Câu hỏi: Phát triển hệ sinh thái nền tảng số là giải pháp đột phá để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Xin cho biết vai trò của nền tảng số và danh mục công bố lần thứ nhất các nền tảng số quốc gia?
Trả lời
Với mục tiêu “Hình thành hệ sinh thái nền tảng số Việt Nam đáp ứng cơ bản yêu cầu chuyển đổi số, được sử dụng rộng rãi để tạo hạ tầng mềm phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số quốc gia và trong từng ngành, lĩnh vực, địa bàn, góp phần quan trọng để đạt được chỉ tiêu chiến lược quốc gia phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số”(1) ở Việt Nam, ngành Thông tin và Truyền thông đã đưa ra định hướng phát triển hệ sinh thái các nền tảng số đáp ứng nhu cầu của người dân Việt Nam và từ đó đi ra thế giới, coi phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả.
“Nền tảng số là hệ thống thông tin phục vụ các giao dịch điện tử trực tuyến hoạt động theo mô hình sử dụng công nghệ số để tạo môi trường mạng cho phép nhiều bên cùng tham gia để giao dịch, cung cấp dịch vụ cho các tổ chức, cá nhân, có thể sử dụng ngay, đơn giản, thuận tiện, linh hoạt theo yêu cầu, dễ dàng phổ biến trên diện rộng, các bên tham gia không cần tự đầu tư, quản lý, vận hành, duy trì. Nền tảng số là “hạ tầng mềm” của không gian số, giải quyết các bài toán cụ thể của chuyển đổi số, tạo lập và lưu trữ dữ liệu người dùng; càng có nhiều người sử dụng thì càng nhiều, chi phí càng rẻ, giá trị tạo ra càng lớn… Nền tảng số là giải pháp đột phá để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số… Nền tảng số quốc gia là yếu tố then chốt bảo đảm an toàn thông tin mạng và bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng. Phát triển nền tảng số quốc gia để tối đa hóa lợi ích do công nghệ mang lại đồng thời ngăn chặn và giảm thiểu các rủi ro mà công nghệ có thể gây ra cho xã hội và người dân”(1).
Theo Quyết định số 186/QĐ-BTTTT ngày 11/02/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, danh mục công bố lần thứ nhất các nền tảng số quốc gia ưu tiên tập trung phát triển gồm 35 nền tảng số thuộc 2 nhóm:
Một là, nền tảng số quốc gia do cơ quan nhà nước chủ quản, doanh nghiệp Việt Nam phát triển, làm chủ công nghệ lõi, sử dụng thống nhất trên toàn quốc phục vụ hoạt động quản lý nhà nước hoặc cung cấp dịch vụ công phục vụ xã hội, gồm 20 nền tảng số sau: Nền tảng điện toán đám mây Chính phủ; Nền tảng địa chỉ số; Nền tảng bản đồ số; Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; Nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu; Nền tảng họp trực tuyến thế hệ mới cho cơ quan nhà nước; Nền tảng dạy học trực tuyến; Nền tảng học kỹ năng trực tuyến mở (MOOCS); Nền tảng hóa đơn điện tử; Nền tảng định danh người dân và xác thực điện tử; Nền tảng dữ liệu số nông nghiệp; Nền tảng truy xuất nguồn gốc nông sản; Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa; Nền tảng quản lý tiêm chủng; Nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử; Nền tảng trạm y tế xã; Nền tảng phát thanh số (trực tuyến); Nền tảng truyền hình số (trực tuyến); Nền tảng bảo tàng số; Nền tảng khảo sát, thu thập ý kiến người dân.
Hai là, nền tảng số quốc gia do doanh nghiệp làm chủ quản, làm chủ công nghệ lõi, cung cấp dịch vụ phục vụ nhu cầu của cơ quan, doanh nghiệp và xã hội, gồm 15 nền tảng số sau: Nền tảng điện toán đám mây doanh nghiệp; Nền tảng trí tuệ nhân tạo; Nền tảng thiết bị IoT; Nền tảng họp trực tuyến thế hệ mới; Nền tảng mạng xã hội thế hệ mới; Nền tảng sàn thương mại điện tử; Nền tảng đại học số; Nển tảng quản trị tổng thể; Nền tảng kế toán dịch vụ; Nền tảng quản trị và kinh doanh du lịch; Nền tảng quản trị và kinh doanh vận tải; Nền tảng trung tâm giám sát điều hành thông minh (IOC); Nền tảng trung tâm giám sát điều hành an toàn thông tin mạng (SOC); Nền tảng trợ lý ảo; Nền tảng tối ưu hóa chuỗi cung ứng.
Các nền tảng số được coi là “hạ tầng mềm” của không gian số, giải quyết bài toán cụ thể của chuyển đổi số Việt Nam, giúp Việt Nam nhanh chóng trở thành quốc gia số, tạo động lực tăng trưởng bền vững để Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.
Thiên Hương (Tổng hợp)
Chú thích và Tài liệu tham khảo
(1) Bộ Thông tin và Truyền thông: Quyết định số 186/QĐ-BTTTT ngày 11/02/2022 phê duyệt Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
(2). Nhĩ Anh: “Phát triển hệ sinh thái nền tảng số”, https://vneconomy.vn/phat-trien-he-sinh-thai-nen-tang-so.htm