Sản xuất rau an toàn
Xã Bình Thạnh (Châu Thành) là một trong những địa phương được Hội LHPN tỉnh An Giang chọn thực hiện điểm mô hình “An toàn thực phẩm”. Theo đó, Hội LHPN xã đã tập hợp hội viên, thành lập Tổ phụ nữ sản xuất rau, màu an toàn, với mục đích nâng cao nhận thức của hội viên phụ nữ trong sản xuất - kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn. Đồng thời ngăn chặn tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng, hóa chất, chất cấm trong sản xuất nông sản.
Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Thạnh Nguyễn Ngọc Hiếu cho biết, đến nay địa phương đã thành lập được 2 Tổ phụ nữ sản xuất rau, màu an toàn với 30 thành viên, cùng diện tích đất sản xuất là 80,5ha. “Bà con ở địa phương chủ yếu là làm nghề rẫy, trồng rau màu, mỗi ngày cung cấp ra thị trường trên 2 tấn rau màu các loại. Việc thành lập mô hình này giúp các thành viên liên kết với nhau, trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật trong trồng trọt, nhất là sản xuất theo hướng an toàn, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, phát triển kinh tế gia đình” - chị Hiếu thông tin.
Định kỳ 2-3 tháng, tổ sẽ họp 1 lần để thông tin đến các thành viên về cách thức trồng rau an toàn, như: cách bón phân hữu cơ, giãn cách phun xịt thuốc trừ sâu trên rau màu trước khi đem ra thị trường tiêu thụ theo khuyến cáo trên bao bì, với mục đích đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng... “Cái mà mình nhận được nhiều nhất từ khi tham gia mô hình là nhận thức của bản thân và các thành viên được nâng cao. Từ lúc tham gia và được nghe tuyên truyền về sản xuất rau màu an toàn thì chị em đều áp dụng nghiêm túc. Đặc biệt, mỗi thành viên của tổ là 1 tuyên truyền viên tích cực đến người nhà, bà con làng xóm, cùng nhau thực hiện hiệu quả, cùng sản xuất ra nông sản an toàn, cung cấp đến tay người tiêu dùng” - Tổ trưởng Tổ phụ nữ sản xuất rau, màu an toàn Võ Thị Thúy Em chia sẻ.
Thay đổi thói quen
Phường Mỹ Long (TP. Long Xuyên) là địa bàn trung tâm có nhiều hoạt động bán - mua thức ăn đường phố. Đây là lý do chính mà Hội LHPN tỉnh An Giang chọn triển khai thí điểm mô hình “An toàn thực phẩm”, với “Tuyến phố ăn vặt an toàn” tại tuyến đường Hai Bà Trưng (thuộc khuôn viên khu vực phố đi bộ Hai Bà Trưng, phường Mỹ Long). Theo Chủ tịch Hội LHPN phường Mỹ Long Hồ Xuân Hòa, hội phối hợp với các ngành tổ chức truyền thông cập nhật kiến thức về an toàn thực phẩm (tập trung và đến tận gian hàng để phát tờ rơi tuyên truyền). Bên cạnh đó, tiến hành hỗ trợ một phần chi phí khám sức khỏe; trang bị tạp dề (có in logo mô hình), nón, bao tay; hướng dẫn bản cam kết với chính quyền địa phương về thực hiện an toàn thực phẩm.
Nâng cao nhận thức của người sản xuất - kinh doanh về an toàn thực phẩm. Theo Báo An Giang
“Nhận thức của người bán lẫn người mua được nâng lên, biết lựa chọn những điểm, cơ sở để mua bán. Từ đó, phòng tránh ngộ độc thực phẩm, mua bán thực phẩm không an toàn, có hại cho sức khỏe con người và lây truyền qua đường thực phẩm cho cộng đồng” - chị Hòa cho hay.
Qua 2 năm triển khai thực hiện, xã Bình Thạnh Đông (Phú Tân) có 58 cơ sở dịch vụ tham gia mô hình “An toàn thực phẩm”. Từ đó, không chỉ góp phần thay đổi thói quen kinh doanh, ăn uống của người dân mà còn hình thành nét văn minh mới trong kinh doanh. Hội viên tham gia mô hình thay đổi hành vi, không sử dụng phụ gia, hóa chất trong chế biến thực phẩm; lựa chọn những sản phẩm tươi, sống, rõ nguồn gốc xuất xứ cho bữa ăn ngon, an toàn sức khỏe; thực hiện tốt cuộc vận động “5 không, 3 sạch” gắn với học tập và làm theo Bác, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; đồng thời hàng tháng các hội viên được khám sức khỏe… Đây là hiệu quả đáng được ghi nhận và nhân rộng thời gian tới.
Từ những mô hình hiệu quả, các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của người sản xuất - kinh doanh nhằm cung cấp thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng.../.
Theo Báo An Giang