Hàng chục triệu công nhân chưa có nhà ở ổn định
Vấn đề đảm bảo an sinh xã hội cho công nhân là yếu tố quan trọng để mang lại hiệu quả sản xuất, đem đến sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp. Hơn thế, môi trường kinh doanh khép kín sẽ đảm bảo duy trì cho việc sản xuất trong thời điểm dịch bệnh phức tạp. Đợt dịch COVID-19 lần 4 vừa qua, đã bộc lộ hàng loạt vấn đề bức xúc của công nhân, nhất là nhà ở.
Việc thiếu nhà ở cho công nhân các KCN dẫn đến thực trạng công nhân phải di chuyển xa, doanh nghiệp sử dụng lao động phải bố trí xe đưa đón công nhân, gây tốn thời gian và chi phí. Công nhân phải thuê trọ trong những khu nhà tạm, không đủ điều kiện sinh hoạt tối thiểu. Đặc biệt, tại một số địa phương, số lượng công nhân ở trọ lên tới hàng vạn người, làm gia tăng mật độ dân số, tạo sức ép lên hạ tầng kỹ thuật, xã hội. Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đây là môi trường sống có nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao, khó kiểm soát.
Thống kê của Bộ Xây dựng, cả nước hiện mới chỉ có 2,58 triệu m2, chỉ đủ bố trí cho 330.000 người lao động, nhưng hàng chục triệu công nhân chưa có nhà ở ổn định lâu dài. Các KCN tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... nguồn cung về nhà ở cho công nhân hiện chỉ như muối bỏ biển. Qua tìm hiểu, mặc dù có nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở cho công nhân, điển hình như việc Chính phủ ban hành các cơ chế thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư nhà ở xã hội, nhưng các chính sách này chưa đủ mạnh, thiếu hấp dẫn các doanh nghiệp đầu tư.
Bên cạnh đó, có KCN đã xây dựng nhà ở cho công nhân thuê, nhưng không đạt tỷ lệ lấp đầy, khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc giữ chân người lao động mỗi khi có biến động về xã hội, kinh tế, dịch bệnh.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, từ đầu năm đến nay, chưa có dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân nào được hoàn thành bàn giao. Nhà ở xã hội ở dành cho công nhân KCN mới chỉ hoàn thành việc đầu tư xây dựng 121 dự án, với khoảng 54.000 căn hộ. Có 100 dự án đang tiếp tục triển khai với quy mô khoảng 134.000 căn hộ. Thực tế, những con số này hoàn thành kịp tiến độ cũng chưa đáp ứng đủ nhu cầu.
Theo rà soát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN), đến nay, cả nước có 214 dự án nhà ở dành cho công nhân, với khoảng 600 ha, trong đó đã hoàn thành 116 dự án, với hơn 250 ha, đạt 41% diện tích đất được đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng.
“Hầu hết công nhân, người lao động phải thuê nhà tại các khu nhà trọ do các hộ gia đình, cá nhân tự đầu tư xây dựng gần các KCN. Nhiều khu nhà là những dãy phòng cấp bốn, diện tích khoảng 9-10 m2/phòng, thiếu hầu hết các điều kiện hạ tầng, không đảm bảo chất lượng sống của người lao động”, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang cho biết.
Giải pháp cấp bách
Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Hà Quang Hưng cho rằng, mặc dù chính sách nhà ở cho công nhân làm việc trong KCN đang được lồng ghép vào chính sách nhà ở xã hội (trong Luật Nhà ở năm 2014), nhưng vẫn cần thiết phải có chính sách riêng để phát triển loại hình nhà ở này. Cùng với đó, do chưa có sự thống nhất giữa các quy định pháp luật về quy hoạch bố trí quỹ đất dự án xây dựng nhà ở cho công nhân KCN trong Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Đầu tư và Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ về quy định quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, nên quỹ đất để phát triển nhà ở cho công nhân hiện nay vẫn thiếu.
Theo số liệu tập hợp của Bộ Xây dựng, giai đoạn 2021 - 2025, nhu cầu vốn cho nhà ở công nhân KCN trên toàn quốc là 163.500 căn, với tổng mức đầu tư khoảng 82.000 tỷ đồng.
Trước thực tế trên, Bộ Xây dựng đề xuất sửa đổi Luật Nhà ở 2014, trong đó, chính sách nhà ở công nhân được nghiên cứu, quy định cụ thể hơn để khuyến khích đầu tư phát triển.
Trước mắt, Bộ Xây dựng phối hợp với các địa phương: Bố trí diện tích đất để xây nhà ở công nhân khi lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng KCN; tạo điều kiện về đất đai, thủ tục hành chính, hỗ trợ, khuyến khích, thu hút doanh nghiệp tích cực tham gia phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà cho công nhân thuê; đồng thời, đề xuất Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa danh mục phát triển nhà ở công nhân KCN vào danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
“Bộ Xây dựng kiến nghị bổ sung gói tín dụng khoảng 30.000 tỷ đồng theo hình thức tái cấp vốn cho chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân KCN, KCX vay để đầu tư, góp phần đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội - nhà ở cho đối tượng yếu thế (người thu nhập thấp, công nhân)”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết.
Lãnh đạo Tổng LĐLĐVN cũng đã đề nghị Chính phủ xây dựng chính sách đủ mạnh để có thể thu hút các nhà đầu tư phát triển nhà ở cho công nhân, đặt mục tiêu rõ ràng để thực hiện. Đặc biệt, cần thiết phải bố trí vốn ngân sách Nhà nước làm “vốn mồi” cho chương trình phát triển nhà ở công nhân, hạn chế tình trạng khoán trắng cho các nhà đầu tư thuộc thành phần kinh tế ngoài Nhà nước và đề nghị Quốc hội xem xét, bổ sung kế hoạch vốn để thực hiện chính sách nhà ở xã hội, chăm lo cho công nhân - lực lượng đang trực tiếp sản xuất cho xã hội./.