Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 316 HTX đang hoạt động, trong đó có 236 HTX nông nghiệp, còn lại là các HTX phi nông nghiệp. Thay vì sản xuất theo kiểu tự phát như trước, nhiều HTX trên địa bàn tỉnh đã chủ động trong việc liên kết sản xuất, tìm thị trường tiêu thụ ổn định. HTX Phượng Hoàng, huyện Chi Lăng là một ví dụ.
Ông Dương Ngọc Đại, Giám đốc HTX cho biết: Năm 2016, HTX được thành lập với ngành nghề chính là phát triển cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP. Thuận lợi của HTX là các hộ thành viên đều có diện tích cây ăn quả như: bưởi, na đã được trồng từ trước. Để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, HTX chủ động tìm kiếm, ký kết với các doanh nghiệp, HTX khác ở trong và ngoài tỉnh. Chính vì vậy, từ năm 2017 đến nay, sản phẩm bưởi của HTX có thị trường tiêu thụ ổn định, doanh thu được nâng cao. Cụ thể HTX có 10,5 ha bưởi, hằng năm cho thu hoạch 150 tấn quả với doanh thu được 2,4 tỷ đồng. Gần đây nhất, năm 2020, HTX ký kết hợp đồng với HTX Nông sản sạch Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang tiêu thụ khoảng 120 tấn na VietGAP trên địa bàn xã Chi Lăng.
Cùng với HTX Phượng Hoàng, nhiều HTX khác trên địa bàn tỉnh cũng đã chủ động trong việc tìm kiếm thị trường, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Tiêu biểu như HTX Thịnh Phương, thành phố Lạng Sơn với mô hình cung ứng thực phẩm cho các trường học, nhà hàng; HTX Nông lâm sản Đồng Phát, huyện Tràng Định với mô hình liên kết tiêu thụ mía …
Bên cạnh sự chủ động của các HTX, các cấp, ngành liên quan trong tỉnh cũng quan tâm, tạo điều kiện để xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các HTX trên địa bàn tỉnh. Ông Vy Kim Truyền, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Trong những năm gần đây, các HTX trên địa bàn tỉnh đã rất chủ động trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ.
Liên minh HTX tỉnh cũng có những sự hỗ trợ nhất định như: tuyên truyền, khuyến khích các HTX thành viên tìm kiếm, mở rộng thị trường; hỗ trợ các HTX tham gia các chương trình xúc tiến thương mại… Cụ thể, mỗi năm, Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ kinh phí cho 8 đến 15 HTX thành viên tham gia các hội chợ ở trong và ngoài tỉnh để giới thiệu, quảng bá, tìm kiếm các mối liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Ngoài Liên minh HTX tỉnh, các ngành, đoàn thể liên quan như: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên… đã hỗ trợ các HTX quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường cả trong và ngoài tỉnh. Từ đó giúp HTX có thêm điều kiện giao lưu, tìm kiếm bạn hàng.
Ông Hoàng Văn Hải, Giám đốc HTX Nông sản sạch Tràng Định cho biết: Khoảng 3 năm gần đây, được sự hỗ trợ của các ngành liên quan, HTX được tham gia các hội chợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm ở cả trong tỉnh và các tỉnh bạn. Thông qua những cuộc hội chợ như vậy, HTX vừa giới thiệu được sản phẩm của mình vừa tìm kiếm thêm được các mối tiêu thụ nông sản, trong đó nhiều nhất là gạo, thạch đen… Đó là cơ sở để HTX từng bước mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao hiệu quả hoạt động. Mặc dù mới hoạt động từ năm 2017, song 2 năm trở lại đây, doanh thu của HTX đạt khoảng 2 tỷ đồng/năm.
Với sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước và sự chủ động của các HTX trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm đã góp phần củng cố, từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động lĩnh vực kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh. Doanh thu bình quân năm 2020 của các HTX trên địa bàn tỉnh được 950 triệu đồng/năm, tăng 8% so với năm 2017; thu nhập bình quân của thành viên, người lao động trong HTX đạt 55 triệu đồng/người/năm, tăng 53% so với năm 2017./.
Theo Lạng Sơn online