Phần hỏi, trả lời và tranh luận ngắn gọn, thẳng thắn, sát thực tiễn. Chủ tọa điều hành khoa học, linh hoạt, hiệu quả.
Giải quyết những khó khăn, thách thức trước mắt của nền kinh tế
Là địa phương đầu tàu kinh tế của đất nước, sự phát triển trong từng ngành kinh tế của TP Hồ Chí Minh có tác động rất lớn đến tốc độ tăng trưởng kinh tế ngành cũng như của cả nền kinh tế quốc gia nói chung và ngược lại, tình hình phát triển kinh tế quốc gia cũng ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế TP Hồ Chí Minh. Vì vậy, cử tri TP Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực kinh tế trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn, trong đó có phần trả lời của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Nhất trí với những đánh giá tích cực của Chính phủ về sự phát triển thị trường trong nước, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) cho biết, theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 cả nước ước đạt 536,3 nghìn tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại - dịch vụ trên cả nước theo đà đó đã diễn ra khá sôi động, dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm, đặc biệt với nhóm hàng tiêu dùng, thời trang, gia dụng.
Đối với phương hướng phát triển kinh tế quốc gia trong những tháng cuối năm và cả năm 2023, ông Nguyễn Anh Đức cho rằng, Chính phủ đặc biệt quan tâm tập trung thúc đẩy các động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu; thúc đẩy phát triển mạnh công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, công nghiệp chế tạo, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và thúc đẩy xuất khẩu, tận dụng tốt cơ hội thị trường vào dịp cuối năm, lễ Tết…, góp phần giải quyết những khó khăn, thách thức trước mắt của nền kinh tế trong nước.
Chia sẻ quan điểm về việc ban hành bộ tiêu chí để xác định sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam, theo ông Nguyễn Anh Đức, hiện các doanh nghiệp sản xuất trong nước đang thực hiện xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam tại Nghị định số 111/2021/NĐ-CP. Còn đối với Thông tư trong đó có nội dung quy định về bộ tiêu chí xuất xứ dùng để xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, là cơ sở thực hiện việc ghi nhãn về xuất xứ hàng hóa tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP vẫn chưa được ban hành. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa báo cáo đến đại biểu Quốc hội về việc tạm dừng ban hành Thông tư quy định về hàng hóa sản xuất tại Việt Nam. Theo đó, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn hiện nay, việc ban hành quy định, điều kiện mới, gây phát sinh chi phí cho doanh nghiệp là không phù hợp.
“Ở góc độ là Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, tôi hoàn toàn đồng ý với đề xuất của Bộ trưởng Bộ Công Thương, năm nay tiếp tục là một năm đầy khó khăn đối với doanh nghiệp khi bức tranh kinh tế vẫn chưa khởi sắc đáng kể. Quy định của dự thảo Thông tư chỉ áp dụng khi thương nhân có nhu cầu ghi nhãn "sản xuất tại Việt Nam" với hàng hóa của mình (nghĩa là hàng hóa nào muốn dán nhãn này mới bị điều chỉnh). Trường hợp hàng không ghi xuất xứ Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng bởi chính sách này”, ông Nguyễn Anh Đức chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Anh Đức, bộ tiêu chí khi được ban hành, phạm vi tác động sẽ rất lớn, có thể gây trở ngại với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, hộ kinh doanh cá thể, làm phát sinh chi phí. Hoạt động truy xuất nguồn gốc, xác định xuất xứ của từng linh kiện, nguyên liệu không phải dễ dàng, rất tốn kém cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, ở góc độ tích cực, để hàng hóa xuất xứ Việt Nam ngày càng chuẩn hóa và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu ra thị trường quốc tế ngày càng cao, việc ban hành Thông tư quy định về hàng hóa xuất xứ Việt Nam là điểm tích cực. Việc ban hành phù hợp với như cầu thực tế tại một thời điểm thích hợp khi nền kinh tế Việt Nam vượt qua giai đoạn khó khăn như hiện nay.
Nâng cao tay nghề và cải cách tiền lương cho y, bác sỹ công tác tại tuyến đảo
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn về lĩnh vực văn hóa, xã hội được cử tri tỉnh Quảng Ninh quan tâm theo dõi. Cử tri đánh giá cao sự thẳng thắn của các đại biểu Quốc hội với những câu hỏi đi thẳng vào nội dung được dư luận xã hội quan tâm, nhất là vấn đề về chăm sóc sức khỏe của nhân dân.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Ba Chẽ Bùi Văn Lưu cho biết, với mục tiêu nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe toàn diện cho nhân dân, huyện đã tập trung đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các cơ sở y tế từ huyện đến xã như: máy siêu âm màu 4D, hệ thống nội soi tiêu hóa, hô hấp, tiết niệu, dàn tập phục hồi chức năng... Địa phương đã triển khai các đợt khám, chữa bệnh lưu động góp phần giúp người dân được thụ hưởng và tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe kỹ thuật cao. Huyện đã triển khai hiệu quả công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong kết nối hệ thống thông tin giữa y tế xã với y tế huyện để theo dõi, quản lý công tác khám, chữa bệnh; kết nối liên thông dữ liệu thanh toán khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; triển khai thí điểm thực hiện bệnh án điện tử; thực hiện các phần mềm tiêm chủng, báo cáo dịch, theo dõi sức khỏe toàn dân, các bệnh không lây nhiễm, công tác báo cáo theo quy định của ngành, giám sát bệnh truyền nhiễm, công tác dân số và phát triển... Địa phương chủ động phối hợp với các bệnh viện lớn của tỉnh tổ chức các đợt khám sức khỏe miễn phí cho đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa...
Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cô Tô Phạm Tiến Dũng đánh giá cao sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong việc chú trọng bố trí nhân lực ngành Y tế chất lượng cao cũng như đầu tư cơ sở hạ tầng và các thiết bị y tế hiện đại cho các huyện đảo xa đất liền để đảm bảo chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. Huyện đảo Cô Tô đã được đầu tư hệ thống chụp cắt lớp vi tính, chụp X-quang kỹ thuật số, nội soi, phẫu thuật nội soi, máy siêu âm 4D, máy xét nghiệm sinh hóa. Đầu năm 2023, Cô Tô đã triển khai kỹ thuật ô-xy cao áp trong điều trị bệnh giảm áp và phối hợp điều trị các bệnh như: đột quỵ, đau đầu, mất ngủ, tim mạch, rối loạn tiền đình… Nhờ đó, từng bước nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân huyện đảo.
Ông Phạm Tiến Dũng đề xuất, Đảng, Nhà nước cần quan tâm hơn nữa việc đào tạo nâng cao tay nghề và có chính sách cải cách tiền lương cho y, bác sỹ công tác tại tuyến đảo. Cử tri huyện đảo Cô Tô mong muốn, được đầu tư phương tiện tàu, xuồng chuyên dụng đủ điều kiện chuyên chở bệnh nhân vào đất liền đối với những ca bệnh nặng, vượt quá khả năng chuyên môn của của y tế tuyến huyện; từ đó, chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho nhân dân các xã đảo, huyện đảo.
Hoạt động chất vấn đã thực sự đổi mới
Thạc sỹ Lê Đình Hoan, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Lắk đánh giá các đại biểu đặt câu hỏi thẳng thắn, ngắn gọn, tập trung vào những vấn đề cử tri và xã hội quan tâm. Khi thấy phần trả lời của các Bộ trưởng, Trưởng ngành chưa thỏa đáng đã có thêm nhiều ý kiến tranh luận, mục đích cuối cùng là có giải pháp giải quyết vấn đề hiệu quả nhất; điều đó thể hiện sự quyết liệt, trách nhiệm của đại biểu. Các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ trả lời có trọng tâm, cụ thể; đối với những vấn đề chưa làm được đã nhận trách nhiệm và giải trình minh bạch, xác định thời gian cụ thể để hoàn thành. Hầu hết các Bộ trưởng, Trưởng ngành đều nắm chắc lĩnh vực phụ trách nên trả lời tự tin và cũng thể hiện tinh thần cầu thị. Ông Lê Đình Hoan tâm đắc với những nội dung về đổi mới giáo dục theo hướng dịch chuyển dần, có sự tích hợp, từng bước thích ứng; những thời cơ và thách thức trong quá trình chuyển đổi số...
Qua theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn, ông Lê Đình Hoan mong muốn những vấn đề có thể phải giải quyết nhiều năm, nhiều tháng cần phải có lộ trình thời gian cụ thể; những vấn đề liên quan đến nhiều ngành, nhiều cơ quan cũng cần phân định rõ trách nhiệm để đến kỳ sau đánh giá, kiểm điểm lại mức độ hoàn thành.
Cử tri Lê Hữu Chỉnh (81 tuổi, phường Thắng Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột) đánh giá hoạt động chất vấn của Quốc hội đã thực sự đổi mới. Phần trả lời của Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ thẳng thắn, đầy đủ. Ngoài thông tin chung về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước, Thủ tướng đã trả lời thỏa đáng tất cả câu hỏi cũng là vấn đề xã hội đặt ra. Quốc hội và Chính phủ đã đề quan tâm đến cải cách tiền lương, tập trung mũi nhọn “giáo dục là quốc sách hàng đầu”, đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông, nhất là xây dựng các tuyến cao tốc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thời gian tới. Cử tri mong rằng những vấn đề được đặt ra tại phiên chất vấn sẽ nhanh chóng được giải quyết trong thực tiễn.
Nguồn TTXVN