Nhiều thuận lợi
Theo TS. Dư Văn Toán, Chuyên gia nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam), Việt Nam là quốc gia có đường bờ biển dài 3200km. Cũng vì thế, Việt Nam có điều kiện thuận lợi để phát triển năng lượng tái tạo biển, ước tính khoảng 5.000 GW.
TS.Toán cũng cho biết, hiện nay GDP của Việt Nam tăng trưởng khoảng 7% năm, do đó lượng điện tiêu thụ gia tăng khoảng 20% năm. Vì thế, giá dầu, than, khí đốt tăng cao sẽ gây khó khăn cho an ninh năng lượng quốc gia. Do đó, việc bổ sung, đa dạng hóa nguồn năng lượng sơ cấp, trong đó năng lượng tái tạo là cần thiết phục vụ phát triển bền vững, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay.
Nhà nước cần có thêm chính sách hỗ trợ để phát triển năng lượng tái tạo biển. Ảnh: Diễn đàn doanh nghiệp
Đặc biệt, Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đã coi biển có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế và chiến lược phát triển năng lượng biển Việt Nam đang được bước đầu triển khai. Tuy nhiên, chiến lược này còn chưa được tiến hành một cách hệ thống, chưa có cơ quan đầu mối trong việc lập quy hoạch chiến lược ngành năng lượng biển.
Việt Nam có hơn 1 triệu km2 biển và có tiềm năng về năng lượng biển như mặt trời, gió, sóng, thủy triều, muối…, nếu được quy hoạch, khai thác hợp lý sẽ đóng góp quan trọng vào sự phát triển bền vững kinh tế Việt Nam.
Ông Tạ Đình Thi, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam cũng cho rằng tiềm năng, nhu cầu phát triển điện gió, trong đó có điện gió ngoài khơi tại các vùng biển Việt Nam rất lớn, nhất là tại các tỉnh Nam Trung Bộ. Phát triển điện gió ngoài khơi là chủ trương của Đảng và Nhà nước, là xu thế của thế giới. Tuy nhiên, để chủ trương đi vào thực tiễn tại Việt Nam, còn rất nhiều việc phải làm và có sự chung tay của các Bộ, ngành, Chính phủ, sự hợp tác của doanh nghiệp, nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo cũng như điện gió ngoài khơi để góp phần phát triển bền vững kinh tế biển.
Kích hoạt tiềm năng
Theo TS. Toán, để phát triển năng lượng tái tạo biển, nhà nước cần hỗ trợ đầu tư cho các chương trình điều tra, nghiên cứu, chế tạo thử, xây dựng các điểm điển hình sử dụng năng lượng tái tạo. Đồng thời, có ưu đãi thuế nhập thiết bị, công nghệ mới, thuế sản xuất, lưu thông các thiết bị; bảo hộ quyền tác giả cho các phát minh, cải tiến kỹ thuật có giá trị trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới.
Thực tế, Nghị quyết 26/NQ-CP cũng đã nêu rõ: Kế hoạch 5 năm đến năm 2025, ưu tiên đầu tư phát triển năng lượng tái tạo trên các đảo phục vụ sản xuất, sinh hoạt, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các cá nhân, tổ chức kinh tế trong và ngoài nước phối hợp đầu tư khai thác nguồn năng lượng biển mới và tái tạo trên cơ sở đôi bên cùng có lợi. Thúc đẩy đầu tư xây dựng, khai thác điện gió, điện mặt trời và các dạng năng lượng tái tạo khác trên các vùng biển và hải đảo. Phát triển các dự án điện gió tại một số tỉnh có tiềm năng, trước hết là tại các tỉnh Bình Thuận, Bạc Liêu, Cà Mau.
Như vậy, chủ trương, chính sách để phát triển năng lượng tái tạo biển đã có. Vấn đề đặt ra là triển khai như thế nào để doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào năng lượng tái tạo biển. Hơn nữa, qua trao đổi, các nhà đầu tư cho biết cũng đang gặp nhiều khó khăn, nhất là trong thời điểm dịch COVID-19 hoành hành. Vì vậy, nhà nước cần có thêm chính sách để hỗ trợ nhà đầu tư, từ đó thu hút đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo biển.
Dự án điện gió ngoài khơi Thăng Long nằm ngoài khơi mũi Kê Gà (Bình Thuận) có tổng công suất 3.400 MW. Ảnh: TTXVN
Còn theo ông Tạ Đình Thi, hiện nay đơn vị đã và đang xây dựng các văn bản pháp luật phục vụ tốt nhất cho việc phát triển năng lượng tái tạo trên biển, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và đưa ra các giải pháp tối ưu cho vấn đề giao khu vực biển.
Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cũng đang tích cực xây dựng Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nhiệm vụ quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây sẽ là căn cứ quan trọng để phát triển hài hòa, cân bằng, phát triển kinh tế biển kết hợp với bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, đảm bảo quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
“Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đang thực hiện liên thông thủ tục hành chính trong tiếp nhận hồ sơ giao khu vực biển của doanh nghiệp để thủ tục hành chính nhanh gọn, rút ngắn thời gian cho doanh nghiệp”, ông Thi nói.
Còn theo ông Đặng Quốc Toản, Giám đốc Công ty năng lượng dầu khí Châu Á, hiện tại các nhà đầu tư như ông rất mong công nghệ phát triển tăng công suất mỗi tuabin. Từ đó, sẽ giảm được giá thành đầu tư, cân đối tài chính đầu vào đầu ra. Cùng với đó là chính sách hỗ trợ của Nhà nước thì giấc mơ điện gió ngoài khơi sớm trở thành hiện thực.
“Nếu Việt Nam tận dụng tốt lợi thế cùng với các chính sách ưu đãi phù hợp thì vài chục năm tới Việt Nam có thể dẫn đầu khu vực Asean và xuất khẩu điện từ năng lượng tái tạo điện gió ngoài khơi ra khu vực”, ông Quốc chia sẻ.
Việt Nam có tiềm năng rất lớn về năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nguồn năng lượng này vẫn chưa được khai thác. Đặc biệt, điện gió ngoài khơi đóng góp rất nhiều khía cạnh cho quốc gia như kinh tế, quốc phòng, an ninh, có lợi cho ngành kinh tế biển khác. Các chuyên gia cho rằng, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi hợp lý để thu hút đầu tư trong và ngoài nước, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển kinh tế xã hội.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp