Container chứa hàng hóa tại Tân Cảng Cát Lái. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long là vùng kinh tế quan trọng, tập trung sản xuất lương thực lúa gạo và có điều kiện thuận lợi phát triển nông nghiệp.
Chính vì thế, Đồng bằng sông Cửu Long là nơi sản xuất chính nông sản của cả nước, đóng góp khoảng 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, gần 65% sản lượng thuỷ sản nuôi trồng, 60% lượng cá xuất khẩu và gần 70% các loại trái cây của cả nước.
Với quy mô sản xuất lớn và đang tăng nhanh như hiện nay, nhu cầu logistics tại Đồng bằng sông Cửu Long là rất lớn.
Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (Word Bank), hàng năm, Đồng bằng sông Cửu Long có nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu khoảng 18 triệu tấn/năm.
Với giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu hàng năm đạt hơn 31 tỷ USD thì nông sản xuất khẩu chiếm 75%, còn lại là các mặt hàng công nghiệp khác.
Từ những số liệu về lượng hàng và giá trị xuất khẩu, nhập khẩu và tiêu thụ nội vùng cho thấy một nhu cầu rất lớn về vận chuyển hàng hóa cho vùng.
Tuy nhiên, chỉ có 20% hàng hóa được vận chuyển qua hệ thống cảng biển của vùng, còn lại 80% được vận chuyển bằng đường bộ, chủ yếu để đến các cảng khu vực Thành phố Hồ Chí Minh và Bà Rịa-Vũng Tàu. Ngược lại, toàn bộ sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài cũng vận chuyển từ Thành phố Hồ Chí Minh về các tỉnh.
Mặt khác, trên 85% cảng, bến của các cảng biển Đồng bằng sông Cửu Long có quy mô rất nhỏ, chủ yếu phục vụ nhu cầu bốc xếp hàng rời, thiếu các cảng chuyên dùng cho container.
Từ thực tế trên, chi phí logistics tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là cao nhất, chiếm đến 30% giá thành sản phẩm.
Đặc biệt là doanh nghiệp nông nghiệp tự cung, tự cấp hạ tầng logistics cho sản phẩm của mình. Điều này làm gia tăng chi phí cho các doanh nghiệp, giảm mức cạnh tranh của nông sản vùng này nói riêng và nông sản Việt nói chung.
Tại hội thảo "Nâng cao năng lực cạnh tranh các doanh nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long dưới góc độ logistics" được tổ chức mới đây, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết vận chuyển hàng hóa từ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long gây kéo dài về thời gian, tốn kém chi phí cho các doanh nghiệp, bởi đặc thù xuất khẩu thủy sản là toàn bộ hàng hóa phải đông lạnh và cần vận chuyển tức thì, rút ngắn thời gian càng nhiều càng tốt, ít khâu trung chuyển, đảm bảo nhiệt độ cho container.
Logistics trong nông nghiệp được hiểu là một chuỗi các hoạt động lưu trữ hàng hóa, bao bì, đóng gói kho bãi, làm thủ tục hải quan, luân chuyển hàng hóa,... nhằm mục đích chuyển sản phẩm nông nghiệp từ nhà nông, người cung cấp đến người tiêu dùng trong và ngoài nước một cách nhanh, hiệu quả nhất.
Tuy nhiên, báo cáo Kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long năm 2020 đã phân tích năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong các ngành lúa gạo, thủy sản, trái cây qua sơ đồ cụm ngành cho thấy có chung một điểm yếu đó là logistics.
Theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), với vai trò là vựa lúa, vựa nông sản và vựa thủy sản lớn nhất cả nước, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang hình thành các kho lạnh chuyên dụng hiện đại phục vụ nhu cầu bảo quản các mặt hàng thế mạnh tại đây.
Tính đến thời điểm hiện tại, vùng Đồng bằng sông Cửu Long sở hữu khoảng 30% số lượng kho lạnh của khu vực phía Nam, chủ yếu phân bố tại Long An, Cần Thơ và Hậu Giang.
Mặc dù, hệ thống kho lạnh được nhiều doanh nghiệp đầu tư nhưng xét về tổng thể logistics ở Đồng bằng sông Cửu Long còn rất nghèo nàn, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển.
Hiện tại, Đồng bằng sông Cửu Long chưa có một trung tâm logistics đúng nghĩa, chỉ là những kho bãi tập kết hàng hóa, các kho lạnh, kho mát trữ hàng cho thuê của các doanh nghiệp đầu tư.
Trung tâm logistics hạng 2 tại thành phố Cần Thơ được Thủ tướng phê duyệt nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai, làm cho các doanh nghiệp trong ngành logistics chưa có điều kiện thuận lợi tham gia đầu tư, phát triển hạ tầng vốn đang gặp khó khăn trong thời gian qua.
Chủ tịch VASEP Trương Đình Hoè cho biết mong muốn lớn hiện nay của các doanh nghiệp ngành thủy sản là vận chuyển hàng hóa xuất khẩu thuận lợi, giảm chi phí, giảm thời gian vận chuyển.
"Theo các doanh nghiệp, nông hộ, hợp tác xã sản xuất ở Đồng bằng sông Cửu Long, nếu hệ thống kho bãi, đặc biệt là kho lạnh, kho mát được đầu tư thì nông hộ sẽ mạnh dạn trồng nhiều hơn, doanh nghiệp thu mua và lưu trữ ổn định được lượng hàng hóa xuất khẩu, điều tiết được giá cả, giúp nông sản được tiêu thụ ổn định hơn," ông Nguyễn Phương Lam thông tin.
Tại diễn đàn Hoàn thiện chuỗi dịch vụ logistics cho nông sản Đồng bằng sông Cửu Long vào ngày 26/5, Phó Trưởng ban kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong nhận định, phát triển hệ thống logistics cho nông sản Đồng bằng sông Cửu Long là một giải pháp cấp bách hiện nay để nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng nông sản Việt Nam nói chung và sự phát triển bền vững cho nông sản Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, góp phần thúc đẩy kinh tế khu vực phát triển./.
Thu Hiền (TTXVN/ Vietnam+)