1. Trong khoảng hơn 30 năm qua, nhất là sau biến cố dẫn đến sự đổ vỡ của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu, các thế lực thù địch, phản động ở trong và ngoài nước đẩy mạnh tấn công chủ nghĩa xã hội khoa học một cách toàn diện, bằng nhiều phương thức, vừa trắng trợn, vừa tinh vi, hết sức hiểm độc. Điều đáng nói là, ngoài kẻ thù tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lê nin, thật ngạc nhiên khi có những người chỉ mới đây thôi còn tự coi mình là những người mác-xít, thì nay quay lại phê phán điên cuồng, phủ nhận giá trị và sức sống của chủ nghĩa xã hội khoa học. Trên các diễn đàn, phương tiện truyền thông, internet, mạng xã hội, có thể dễ dàng nhận thấy vô số luận điệu, đủ mọi màu sắc.
Thứ nhất, các thế lực thù địch, phản động cho rằng “chủ nghĩa xã hội khoa học là sản phẩm chủ quan, tư biện của C.Mác và Ph.Ăngghen, không bao giờ trở thành hiện thực, cũng chỉ là chủ nghĩa xã hội không tưởng mà thôi?!”. Thực tế không phải vậy. Ph.Ăngghen chỉ rõ: chủ nghĩa xã hội khoa học ra đời không phải trên “mảnh đất hoang”, mà “cũng như mọi học thuyết mới, trước hết phải xuất phát từ những tư liệu tư tưởng đã tích lũy từ trước”. Chủ nghĩa xã hội khoa học ra đời là kết quả của sự kế thừa những giá trị của lịch sử tư tưởng nhân loại, trước hết là chủ nghĩa xã hội không tưởng. – phê phán, mà tiêu biểu là Xanh-Xi-mông, Phu-ri-ê và Ô-oen. Đồng thời, thông qua quá trình nghiên cứu lý luận và hoạt động thực tiễn, C.Mác và Ph.Ăngghen đã luận chứng cho sự ra đời của chủ nghĩa xã hội trên cơ sở hiện thực của đời sống xã hội cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, với sự phát triển cả chiều rộng và chiều sâu của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa; “mâu thuẫn giữa sản xuất xã hội và sự chiếm hữu tư bản chủ nghĩa biểu hiện ra thành sự đối kháng giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản”. Chủ nghĩa xã hội khoa học ra đời đã chấm dứt khủng hoảng về đường lối của phong trào đấu tranh của giai cấp vô sản chống lại sự áp bức, bóc lột của giai cấp tư sản, chuyển từ đấu tranh tự phát lên đấu tranh tự giác.
Dĩ nhiên, bên cạnh những điều kiện, tiền đề khách quan, sự ra đời và phát triển của chủ nghĩa xã hội khoa học có công lao to lớn của C.Mác và Ph.Ăngghen, được V.I.Lênin, các đảng cộng sản và công nhân vận dụng, tiếp tục bổ sung, phát triển và hiện thực hóa.
Thứ hai, các thế lực thù địch xuyên tạc cho rằng “chủ nghĩa xã hội khoa học ra đời từ giữa thế kỷ XIX, nay đã thế kỷ XXI, trong điều kiện của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nên chủ nghĩa xã hội khoa học không còn phù hợp với thực tiễn ngày nay”. Thực tế cho thấy, với bản chất là học thuyết luận giải về quy luật chung nhất của sự vận động, phát triển của tự nhiên, xã hội và tư duy, về quy luật về cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản chống lại sự áp bức, bóc lột của giai cấp tư sản, về sự ra đời, phát triển của chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản; Chủ nghĩa Mác – Lê nin là học thuyết mở, được bổ sung, phát triển không ngừng, do đó nó không bị hạn chế bởi thời gian, không gian, nên không thể lỗi thời.
C.Mác đã phát hiện ra “điều bí ẩn của lịch sử”, luận giải quy luật vận động và phát triển của lịch sử nhân loại với cách tiếp cận khoa học mà trước đó các nhà chủ nghĩa xã hội không tưởng chưa lý giải được. Đó là “xét đến cùng, nguyên nhân của mọi biến đổi lịch sử là do sự phát triển của lực lượng sản xuất”. Trong xã hội có giai cấp đối kháng, đấu tranh giai cấp đến giai đoạn nhất định tất yếu dẫn đến cách mạng xã hội, một chế độ xã hội mới ra đời thay thế chế độ xã hội cũ đã lỗi thời lạc hậu để mở đường cho xã hội phát triển. Chính nhiều nhà xã hội học nổi tiếng ở phương Tây thừa nhận rằng: “C.Mác đã cung cấp cho xã hội học và chính trị học hiện đại những tiếp cận lý thuyết bao quát và mạnh mẽ nhất” và “điều chắc chắn bất cứ lý thuyết phân tầng nào đều vay mượn của Mác cách lý giải về giai cấp…học thuyết Mác về xã hội chủ yếu dựa trên sự nghiên cứu các mối quan hệ kinh tế và các quan hệ kinh tế này lại tạo thành nền tảng của giai cấp”.
Ngày nay, lịch sử nhân loại có nhiều đổi thay so với thế kỷ XIX, chủ nghĩa tư bản đã có sự điều chỉnh quan hệ sản xuất để tiếp tục tồn tại, phát triển trong điều kiện mới. Sự bóc lột của chủ nghĩa tư bản ngày càng được mở rộng ra ngoài chính quốc, được che đậy dưới lớp vỏ hào nhoáng, “văn minh” và “tinh vi hơn”. Tuy nhiên, điều đó không làm cho chủ nghĩa tư bản thay đổi bản chất và nằm ra ngoài quy luật mà chủ nghĩa Mác đã chỉ ra mà trái lại càng chứng minh tính đúng đắn của chủ nghĩa Mác trong thời đại ngày nay. Những gì diễn ra trên thế giới trong những năm qua đã phơi bày bản chất của chủ nghĩa tư bản, đi ngược lại với chủ nghĩa xã hội, với khát vọng, mong muốn hòa bình của nhân dân và các lực lượng tiến bộ trên thế giới.
Thứ ba, các thế lực thù địch xuyên tạc cho rằng chủ nghĩa Mác – Lênin là học thuyết sai lầm do cơ sở hiện thực của nó là chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu đã sụp đổ. Thực tế cho thấy, nguyên nhân sâu xa của vấn đề là mô hình Xô viết bên cạnh những thành tựu vĩ đại đạt được đã có những hạn chế, khuyết điểm chậm được phát hiện và sửa chữa, dẫn đến xơ cứng, giáo điều, khép kín, thiếu sáng tạo, tụt hậu, chứ không phải là bắt nguồn từ chủ nghĩa Mác – Lênin.
Từ những năm 1970 trở đi, trình độ sản xuất của thế giới bước vào giai đoạn phát triển mới, nhưng Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu không bắt kịp; trình độ khoa học, kỹ thuật và công nghệ ngày càng tụt hậu so với các nước tư bản phát triển, năng suất lao động giảm sút, kinh tế – xã hội rơi vào khủng hoảng ngày càng trầm trọng, buộc phải cải tổ. Tuy nhiên, trong cải tổ lại lúng túng, muốn đốt cháy giai đoạn, không nhận thấy rõ nguyên nhân thực sự của khủng hoảng để đề ra biện pháp cải tổ đúng hướng.
Nguyên nhân chủ yếu và trực tiếp của sự sụp đổ này là trong cải tổ, Đảng Cộng sản Liên Xô và các nước Đông Âu đã mắc phải những sai lầm, khuyết điểm rất nghiêm trọng. Nhân danh dân chủ hóa, một số nhân vật lãnh đạo cao nhất đã từng bước từ bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, xét lại và cuối cùng phản bội chủ nghĩa Mác – Lênin.̉ Cùng với đó, chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là Mỹ, ráo riết thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” nhằm chống phá Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa.
Cùng thời điểm trên, chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Cuba… đều rơi vào khủng hoảng. Tuy nhiên, quá trình cải cách mở cửa ở Trung Quốc, đổi mới ở Việt Nam, Lào, cập nhật hóa mô hình kinh tế – xã hội ở Cuba đã và đang đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Có được những thành công đó là nhờ vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin phù hợp với điều kiện thực tế của từng quốc gia – dân tộc và xu thế phát triển của thời đại.
Tất cả những điều đó cho thấy, sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu chỉ là sự sụp đổ của một mô hình xây dựng chủ nghĩa xã hội cụ thể. Tuyệt nhiên, đó không phải là sụp đổ của một học thuyết khoa học và cách mạng. Chủ nghĩa Mác – Lênin tiếp tục là kim chỉ nam cho các đảng cộng sản cầm quyền lãnh đạo đất nước phát triển.
Thứ tư, các thế lực thù địch cho rằng “chủ nghĩa xã hội hiện thực từ khi ra đời cho đến nay chưa bao giờ phát triển được như chủ nghĩa tư bản. Vì thế, chủ nghĩa tư bản mới là mục tiêu của nhân loại, chứ không phải chủ nghĩa xã hội”. Điều mà không ai có thể phủ nhận, đó là chủ nghĩa tư bản từ khi ra đời và phát triển đến nay đã đạt được nhiều thành tựu trên lĩnh vực kinh tế, khoa học và công nghệ. Nhưng cần nhớ rằng, chủ nghĩa tư bản đã có hơn 500 năm ra đời và phát triển, xâm lược, chiếm đoạt, vơ vét tài nguyên khắp toàn cầu, trên con đường phát triển của họ ngập ngụa máu và nước mắt của nhân dân cần lao chính quốc và thuộc địa. Chính Terry Eagleton – một học giả người Anh cũng phải chua chát thừa nhận rằng: “Những nước tư bản hiện đại là kết quả của một lịch sử nô dịch, diệt chủng, bạo lực và bóc lột một cách ghê tởm”.
Trong khi đó, chủ nghĩa xã hội hiện thực ra đời và phát triển đến nay mới chỉ hơn 100 năm, nhưng đã đạt được những thành tựu hết sức vĩ đại. Trong đó, Liên Xô có khoảng hơn 70 năm tồn tại và phát triển, nhưng chỉ mất khoảng 20 năm thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, biến nước Nga kém phát triển trở thành một Liên Xô có công nghiệp hùng mạnh, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được bảo đảm ở mức cao, là quốc gia đi đầu trong các phát minh khoa học và chính phục vũ trụ. Chưa kể, nhờ Liên Xô hùng mạnh đã chặn đứng được chủ nghĩa phát xít, cứu nhân loại khỏi thảm họa diệt chủng. Sự ảnh hưởng của chủ nghĩa xã hội hiện thực đã giúp các dân tộc thuộc địa trên thế giới tự đứng lên giải phóng khỏi sự thống trị của chủ nghĩa đế quốc.
Dù có cố gắng điều chỉnh thế nào đi chăng nữa, thì chủ nghĩa tư bản hiện vẫn không khắc phục được khuyết tật vốn có, đó là bất bình đẳng. Càng phát triển hố sâu ngăn cách giữa người giàu và người nghèo ngày càng sâu sắc hơn. Bên cạnh những nhà tư bản giàu sang, thì có hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu người thất nghiệp, sống dưới mức nghèo khổ, vô gia cư, không được học hành và chăm sóc y tế đầy đủ. Không phải bất kỳ quốc gia nào đi theo con đường tư bản chủ nghĩa đều là nước phát triển. Còn đó một “châu Á nghèo”, “một châu Phi đói” và “một châu Mỹ nợ nần chồng chất”. Tất cả sự thật đó đang phơi bày bản chất thực sự của chủ nghĩa tư bản hiện đại. Chỉ có chủ nghĩa xã hội được xây dựng trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin mới giải quyết triệt để những khuyết tật vốn có của chủ nghĩa tư bản, đem lại cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc thật sự cho tất cả mọi người, mọi dân tộc.
Thứ năm, các thế lực thù địch, phản động xuyên tạc cho rằng “Đảng Cộng sản Việt Nam dẫn dắt dân tộc đi theo đường lối sai lầm, đó là xây dựng chủ nghĩa xã hội dựa trên chủ nghĩa Mác – Lênin, đưa đất nước lâm vào khủng hoảng toàn diện, ngày càng tụt hậu so với các nước trong khu vực và trên thế giới”. Nhưng thực tiễn cho thấy chủ nghĩa xã hội chính là sự lựa chọn của chính dân tộc Việt Nam, phù hợp với xu thế phát triển khách quan của thời đại. Sau hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Chúng ta phải tiếp tục kiên định, vận dụng, và phát triển sáng tạo chủ nghĩa xã hội khoa học trong điều kiện mới trên tinh thần phương pháp luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và thực tiễn đất nước.
Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là sự nghiệp nhiều khó khăn, thử thách. Nhưng, với sự quyết tâm không gì lay chuyển, nhân dân Việt Nam luôn tin tưởng, quyết tâm thực hiện bằng được mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, con đường mà Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam đã lựa chọn. Đó là con đường duy nhất đúng đắn./.
P.V.G