2030 trên 50%. Số lượng đô thị trên toàn quốc khoảng 950 - 1.000 vào năm 2025 và khoảng 1.000 - 1.200 năm 2030.
Đến năm 2025, 100% đô thị loại III trở lên hoàn thiện tiêu chí phân loại về cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng về y tế, giáo dục, đào tạo và công trình văn hóa; hình thành một số trung tâm đô thị cấp quốc gia, cấp vùng đạt các chỉ tiêu về y tế, giáo dục, đào tạo, văn hóa cấp đô thị tương đương mức bình quân của đô thị thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN vào năm 2030.
Diện tích sàn nhà ở bình quân trên đầu người khu vực đô thị đạt tối thiểu 28m2 năm 2025 và 32m2 năm 2030. Kinh tế đô thị đóng góp khoảng 75% GDP cả nước năm 2025 và 85% năm 2030. Xây dựng được mạng lưới đô thị thông minh trung tâm cấp quốc gia, cấp vùng kết nối quốc tế, 3 - 5 đô thị có thương hiệu được công nhận tầm khu vực và quốc tế đến năm 2030.
“Chính phủ đã cụ thể hóa bằng 5 nhiệm vụ chủ yếu và 33 nhiệm vụ cụ thể gắn với kế hoạch tổ chức thực hiện theo lộ trình nhằm đạt được các mục tiêu của Nghị quyết 06. Trong đó, nhiệm vụ chủ yếu là thống nhất nhận thức, hành động về quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển bền vững đô thị; Nâng cao chất lượng quy hoạch, quản lý quy hoạch đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển bền vững; Đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu; Xây dựng các nhiệm vụ, đề án chuyên ngành; Xây dựng các cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật” – Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho hay.
Trưởng ban Kinh tế T.Ư Trần Tuấn Anh cho biết, đô thị hóa và phát triển đô thị là quá trình tất yếu của các quốc gia trong quá trình phát triển, gắn kết chặt chẽ với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng nông thôn mới. Nhận thức được tầm quan trọng của đô thị, Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nêu yêu cầu, đẩy nhanh tốc độ, nâng cao chất lượng đô thị hóa và kinh tế đô thị. Xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển hệ thống đô thị hài hòa, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương...; hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung.
Ngay sau khi Nghị quyết 06 được ban hành, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo, giao Bộ Xây dựng là cơ quan thường trực, phối hợp với bộ, ngành liên quan và các địa phương triển khai xây dựng Chương trình hành động. Trên cơ sở tổng hợp đầy đủ ý kiến tham gia của các cơ quan hữu quan và các địa phương, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết 148/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị.
Để có thể triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 06 và Chương trình hành động 148, Ban Kinh tế T.Ư đề nghị một số nội dung trọng tâm gắn với những nhiệm vụ, gồm: Xác định các nhiệm vụ, giải pháp tạo đột phá để xây dựng đô thị bền vững, trước mắt là việc xây dựng, quản lý quy hoạch; Xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ, hiện đại; Phát triển hệ thống, theo mạng lưới đô thị thống nhất, bền vững, phù hợp, đồng bộ; Hoàn thiện chính quyền đô thị song song với nâng cao hiệu quả quản lý, phát huy và khai thác tốt các nguồn lực cho phát triển đô thị, đưa đô thị trở thành động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội...
Theo Kinh tế và Đô thị