Các tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết của Trung ương về phát triển bền vững kinh tế biển. Tuy nhiên, kinh tế biển ở hai tỉnh này vẫn chưa phát triển xứng với tiềm năng sẵn có, đòi hỏi phải có giải pháp căn cơ, mang tính đột phá để có thể phát triển bền vững hơn trong tương lai.
Bài 1: Tạo đà bứt phá
Bến Tre và Trà Vinh nằm cuối nguồn sông Cửu Long, với chiều dài bờ biển hơn 130 km. Nhờ có lợi thế trên, hai tỉnh đã đẩy mạnh khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế biển theo hướng toàn diện, gồm: nuôi trồng, đánh bắt, dịch vụ, cảng cá, phát triển du lịch biển trên nhiều lĩnh vực, nhất là hoạt động khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá. Từ đó, tạo đà bứt phát cho phát triển kinh tế- xã hội của hai địa phương này.
Khai thác tiềm năng, lợi thế
Những năm gần đây, tỉnh Bến Tre tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh của 3 huyện ven biển trong lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản. Ông Nguyễn Văn Buội, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre cho biết, tỉnh có 50.000 ha diện tích tiềm năng nuôi thủy sản.
Đến nay, Bến Tre đã khai thác gần 46.000 ha nuôi thủy sản, tổng sản lượng nuôi đạt hơn 298.000 tấn; trong đó, có gần 31.000 ha nuôi tôm biển thâm canh, bán thâm canh, chủ yếu tập trung ở các huyện ven biển Bình Đại, Thạnh Phú và một phần ít ở huyện Ba Tri. Đặc biệt, mô hình nuôi tôm công nghệ cao ở Bến Tre đang phát triển khá mạnh, diện tích ngày càng mở rộng. Hiện tỉnh có hơn 2.300 ha nuôi tôm công nghệ cao, năng suất bình quân từ 60-70 tấn/ha.
Ngoài nuôi trồng, khai thác thủy sản của tỉnh cũng ngày càng phát triển, với sản lượng khoảng 210 nghìn tấn/năm. Ngoài ra, dịch vụ hậu cần nghề cá, cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, với việc đầu tư các cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão. Bến Tre hiện có hiện có 3 cảng cá, gồm: Ba Tri, Thạnh Phú và Bình Đại đạt tiêu chí cảng loại II; 2 khu neo đậu tránh trú bão Bình Đại và khu neo đậu tránh trú bão huyện Thạnh Phú.
Trong khi đó, tỉnh Trà Vinh có 65 km bờ biển với một ngư trường khá rộng lớn. Với tiềm năng, lợi thế sẵn có nên tỉnh luôn xác định khai thác nguồn lợi từ kinh tế biển là con đường phát triển kinh tế- xã hội thuận lợi, nhanh và ổn định. Vì thế, Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh qua nhiều nhiệm kỳ, Trà Vinh luôn chú trọng ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho các địa phương ven biển, nhằm tạo nền tảng vững chắc để khai thác nguồn lợi kinh tế từ biển.
Ông Nguyễn Quỳnh Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết, tỉnh có luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu xuyên qua địa phận tỉnh Trà Vinh thông với biển Đông, nối liền cảng Cái Cui (Cần Thơ). Đây là công trình quan trọng giúp Trà Vinh trở thành đầu mối giao thương hàng hóa với quốc tế thông qua con đường vận tải biển. Đặc biệt là đối với hàng hóa nông sản, thế mạnh của tỉnh Trà Vinh, được tiếp cận thị trường trong nước, các nước tiểu vùng sông MeKong và các nước cộng đồng kinh tế ASEAN.
Cùng với luồng tàu biển, tỉnh còn có Khu kinh tế Định An, là 1 trong 8 khu kinh tế ven biển trọng điểm của cả nước được Trung ương đầu tư nhằm khai thác tiềm năng kinh tế biển, thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội và tăng trưởng công nghiệp địa phương nói riêng, Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Bên cạnh đó, tỉnh có nhiều lợi thế phát triển nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, với gần 34.000 ha nuôi trồng và gần 1.200 tàu đánh bắt…
Ngoài thế mạnh về nuôi trồng, khai thác thủy sản, gần đây, tỉnh Bến Tre và Trà Vinh còn phát triển mạnh mẽ nguồn năng lượng tái tạo từ lợi thế biển. Các công trình điện gió đi vào hoạt động còn góp phần quan trọng trong phát triển ngành du lịch, tạo thêm điểm nhấn trong du lịch sinh thái biển.
Giám đốc Sở Công Thương Bến Tre Nguyễn Văn Bé Sáu cho biết, hiện tỉnh đã được Bộ Công Thương phê duyệt vào quy hoạch 19 dự án điện gió với tổng công suất hơn 1.007 MW. Đến nay, có 9 dự án với công suất khoảng 368 MW đang triển khai ngoài thực địa, thi công lắp đặt hoàn thành với công suất 270 MW; trong đó, 5/9 dự án kịp công nhận vận hành thương mại trước ngày 31/10/2021 với công suất 93,05 MW, phần còn lại đang tiếp tục triển khai thi công hoàn chỉnh.
Đến nay, UBND tỉnh Trà Vinh đã quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư 9 dự án điện gió; trong đó, có 5 công trình điện gió đã vận hành hòa vào lưới điện quốc gia, với 79 trụ tuabin gió trải dài từ vùng biển xã Hiệp Thạnh, thị xã Duyên Hải đến xã Đông Hải, huyện Duyên Hải, với tổng vốn đầu tư hơn 16.000 tỷ đồng, tổng công suất 320 MW. Theo tính toán, hằng năm các công trình này cung cấp nguồn năng lượng sạch với sản lượng điện khoảng 1.200 triệu kWh, doanh thu đạt trên 1.300 tỷ đồng, nộp ngân sách 500 tỷ đồng.
Phát triển chưa xứng tầm
Tuy có tiềm năng và lợi thế, nhưng nhìn nhận một cách khách quan, kinh tế biển ở Trà Vinh và Bến Tre nhiều năm qua vẫn chưa phát triển xứng tầm như kỳ vọng của địa phương. Thách thức lớn nhất đối với các tỉnh trong phát triển kinh tế biển là nguồn nội lực về ngân sách không đủ thực thi những giải pháp để tạo đà bứt phá.
Bởi, để khai thác hiệu quả tiềm năng từ biển, các địa phương cần giải quyết hàng loạt vấn đề về cơ sở hạ tầng kỹ thuật từ giao thông, thủy lợi, đến các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng, khoa học kỹ thuật, lực lượng lao động có trình độ, tay nghề cùng với các loại hình dịch vụ chất lượng cao như logistics, thương mại, du lịch,…
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn, nhìn tổng thể, kinh tế biển và vùng ven biển của tỉnh có tiềm năng nhưng chưa được phát huy đúng mức. Địa phương thiếu nguồn lực để tạo động lực tăng trưởng, quy mô kinh tế còn nhỏ, chưa thật sự tạo động lực tăng trưởng có tính quyết định đưa kinh tế của tỉnh phát triển nhanh, bền vững và lâu dài.
Cụ thể, tỉnh mạnh về nuôi tôm nhưng chưa thu hút được nhà đầu tư xây dựng nhà máy tôm xuất khẩu, nên giá trị gia tăng chưa đạt được như tiềm năng mong muốn. Hơn nữa, hiệu quả nghề nuôi thủy sản chưa thật sự ổn định và bền vững; vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và thách thức do thiên tai, dịch bệnh, môi trường, thị trường tiêu thụ; dịch vụ cảng và các dịch vụ hậu cần sau cảng phát triển chậm.
Các hoạt động du lịch tuy có theo định hướng quy hoạch nhưng còn mang tính tự phát. Mặt khác, tác động của biến đổi khí hậu đến kinh tế và đời sống người dân ngày càng nghiêm trọng. Do đó, cần có sự thay đổi về tư duy, nhận thức phát triển trong bối cảnh thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và tác động từ quá trình hội nhập kinh tế như hiện nay.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Nguyễn Quỳnh Thiện bày tỏ, thực tế cho thấy, ở lĩnh vực nuôi trồng và khai thác thủy sản, với diện tích gần 34.000 ha nuôi thủy sản vùng nước mặn và lợ, hàng chục năm qua, tỉnh chỉ mới bố trí thực hiện khoảng 800 ha nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao; gần 1.200 tàu cá đánh bắt thủy sản chủ yếu là tàu nhỏ, ngư cụ, máy móc, thiết bị công nghệ đánh bắt chưa đủ mạnh và hiện đại. Vì vậy, tái cơ cấu ngành thủy sản của tỉnh thời gian qua chuyển biến chậm, tăng trưởng của ngành này chưa cao và thiếu tính bền vững.
Thêm vào đó, khu Kinh tế Định An sau 12 năm thành lập đến nay chỉ mới thu hút được trên 50 dự án, với tổng vốn đăng kí đầu tư gần 155.000 tỷ đồng (tương đương 6,7 tỷ USD); trong đó, nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm 2,71 tỷ USD với các lĩnh vực như: cảng biển, logistics, nhiệt điện, điện gió, điện mặt trời, kho xăng dầu, siêu thị, nhà máy chế biến thủy sản, khu ươm tôm giống, vật liệu xây dựng (gạch tuynen, gạch không nung), du lịch sinh thái biển, giải trí, lĩnh vực giáo dục, y tế, khu đô thị…
Nơi đây vẫn chưa thu hút được nhiều dự án lớn, quan trọng, các nhà đầu tư trong nước còn nhỏ lẻ, số lượng nhà đầu tư có vốn đầu tư nước ngoài còn ít, thiếu đầu tư những ngành nghề tạo thế mạnh tác động vào sự phát triển kinh tế- xã hội. Từ đó, đóng góp của khu kinh tế này còn khiêm tốn, chưa thể hiện vai trò động lực phát triển như mục tiêu đề ra, ông Nguyễn Quỳnh Thiện chia sẻ.
Nguồn TTXVN