Chúng lan truyền những quan điểm sai trái, phản động rằng “quyền lực nhà nước thống nhất không có sự phân chia, kiểm soát, đối trọng lẫn nhau nên tất yếu dẫn đến tình trạng tha hóa quyền lực, lạm quyền, lộng quyền”; “Đảng đứng trên Nhà nước, thâu tóm và thao túng quyền lực nhà nước”. Đây là những luận điệu hết sức phản động, sai trái.
Cần khẳng định rằng, quyền lực của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thống nhất bởi đó là quyền lực của nhân dân, từ nhân dân mà ra, do nhân dân ủy quyền, giao quyền cho những người trong bộ máy nhà nước. Đây là nguyên tắc thể hiện bản chất dân chủ của Nhà nước.
Cùng với quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền, bảo đảm cho mọi tổ chức và hoạt động của Nhà nước đều trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã đặt ra từ sớm yêu cầu tất yếu, bắt buộc trong về kiểm soát quyền lực nhà nước để giữ đúng bản chất dân chủ của Nhà nước. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghia xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011 khẳng địn rõ quyền lực Nhà nước Việt Nam là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Hiến pháp 2013 và các luật về tổ chức bộ máy Nhà nước quy định rõ, cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ chế kiểm soát lẫn nhau của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Đây cũng là cơ sở để nhân dân giám sát, đánh giá được hiệu lực, hiệu quả thực hiện, kịp thời phát hiện, tố giác để xử lý các hành vi sai phạm.
Một trong những đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo để kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc tổ chức và thực thi quyền lực nhà nước, bảo đảm giữ đúng bản chất dân chủ của Nhà nước, bảo đảm quyền lực nhà nước được sử dụng đúng mục đích vì lợi ích của dân.
Đảng lãnh đạo Nhà nước bằng các phương thức lãnh đạo rõ ràng được ghi nhận trong Cương lĩnh và các Văn kiện Đại hội Đảng. Điều đó không có nghĩa là Đảng đứng trên Nhà nước, làm thay Nhà nước, đứng trên, đứng ngoài Hiến pháp, pháp luật. Cán bộ, đảng viên trong Đảng vừa phải tuân thủ Điều lệ Đảng và tuân thủ Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước. Các tổ chức của Đảng và đảng viên, nhất là tổ chức, đảng viên hoạt động trong các cơ quan nhà nước vừa phải gương mẫu, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, vừa phải nêu cao vai trò tiên phong trong thực hiện chủ trương, đường lối, các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Khi tổ chức đảng, đảng viên vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý nghiêm minh, “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”. Chỉ có giữ vững được sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với Nhà nước thì quyền lực nhà nước mới được kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm được tổ chức, thực thi vì lợi ích chung của nhân dân; Nhà nước mới thật sự là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 17/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới” xác định rõ yêu cầu tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch vững mạnh về mọi mặt; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước nói riêng và đối với hệ thống chính trị nói chung. Qua đó, giữ vững bản chất dân chủ của Nhà nước, để quyền lực nhà nước, chính quyền nhà nước thật sự là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Đồng thời, đề cao cảnh giác, tỉnh táo nhận diện rõ bản chất xấu xa và mục đích đen tối của các thế lực thù địch. Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong tình hình mới./.
H.T.T