Một dự án điện gió bên bờ biển tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Chanh Đa/TTXVN
Phù hợp với thực tiễn
Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, sự suy thoái của môi trường sống không chỉ tác động tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của người dân, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững của các quốc gia. Việt Nam không nằm ngoài xu thế chung với các quốc gia trên thế giới, buộc phải nỗ lực thực hiện các biện pháp cắt giảm phát thải khí nhà kính hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Mục tiêu này không chỉ là yêu cầu cấp thiết về môi trường mà còn mang đến những cơ hội đáng kể cho các tổ chức thuộc mọi quy mô; bao gồm việc tiết kiệm chi phí từ sử dụng hiệu quả năng lượng, nâng cao uy tín thương hiệu, phù hợp với nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng và nhà đầu tư đối với các hoạt động bền vững.
Thị trường carbon được bắt nguồn từ Nghị định thư Kyoto của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (1997). Các quốc gia có dư thừa quyền phát thải được bán cho hoặc mua từ các quốc gia phát thải nhiều hơn hoặc ít hơn mục tiêu cam kết. Từ đó, trên thế giới đã xuất hiện loại hàng hóa mới là các chứng chỉ giảm, hấp thụ phát thải khí nhà kính.
Hiện nay, thế giới giao dịch tín chỉ carbon trên hai thị trường là bắt buộc và tự nguyện. Trong đó, thị trường carbon bắt buộc là thị trường mà việc mua bán carbon dựa trên cam kết của các quốc gia trong Công ước khung Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) để đạt được mục tiêu cắt giảm khí nhà kính.
Hiện tại, lớn nhất là thị trường carbon châu Âu và thị trường carbon Hoa Kỳ... Thị trường carbon tự nguyện là thị trường dựa trên cơ sở hợp tác thỏa thuận song phương hoặc đa phương giữa các tổ chức, công ty hoặc quốc gia. Bên mua tín chỉ tham gia vào các giao dịch trên cơ sở tự nguyện để đáp ứng các chính sách về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG) để giảm dấu chân carbon.
Tín chỉ carbon là một chứng nhận đại diện cho việc giảm phát thải một tấn khí carbon dioxide (CO2). Các tín chỉ carbon được giao dịch trên thị trường carbon, nơi các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có thể mua và bán tín chỉ carbon để bù đắp cho lượng khí nhà kính mà họ phát thải.
Thị trường tín chỉ carbon trên thế giới hiện rất sôi động. Việc phát triển thị trường này không chỉ là xu thế xanh mà còn là cơ hội để các nước hướng tới “Net Zero” và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp. Thế giới hiện có 58 quốc gia phát triển thị trường carbon, 27 quốc gia áp dụng thuế carbon và một số quốc gia áp dụng cả hai. Tại Việt Nam, thị trường carbon đang được triển khai xây dựng với mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Dự kiến đến năm 2028, Việt Nam sẽ vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ carbon.
Theo ông Bùi Đức Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế, sản xuất đang có "độ mở" cao, nếu áp dụng sớm thị trường sẽ đồng nghĩa với việc bắt buộc các doanh nghiệp phải giảm phát thải. Việc này sẽ tác động rất lớn đến nền kinh tế, khiến doanh nghiệp phải bỏ rất nhiều chi phí để chuyển đổi công nghệ; cũng như xem xét đến đội ngũ nhân lực vận hành và làm chủ các công nghệ, máy móc mới. Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu đề ra, chúng ta vẫn phải làm, phải chuyển đổi, bởi nếu không sẽ tụt hậu với thế giới.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, việc hình thành thị trường tín chỉ carbon là thực hiện cam kết giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (Net Zero). Bằng công cụ kinh tế để quản lý phát thải khí nhà kính của doanh nghiệp. Mục tiêu là tạo ra thị trường tín chỉ carbon công khai, minh bạch, trên cơ sở xác định tổng lượng phát thải, phân bổ hạn ngạch phát thải cho các địa phương, lĩnh vực, thậm chí đến từng chủ thể phát thải; sử dụng các công cụ kinh tế để thay đổi nhận thức, hành vi trong phát thải khí nhà kính. Thị trường tín chỉ carbon chỉ có hiệu quả, lợi ích thực sự nếu được áp dụng đồng bộ, rộng khắp và công bằng trên quy mô toàn cầu.
Tuy nhiên đến nay mới chỉ có một số quốc gia, khu vực bắt đầu áp dụng những công cụ kinh tế để quản lý lượng phát thải khí carbon đối với một số sản phẩm hàng hóa. Phải chủ động xây dựng thị trường tín chỉ carbon ngay từ bây giờ để có ứng xử phù hợp với các quốc gia, khu vực đã áp dụng công cụ kinh tế, tài chính để quản lý lượng phát thải khí carbon, tránh tổn thất, thiệt thòi cho doanh nghiệp, bảo vệ được lợi ích quốc gia.
Xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon
Thị trường carbon lần đầu tiên được đề cập trong Quyết định 1775/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ vào năm 2012, phê duyệt Đề án quản lý phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính; quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ carbon ra thị trường thế giới. Theo đó, Đề án rà soát, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở cho tổ chức và hoạt động của thị trường tín chỉ carbon tự nguyện; xây dựng chính sách nhằm tạo điều kiện cho các địa phương, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư vào dự án kinh doanh tín chỉ carbon từ rừng theo hướng xã hội hóa công tác bảo vệ, phát triển rừng...
Nghị quyết 24-NQ/TW năm 2013 của Đảng về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đã đặt ra nhiệm vụ thúc đẩy các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện nước ta trên cơ sở hỗ trợ tài chính, công nghệ của các nước và tổ chức quốc tế; phát triển thị trường trao đổi tín chỉ carbon trong nước, tham gia thị trường carbon toàn cầu.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 đã quy định việc tổ chức và thực hiện thị trường carbon. Theo đó, thị trường carbon trong nước gồm các hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon thu được từ cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước, quốc tế, phù hợp với quy định của pháp luật, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính thuộc danh mục quy định, được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính và có quyền trao đổi, mua bán trên thị trường carbon trong nước. Cơ sở phát thải khí nhà kính chỉ được phát thải khí nhà kính trong hạn ngạch đã được phân bổ; trường hợp có nhu cầu phát thải vượt hạn ngạch được phân bổ thì mua hạn ngạch của đối tượng khác thông qua thị trường carbon trong nước.
Năm 2021, Nghị quyết 50-NQ/CP của Chính phủ đã xác định "thực hiện Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam" là một trong các nhiệm vụ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.
Ngày 7/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định chi tiết việc giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ozone và phát triển thị trường carbon. Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động phát thải khí nhà kính, giảm nhẹ phát thải, hấp thụ khí nhà kính; tham gia phát triển thị trường carbon trong nước; sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, tiêu thụ và xử lý các chất làm suy giảm tầng ozone, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát theo Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone.
Ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản chiến lược quan trọng về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; trong đó có lộ trình phát triển công cụ định giá carbon, nhất là thị trường carbon tuân thủ. Việt Nam dự kiến đẩy nhanh xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính; hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước, quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế và thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon kể từ năm 2025.
Nguồn TTXVN