Điểm sáng trong xây dựng chuỗi liên kết
Huyện Đức Linh có diện tích đất sản xuất nông nghiệp hơn 42 nghìn ha; trong đó, hiện trạng đất trồng lúa hơn 9.200 ha. Xác định việc chuyển đổi sản xuất lúa chất lượng cao, xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo hàng hóa gắn với doanh nghiệp tiêu thụ là hướng đi tất yếu, huyện Đức Linh đã ban hành Nghị quyết 05 về việc xây dựng vùng chuyên canh sản xuất lúa chất lượng cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện. Đến năm 2025, toàn huyện phấn đấu có 1.600 ha lúa thực hiện liên kết sản xuất lúa chất lượng cao.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đức Linh Huỳnh Văn Tú cho biết, huyện đã triển khai đồng bộ giải pháp để xây dựng vùng lúa chất lượng cao dựa trên nền tảng đã thực hiện liên kết sản xuất "4 nhà" trước đây, kết hợp với thực hiện giải pháp sản xuất mới về giống, áp dụng khoa học kỹ thuật, tổ chức cánh đồng lớn, sản xuất theo chuỗi giá trị… Huyện đã khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp có uy tín tham gia liên kết sản xuất với hợp tác xã nông nghiệp, nông dân.
Đến nay, huyện Đức Linh đã thành lập được nhiều liên kết tiêu thụ theo chuỗi giá trị lúa chất lượng cao. Hợp tác xã Công Thành Đức Linh là đơn vị tiên phong trong thực hiện liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản theo Nghị định 98. Nhiều năm qua, hợp tác xã đã đẩy mạnh liên kết với nông dân ở xã Nam Chính và các vùng lân cận xây dựng chuỗi liên kết sản xuất lúa; trong đó, hợp tác xã đóng vai trò quan trọng trong tổ chức lại sản xuất và tiêu thụ. Từ đó, nhiều nông dân ở địa phương đã không còn bị ám ảnh bởi điệp khúc "được mùa, mất giá" vì đã có hợp tác xã bao tiêu sản phẩm và cam kết về lợi nhuận ngay khi tham gia.
Đại diện Hợp tác xã Công Thành Đức Linh cho biết, năm 2022 hợp tác xã thực hiện liên kết với nông dân sản xuất hơn 200 ha với sản lượng thu mua bao tiêu 1.400 tấn/năm và trên 200 hộ hưởng lợi. Việc thu mua sản phẩm cho nông dân tham gia liên kết có giá cao hơn giá thị trường 200 đồng/kg và bao tiêu ổn định hàng năm.
Ngoài liên kết theo Nghị định 98, hiện nay, trên địa bàn huyện Đức Linh còn có một số liên kết sản xuất lúa chất lượng cao như: Tập đoàn Lộc Trời, Công ty TNHH Phúc Tiến Đức Linh, Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Đại Nhật Phát liên kết với nông dân sản xuất hơn 460 ha lúa chất lượng cao tại các xã. Năng suất bình quân đạt từ 65-70 tạ/ha, doanh thu từ 45-49 triệu đồng/ha…
Theo ông Huỳnh Văn Tú, việc thực hiện mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa giữa nông dân và doanh nghiệp không chỉ giúp nông dân tăng thu nhập mà còn góp phần thay đổi phương thức, thói quen sản xuất cũ; giúp nông dân tiếp cận kỹ thuật canh tác tiên tiến. Thông qua đó, từng bước xây dựng các vùng nguyên liệu lúa, đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ, nhằm góp phần vào tái cơ cấu ngành nông nghiệp địa phương.
Nhân rộng chuỗi liên kết
Ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, mặc dù Bình Thuận rất tích cực trong chỉ đạo điều hành và triển khai chính sách nhưng tính đến năm 2023, tỉnh chỉ có 10 chuỗi liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản với quy mô sản xuất 1.124 ha, 154 con bò với 803 hộ tham gia. Con số này còn khá khiêm tốn và chưa tương xứng với tiềm năng nông nghiệp của địa phương.
Thực tế hiện nay, việc kêu gọi doanh nghiệp, các tổ chức đại diện nông dân tham gia thực hiện liên kết theo Nghị định 98 còn khó khăn do mức hỗ trợ cho doanh nghiệp, tổ chức đại diện nông dân còn thấp; thủ tục triển khai thực hiện phức tạp, khó khăn.
Bên cạnh đó, kinh phí hỗ trợ liên kết còn hạn chế, chủ yếu lấy từ kinh phí Trung ương trong hỗ trợ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra việc xây dựng dự án, kế hoạch liên kết phải tuân thủ theo quy trình kỹ thuật, định mức giống, vật tư... đã được cơ quan chức năng ban hành để vận dụng tính toán chi phí sản xuất và đề xuất ngân sách hỗ trợ theo quy định hiện hành. Do đó, các đơn vị thực hiện còn lúng túng trong quá trình xây dựng dự án, kế hoạch liên kết.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Hồng Hải, để Nghị định 98 phát huy hơn nữa hiệu quả, thời gian tới, ngành nông nghiệp cần phối hợp với các sở, ban ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất gắn tiêu thụ sản xuất nông nghiệp. Qua đó, giúp chủ thể nâng cao nhận thức xây dựng dự án, kế hoạch liên kết.
Ngành nông nghiệp cần chủ trì, tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp, hợp tác xã trong thực hiện Nghị định 98. Nhất là tập trung nguồn lực hỗ trợ cho đầu tư nông nghiệp, lồng ghép các chương trình của tỉnh, nguồn vốn ngân sách để đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, hình thành chuỗi liên kết.
Song song đó, các địa phương cần phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, rà lại việc triển khai thực hiện chuỗi, đồng thời cần quan tâm hơn đến doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong thực hiện Nghị định 98. Ngoài ra, các hiệp hội trong tỉnh cần năng động hơn nữa, nhất là vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân; tăng cường thông tin về giá cả thị trường, khuyến cáo để nông dân chủ động sản xuất.
Ngành nông nghiệp tỉnh cũng cần đề ra giải pháp về rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các ngành hàng, sản phẩm quan trọng cần khuyến khích, ưu tiên hỗ trợ thực hiện liên kết, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn.
Nguồn Báo tin tức