Câu hỏi: Quan điểm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa của Đảng đề ra trong Đại hội XIII có điểm gì mới?
Trả lời
Quan điểm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa của Đảng là sự kế thừa, vận dụng và phát huy truyền thống “giữ nước từ khi nước chưa nguy”, lấy việc bảo vệ từ trước, phòng ngừa từ trước là chủ yếu, theo phương châm không sử dụng chiến tranh là thượng sách của cha ông ta bằng nhiều biện pháp: bang giao, giữ hòa khí với các nước láng giềng, xây dựng đất nước vững mạnh, bảo vệ hòa bình, xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân,…; vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh “Bất kỳ hòa bình hoặc chiến tranh, ta cũng phải nắm vững chủ động, phải thấy trước, chuẩn bị trước”(1) trong tình hình mới.
Vấn đề bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa luôn được Đảng, Nhà nước ta hết sức coi trọng. Đặc biệt, từ khi đổi mới (1986), nhất là trong Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới lý luận về bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa được triển khai nghiên cứu bài bản, sâu sắc trở thành tư tưởng và hành động xuyên suốt của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và triển khai thực hiện trên các lĩnh vực với phương châm Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp xây dựng đất nước cường thịnh, mạnh về mọi mặt, đảm bảo đất nước có nội lực vững mạnh, đủ khả năng, điều kiện để giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, ngăn ngừa không để xảy ra xung đột và chiến tranh dưới bất kỳ hình thức nào.
Quan điểm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa được đưa vào văn kiện chính thức của Đại hội XII: “Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và triệt tiêu các nhân tố bất lợi, nhất là các nhân tố bên trong có thể gây ra đột biến”(2).
Đến Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục khẳng định lại quan điểm này, đồng thời nhấn mạnh:“Chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; phát hiện sớm và xử lý kịp thời những yếu tố bất lợi, nhất là những yếu tố, nguy cơ gây đột biến”(3). Khẳng định này cho thấy quan điểm của Đảng đã được phát triển lên một bước, đòi hỏi chúng ta không chỉ có “kế sách ngăn ngừa” mà còn phải “chủ động ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa”; phải chuyển mạnh sang việc “chủ động phòng ngừa” là chính; phải “Nỗ lực phấn đấu để ngăn ngừa xung đột, chiến tranh và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế”(4); phải nâng cao tinh thần cảnh giác, “Chủ động chuẩn bị về mọi mặt, sẵn sàng các phương án bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trong mọi tình huống”(5).
Nếu như Đại hội XII nhấn mạnh “nhất là các nhân tố bên trong có thể gây ra đột biến”(6) thì ở Đại hội XIII, Đảng ta nhấn mạnh “nhất là các nhân tố có thể gây ra đột biến” tức là bao gồm cả nhân tố bên trong và nhân tố bên ngoài. Đặc biệt trong tình hình quốc tế và khu vực luôn biến động, khó lường khi nước ta đã hội nhập quốc tế sâu, rộng, vừa đứng trước những vận hội lớn để phát triển, vừa phải đương đầu với những khó khăn, thách thức gay gắt, những nhân tố bên ngoài có thể gây đột biến, dẫn đến nguy cơ bùng nổ xung đột chiến tranh cần phải được chú trọng xử lý, có kế sách kịp thời.
Để có thể chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa, Đại hội XIII xác định phải xây dựng đất nước có đủ nội lực, vững mạnh về mọi mặt: kinh tế vững vàng; chính trị-xã hội ổn định, quốc phòng vững mạnh; cả dân tộc là một khối đoàn kết, thống nhất; “phát triển kinh tế-xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu”(7).
Về kinh tế-xã hội, phấn đấu đến năm 2025 đưa nước ta trở thành nước phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Về xây dựng Đảng, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí; đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; giữ vững vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc.
Về xã hội, không ngừng củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc làm chỗ dựa vững chắc cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Về an ninh, quốc phòng, “xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”(8), xây dựng “một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại” trong giai đoạn 2021-2030, phấn đấu từ năm 2030 sẽ “xây dựng quân đội hiện đại”. “Xây dựng, phát triển nền công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh hiện đại, lưỡng dụng, vừa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ Quốc, vừa góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội”(9). Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh và giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại trong quá trình xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với an ninh nhân dân, chăm lo “xây dựng và củng cố các tuyến phòng thủ biên giới, biển, đảo”.
Về đối ngoại, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại nhằm tăng đối tác, giảm đối tượng, thêm bạn, bớt thù, “đẩy mạnh đối ngoại song phương và nâng tầm đối ngoại đa phương”(10); chủ động, tích cực tham gia các cơ chế đa phương về quốc phòng, an ninh theo tư duy mới về bảo vệ Tổ Quốc; “Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi” (11).
Đại hội XIII của Đảng đã cụ thể hóa, làm sâu sắc hóa quan điểm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, ngay từ lúc đất nước còn chưa nguy, với định hướng, chỉ đạo hết sức chiến lược là “chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa” để có kế sách phù hợp, không bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển.
Thiên Hương