Hội thảo do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Hội Tự động hóa Việt Nam đồng tổ chức.
Phát biểu khai mạc, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho biết, Đại hội XIII của Đảng đã xác định mục tiêu đến năm 2030 nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, đồng thời xác định rõ yêu cầu “đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”.
Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định “Đẩy nhanh tích hợp công nghệ thông tin và tự động hóa trong sản xuất công nghiệp nhằm tạo ra các quy trình sản xuất thông minh, mô hình nhà máy thông minh, phát triển sản xuất các sản phẩm, thiết bị thông minh. Xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn công nghệ, kỹ thuật sản xuất thông minh”.
Nghị quyết 52- NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã xác định thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên tất cả các ngành, lĩnh vực và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia để Việt Nam sớm trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á; có năng suất lao động cao, có đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ hiện đại trong tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh.
Dẫn số liệu các nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Nguyễn Đức Hiển chỉ rõ, phát triển sản xuất thông minh trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn và thách thức. Hội thảo chuyên đề 2 được tổ chức nhằm mục đích tạo diễn đàn cho các nhà quản lý, các doanh nghiệp sản xuất, các nhà cung cấp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm để thúc đẩy chuyển đổi công nghệ, số hóa và tự động hóa quy trình sản xuất.
Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) Đào Trọng Cường cho rằng, việc phát triển sản xuất thông minh trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức để nước ta đẩy mạnh chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang sản xuất sản phẩm theo hướng “Make in Viet Nam”, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam và sản xuất tại Việt Nam; làm chủ các công nghệ sản xuất tiên tiến, đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển (R&D) trong sản xuất các thiết bị số như điện thoại thông minh, tivi thông minh, máy tính bảng...
Tại phiên thảo luận, các diễn giả đã trao đổi những vấn đề về sản xuất thông minh trên thế giới; chia sẻ kinh nghiệm giữa các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam về ứng dụng công nghệ số trong sản xuất thông minh; những kinh nghiệm trong việc thiết lập mô hình sản xuất và chuyển đổi số trong doanh nghiệp; khai thác công nghệ số trong tối ưu hóa vận hành nền sản xuất; xây dựng nhà máy thông minh trên nền tảng cũ; số hóa chuỗi cung ứng nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất...
Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho biết, các thành viên Tổ biên tập xây dựng Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” sẽ tổng hợp, chắt lọc và tiếp thu các ý kiến của đại biểu để đưa vào Đề án trình Ban Chấp hành Trung ương trong thời gian tới. Ông Hiển cũng đề nghị các chuyên gia trong lĩnh vực sản xuất tiếp tục nghiên cứu, đóng góp những ý kiến khách quan, khoa học trong quá trình xây dựng Đề án do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì thực hiện./.