Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng đến công tác tư tưởng, coi đây là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên nhằm truyền bá, phổ biến hệ tư tưởng cách mạng trong xã hội, khơi dậy tinh thần yêu nước, thúc đẩy các tầng lớp nhân dân hành động tích cực và sáng tạo để thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng, của cách mạng, đấu tranh chống luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Hai phương pháp tuyên truyền mà Chủ tịch Hồ Chí Minh thường sử dụng là tuyên truyền bằng lời nói và tuyên truyền bằng chữ viết. Trong từng sự kiện cụ thể, các phương pháp tuyên truyền được Bác thể hiện rất sinh động, đa dạng và phong phù, song tựu chung lại, chúng ta thấy được ba đặc trưng cơ bản là tính chiến đấu cao (tính cách mạng), tính khoa học và tính phù hợp với đối tượng tuyên truyền.
Tính chiến đấu cao là đặc trưng nổi bật trong phương pháp tuyên truyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là những bài nói, bài viết, bài phát biểu… khi thì trực diện, đanh thép, khi thì khéo léo, uyển chuyển, với lập luận sắc bén nhằm khẳng định chính nghĩa thuộc về dân tộc Việt Nam, vạch trần dã tâm xâm lược và âm mưu của những luận điệu xuyên tạc do các thế lực thù địch tung ra, là những “đòn tấn công” chủ động, kịp thời, thậm chí đón đầu những âm mưu và thủ đoạn của kẻ thù, vạch trần sự thật trái ngược với những luận điệu mà các thế lực đế quốc vẫn rêu rao. Những bài nói, bài viết của Người với những luận điểm và luận cứ vững chắc, logic, mạch lạc, thể hiện sự sắc sảo trong tư duy, tỉnh táo trong lý trí, quyết liệt trong hành động, với tình cảm tha thiết của một người yêu nước, yêu chuộng hòa bình và công lý – những giá trị phổ quát được cộng đồng thế giới công nhận, phản ánh chân thực và toàn diện thực tiễn, tạo hiệu ứng mạnh mẽ với người đọc, người nghe, người quan sát.
Điển hình là áng hùng văn “Tuyên ngôn độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, với sự thật lịch sử và lập luận chặt chẽ, sắc bén, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định chủ quyền quốc gia và quyền độc lập, tự do tất yếu của dân tộc Việt Nam – những giá trị đã được Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791 khẳng định, đồng thời lên án mạnh mẽ chính sách tàn bạo của thực dân Pháp ở Việt Nam “bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa”. Người khẳng định quyết tâm sắt đá của toàn dân tộc “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Ngay sau khi Hiệp định Gioneva được ký kết năm 1954, đến quốc Mỹ đã có hành động phá hoại Hiệp định, âm mưu thôn tính nước ta, song vẫn lớn tiến rằng: Việt nam đi ngược lại những điều được quy định trong Hiệp định, Việt Nam không muốn hòa bình đàm phán, Mỹ đến Việt Nam là để viện trợ… Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đáp trả đanh thép những luận điệu trên, vạch trần âm mưu, thủ đoạn thâm độc của bọn phản động quốc tế. Ngày 13/7/1956, trả lời các câu hỏi của phóng viên Hãng AP (Mỹ) về cuộc tổng tuyển cử toàn quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định đanh thép: “Nhân dân cả nước Việt Nam sẽ đấu tranh mạnh hơn để cho có tổng tuyển cử tự do trong khắp cả nước. Đó là nguyện vọng tha thiết của toàn dân Việt Nam đã được Hiệp định Geneva1954 thừa nhận… Đất nước Việt Nam từ Bắc đến Nam là một khối, cần được thống nhất. Không thể chia cắt Việt Nam làm hai nước riêng biệt, cũng như không thể chia cắt Hoa Kỳ thành hai nước riêng biệt…”. Ngày 20/7/1965, trong Lời kêu gọi nhân kỷ niệm 11 năm ký kết Hiệp định Geneva, Bác viết: “Dù phải chiến đấu 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, chúng ta cũng kiên quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn”.
Hay như các bài viết của Người trên báo Le Paria (Người cùng khổ) – tờ báo mà Người sáng lập trong thời gian hoạt động ở Pháp với tôn chỉ, mục đích “là vũ khí chiến đấu với sứ mạng đã rõ ràng là giải phóng con người”, đã tố cáo chính sách khai hóa và chính sách đi ngược lại tự do, bình đẳng, bác ái mà thực dân Pháp đã rêu rao ở chính quốc, đập tan luận điệu “Pháp khai hóa văn minh cho Việt Nam”. Hàng loạt bài viết của Người như “Dưới cuộc “khai hóa cao cả””, “Những kẻ đi khai hóa”, “Khai hóa giết người”, “Tâm địa thực dân”, “Tội ác của chủ nghĩa thực dân”, “Vực thẳm và thuộc địa”, “Công cuộc khai hóa”, “Sự quái đản của công cuộc khai hóa”… đã giúp các tổ chức chính trị và nhân dân Pháp, nhân dân thế giới nhận thức đúng về bản chất cuộc chiến tranh phi nghĩa và những chính sách mà thực dân Pháp thi hành tại Việt Nam.
Một điểm nổi bật trong phương pháp tuyên truyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tính khoa học. Sở dĩ những bài viết, bài nói của Người có sức thuyết phục lớn một phần chính là bởi tính khách quan, trung thực và khoa học, “nói có sách mách có chứng”, hoàn toàn không phải “nói lấy được”. Người thường sử dụng một lượng thông tin khổng lồ, với những số liệu chính xác được chọn lọc từ những tư liệu trong nước và nước ngoài, đặc biệt là nguồn tư liệu từ chính các cơ quan báo chí hoặc tài liệu được lưu trữ tại các thư viện của Mỹ, Pháp. Chẳng hạn khi phê phán những luận điệu xuyên tạc của thực dân Pháp, Người trích dẫn thông tin từ các cơ quan báo chí lớn của Pháp như La Depêche Coliniale, Le Libertaire, Le Journal France-Indochine… Khi phê phán những luận điệu xuyên tạc của đến quốc Mỹ, Người trích dẫn thông tin từ các báo: La Tribune Nationale, The New York Times, Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, Tin tức Mỹ và báo cáo thế giới… Trong Huấn thị nhân dịp Hội nghị tổng kết Chiến dịch Lê Hồng Phong II, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở “Ta chưa biết trích những câu đăng trong các báo địch oán trách bọn chỉ huy, bọn chính khách, bọn chính quyền thực dân lo ăn chơi, tranh tư lợi, trong lúc binh lính tử trận “không hương hoa, không nước mắt” để làm tuyên truyền địch vận, để giải thích cho tù binh và tuyên truyền cho nhân dân trong vùng bị tạm chiếm…”.
Một đặc trưng dễ nhận thấy trong phương pháp tuyên truyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tính phù hợp với đối tượng tuyên truyền. Người khẳng định “phải biết cách nói, nói thì phải đơn giản, rõ ràng, thiết thực, phải có đầu, có đuôi, sao cho ai cũng hiểu được, nhớ được”.
Với giới cầm quyền của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ như Léon Archimbaud, Léon Archimbaud, Albert Sarraut, Harry Truman, Robert Kenedy, Richard Nixon…, những bài nói, bài viết của Người khi thì sôi sục, căm giận, khi thì nhẹ nhàng nhưng sâu sắc, thâm thúy, khi thì đầy tính châm biếm, trào lộng… Phân biệt rõ đế quốc Mỹ là kẻ thù, nhân dân Mỹ là bạn của nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Việt nam và nước Mỹ cách xa nhau nửa quả địa cầu. Nhân dân Mỹ và nhân dân Việt Nam kính trọng các bạn là một dân tộc đầu tiên đã phất cở chống chủ nghĩa thực dân (1775-1783) và chúng tôi mong muốn có quan hệ hữu nghị với các bạn”. Đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân, Người tuyên truyền thông qua các hội nghị, các buổi làm việc, gặp gỡ, nói chuyện hay các đợt tập huấn, giáo dục, với ngôn ngữ dung dị, dễ hiểu, nhằm gúp toàn quân, toàn dân nhận thức một cách đầy dủ, đúng đắn đường lối, chủ trương của Đảng, nhận diện rõ âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, từ đó củng cố ý chí và niềm tin của quân và dân ta với Đảng, tăng cường sự đoàn kết và thống nhất trong toàn lực lượng cách mạng.
Những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phương pháp tuyên truyền đấu tranh chống luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch thực sự là những bài học quý giá, vẫn giữ nguyên giá trị và cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu độc hiện nay./.
T.T.H