Khu tập thể nhà tôi là một “vùng xanh” ở Hà Nội, chưa từng có ca F0 nào. Nhưng hôm trước, khi gọi điện về nhà, mẹ tôi kể Covid-19 cũng làm đảo lộn cuộc sống ở đây như bao nơi khác.
Người hàng xóm cạnh nhà tôi mua trả góp ô tô ngay trước đợt dịch thứ tư để chạy xe công nghệ, nhưng chưa chạy được bao lâu thì xe đắp chiếu. Dịch tạm lắng, dịch vụ được hoạt động trở lại, nhưng lượng khách không đáng kể. Anh phải cho thuê lại xe, đi làm thuê nơi khác để trả nợ.
Nhiều công nhân về quê tránh dịch từ tháng 6, bỏ lại dãy phòng trọ vắng vẻ như nhà hoang. Những người ở lại việc làm lúc có lúc không, chỉ đủ trang trải chi phí tăng lên thời hậu Covid. Cô hàng rau ở Thạch Thất, vốn thường bán rau củ mỗi tuần cho cả xóm, đã gần nửa năm không xuất hiện. Ngoài những người tử vong và nhiễm bệnh, họ đều là những nạn nhân của đại dịch trăm năm có một mà có lẽ ở đâu trên đất nước chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp.
Năm 2021, với nhiều người, là một bức tranh với hai mảng tương phản. Nếu như nửa đầu năm là gam màu sáng khi bóng ma đại dịch dừng lại trước cửa, thì kể từ tháng 6, cả nước lao đao giữa đợt bùng phát dịch thứ tư. Chỉ trong vòng vài tháng, từ “zero Covid”, nước ta ghi nhận gần 1,5 triệu ca nhiễm và hàng chục ngàn người tử vong. Những hệ lụy về đời sống, kinh tế, và xã hội là không thể đo đếm.
Đại dịch không bỏ sót một ai: những quốc gia giàu nhất loay hoay tìm cách thuyết phục người dân tiêm chủng, trong khi nơi thành công nhất với zero Covid là Trung Quốc bắt đầu xuất hiện đứt gãy trong sản xuất do chính sách kiểm soát chặt chẽ. Nhưng giống như khi một cơn bão tràn qua, đại dịch kiểm tra sức chống chịu những trụ cột của đất nước: hệ thống an sinh xã hội, sức khỏe của nền kinh tế, tính hiệu quả của chính quyền, và niềm tin của người dân. Ngôi nhà với nền móng vững chãi thì hư hại sẽ ít hơn nhà tranh vách đất. Nền tảng vững thì quá trình phục hồi cũng sẽ diễn ra nhanh và hiệu quả hơn. Nửa năm tàn phá của Covid cho thấy những nền tảng đó đang tồn tại nhiều vấn đề.
Hình ảnh hàng ngàn người rời bỏ thành phố trước đợt phong tỏa tháng 6, và đám đông muốn trở về nhà khi phong tỏa kết thúc vào tháng 8, là chỉ dấu của thất bại chính sách an sinh trong khủng hoảng. Nếu có nơi trú ngụ an toàn, không ai muốn đánh cược số mạng để chạy xe hàng ngàn cây số hay trốn trong thùng đông lạnh về nhà, rồi mang đến rủi ro cho người thân của mình, chưa kể tới sự kỳ thị của hàng xóm láng giềng.
Sau hàng chục năm đổi mới, người lao động vẫn chỉ như một loại tư bản đầu vào – giao dịch bắt đầu khi họ bước chân vào nhà máy, và kết thúc sau tiếng kẻng tan ca. Họ phải tự mình xoay xở với nhà ở, nỗi lo trường lớp cho con cái, chất lượng bữa ăn, và những lúc đau ốm, bệnh tật. Với tiền tiết kiệm không đáng kể, khi mất việc do dịch bệnh và phong tỏa, cuộc sống của họ trở nên bấp bênh hơn bao giờ hết.
Mức hỗ trợ trung bình ở các địa phương, nhiều nhất là 3 triệu đồng trong đợt dịch, có lẽ còn không đủ trả tiền trọ. Với một số lao động ở khu tập thể nhà tôi, họ được nhận 500.000 đồng trong ba tháng. Nhà nước ban hành quy định về mức lương tối thiểu vùng, ngụ ý rằng đó là số tiền để đảm bảo mức sống tối thiểu ở một khu vực nhất định. Vậy tại sao mức hỗ trợ không tiệm cận mức lương tối thiểu với những người mất việc làm? Đây là phương án hỗ trợ nhân văn hơn mà nhiều nước thực hiện khi áp dụng biện pháp phong tỏa.
Có những lao động thậm chí không có cơ hội phàn nàn, bởi họ không tiếp cận được các khoản hỗ trợ. Họ chủ yếu là lao động phi chính thức, những người không có hợp đồng lao động và không có bảo hiểm xã hội, như anh hàng xóm chạy xe công nghệ và cô hàng rau ở xóm tôi. Số lao động này ước tính khoảng 18 triệu người, chiếm tới 57% tổng số lao động phi nông nghiệp ở Việt Nam.
Tỷ trọng lao động phi chính thức cao như vậy chứa đựng nhiều rủi ro, bởi họ thường là những đối tượng nằm ngoài lề các chính sách hỗ trợ lao động. Thực tế đợt dịch vừa qua cho thấy lao động phi chính thức là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Việt Nam mới thực sự quan tâm đến vấn đề này vào năm 2016, nhưng những chính sách “chính thức hóa” lực lượng lao động (đảm bảo họ có hợp đồng và được đóng bảo hiểm xã hội) và hộ sản xuất kinh doanh (khuyến khích đăng ký hoạt động kinh doanh) vẫn chưa có chiến lược rõ ràng. Để nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế phòng ngừa các biến cố như vừa qua, đây nên là nhóm chính sách cần ưu tiên trong thời gian tới.
Đợt dịch vừa qua cũng cho thấy sự lúng túng nhất định trong việc vận hành bộ máy chính quyền, đặc biệt là trong việc đảm bảo tính thống nhất giữa chỉ đạo của trung ương và hành động ở địa phương. Vào đầu tháng 4, Chính phủ mới chủ trương tăng cường phân cấp, phân quyền quản lý, cho phép các địa phương chủ động hơn trong công tác phòng chống dịch và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, điều này lại khiến một số địa phương lúng túng, thiếu dứt khoát trong chính sách chống dịch, để đến khi nhận ra vấn đề thì mọi thứ đã vượt khỏi tầm kiểm soát.
Lúc chuyển sang chiến lược thích ứng Covid trong bình thường mới, lại xuất hiện tình trạng cát cứ địa phương, mỗi nơi làm một kiểu, khiến sản xuất và lưu thông đình trệ. Trạng thái điều hành chuyển từ chủ quan lơ là sang điều hành bởi sợ hãi. Có những văn bản mới ban hành hôm nay thì đến ngày mai đã bị thu hồi. Mỗi địa phương lại chống dịch theo cách của mình. Các biện pháp phòng dịch được thực hiện một cách cực đoan và vô tội vạ, làm tăng thêm gánh nặng cho cuộc sống của người dân và doanh nghiệp.
Sự xuất hiện của biến chủng Delta là tác nhân thay đổi hoàn toàn cục diện chống dịch, nhưng phải nhìn nhận một cách thẳng thắn rằng, những bất cập chính sách như trên góp phần làm cho cuộc khủng hoảng trở nên trầm trọng hơn. Nó cũng cho thấy bộ máy chính quyền các cấp còn chậm trong việc đổi mới tư duy và thích ứng linh hoạt. Hệ thống thành công trong thế trận phòng ngự, cũng giống như các vương quốc xưa xây trường thành để chống ngoại xâm. Đến khi lớp phòng thủ tuyến đầu bị phá vỡ thì trận địa trở nên hỗn loạn.
Trong sợ hãi và hoang mang, điều cần làm nhất là duy trì các kênh thông tin minh bạch và xuyên suốt với người dân. Ở nhiều nước, lãnh đạo ngành y tế và chính phủ cung cấp thông tin về dịch bệnh hàng ngày qua báo chí và mạng xã hội trong những lúc căng thẳng nhất. Đây là việc không khó khăn gì với công nghệ hiện tại. Ở Úc và New Zealand, bản tin đại dịch là chương trình có lượng người xem cao nhất ở giai đoạn phong tỏa. Việc liên lạc thường xuyên giúp người dân thấy an tâm hơn, cũng như đảm bảo thông tin được truyền tải kịp thời và chính xác, đặc biệt trong thời đại tin giả tràn lan như hiện nay. Thế nhưng ở TPHCM, phải đến cuối tháng 8, tức là gần ba tháng sau phong tỏa, lãnh đạo thành phố mới có cuộc đối thoại và trao đổi thông tin trực tiếp với người dân. Tình hình tương tự cũng diễn ra ở nhiều địa phương khác.
Mỗi một cuộc khủng hoảng đi qua là một cơ hội để nhìn lại và thay đổi. Đại dịch dù chưa kết thúc, và có lẽ với những biến chủng đua nhau xuất hiện, chúng ta cũng không biết đang đứng ở đâu giữa đường hầm. Nhưng nửa năm vừa qua là khoảng thời gian đủ dài để rút ra những bài học lớn để bước tiếp.
Bài học quan trọng nhất, như bài tiểu luận của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 5, là phải đặt con người ở vị trí trung tâm phát triển(1). Thành công kinh tế hàng chục năm qua sẽ không có ý nghĩa nếu cuộc sống của người dân vẫn bấp bênh, chỉ cần một trận bão đi qua là có thể quét sạch mọi thứ. Đây là mục tiêu không hề dễ dàng, bởi nó cần sự thay đổi về tư duy phát triển.
Khi đặt con người ở trung tâm, sẽ không có những cuộc chạy đua xuống đáy giữa các địa phương để mời gọi đầu tư mà không cân nhắc đến vấn đề phúc lợi xã hội và môi trường. An sinh của người dân phải là đích đến, thay vì là giá trị phụ thêm cho tốc độ tăng trưởng GDP. Lãnh đạo không chỉ được đánh giá bởi thành tích kinh tế, mà còn ở khả năng cải thiện đời sống người dân. Các chính sách cần ưu đãi những khoản đầu tư giúp nâng cao năng lực người lao động, thay vì chỉ nhằm tận dụng nguồn nhân công giá rẻ. Bộ máy hành chính cần tiếp nhận góp ý của người dân và doanh nghiệp thường xuyên để thực sự “vì nhân dân phục vụ”.
Quan trọng hơn, người dân – chủ thể của phát triển – cần được tham gia trực tiếp vào quá trình đó. Không một hệ thống nào là hoàn hảo, nhà nước đương nhiên không thể có đủ nguồn lực đảm bảo an sinh cho hàng chục triệu gia đình cùng một lúc. Nhưng nhà nước hoàn toàn có thể dựa vào người dân để tìm ra và hỗ trợ những mắt xích yếu nhất, nâng cao sức chống chịu của xã hội, và đảm bảo không ai bị “lọt lưới” an sinh xã hội. Hệ thống hiệu quả chỉ khi nó thực sự cởi mở, tạo ra cơ chế phản hồi để liên tục sửa chữa và cải thiện những vấn đề gặp phải.
Để làm được điều đó, nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh minh bạch hóa bộ máy vận hành, nâng cao chất lượng giải trình của lãnh đạo với người dân (trong các cuộc gặp trực tiếp, thông qua các diễn đàn như Quốc hội, hay gián tiếp thông qua truyền thông và các tổ chức xã hội), và cuối cùng là gắn trách nhiệm của lãnh đạo với lá phiếu cử tri. Khoảng 11% đại hội Đảng cấp cơ sở tiến tới Đại hội 13 vừa rồi thực hiện thí điểm bầu cử trực tiếp, đây là bước tiến quan trọng để định hình rõ ràng hơn mối quan hệ cử tri – lãnh đạo trong giai đoạn mới.
Những tranh luận về thực hiện “Đổi mới 2.0” được bàn thảo nhiều trong khoảng 10 năm trở lại đây, với ý tưởng rằng “Đổi mới 1.0” tập trung vào thay đổi tư duy kinh tế, còn “Đổi mới 2.0” nhấn mạnh vào thay đổi tư duy quản trị thể chế. Tuy nhiên, thể chế một khi đã hình thành sẽ có sức ỳ lớn trước thay đổi, và thường trải qua một quá trình mục hóa kéo dài trước khi trở thành vật cản cho phát triển.
Cú sốc đại dịch Covid-19, theo một nghĩa nào đó, là cơ hội cho một khởi đầu mới. Nếu thực hiện cải cách với tinh thần khẩn trương như giữa thập niên 1980 của thế kỷ trước, Việt Nam có thể tìm ra được một động lực mới cho chu kỳ phát triển sắp tới. Động lực đó đến từ mỗi người dân.
Nguyễn Khắc Giang (TBKTSG)