Nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của không gian mạng và an ninh mạng, Đảng, Nhà nước ta đã đưa ra những chủ trương, văn bản quan trọng, thể hiện qua những chỉ thị, nghị quyết, luật về vấn đề này được ban hành rất kịp thời.
Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/01/2012, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020(1) nêu rõ cần “tăng cường quản lý thông tin trên mạng Internet, các mạng xã hội và blog cá nhân”; “nâng cao năng lực làm chủ công nghệ và hiệu lực, hiệu quả quản lý hệ thống hạ tầng thông tin, nội dung thông tin phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước; đáp ứng yêu cầu cung cấp, trao đổi thông tin của xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, chủ quyền quốc gia về không gian mạng”.
Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 25/10/2013, Hội nghị Trung ương 8 (Khóa XI) về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới(2) khẳng định “bảo vệ uy tín, vị thế quốc tế của đất nước, bảo vệ an ninh quốc gia, an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng...; triệt tiêu các nhân tố gây mất ổn định chính trị từ bên trong,... dập tắt nguy cơ xung đột quân sự, chiến tranh”.
Đồng thời, Đảng ta đã ban hành nhiều chỉ thị về an ninh mạng như: Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 16/9/2013 của Ban Bí thư về tăng cường công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng(3); Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 25/12/2013 của Bộ Chính trị về phát triển và tăng cường quản lý báo chí điện tử, mạng xã hội và các loại hình truyền thông khác trên mạng internet(4); Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 22/6/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới(5)...
Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 05 tháng 8 năm 2016 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 năm 2016(6) nêu rõ: cần “tăng cường công tác bảo vệ bí mật nhà nước, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng”, đồng thời, giao “Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Công an hướng dẫn các Bộ, cơ quan, địa phương tăng cường kiểm tra, rà soát, xử lý mã độc; chủ động xây dựng phương án, giải pháp kỹ thuật bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống thông tin; thường xuyên tổ chức diễn tập về an toàn thông tin mạng đối với những ngành, lĩnh vực trọng yếu”; giao Bộ Thông tin và Truyền thông “khẩn trương xây dựng phương án ứng cứu khẩn cấp, bảo đảm an toàn thông tin mạng quốc gia, trình Thủ tướng Chính phủ”.
Ngày 19/11/2015, Quốc hội khóa XIII đã ban hành Luật An toàn thông tin mạng số 86/2015/QH13(7). Luật gồm 8 chương, 54 điều quy định về hoạt động an toàn thông tin mạng, quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm an toàn thông tin mạng; mật mã dân sự; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thông tin mạng; kinh doanh trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng; phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin mạng; quản lý nhà nước về an toàn thông tin mạng. Luật cũng nêu rõ, “hoạt động an toàn thông tin mạng phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, kịp thời và hiệu quả”.
Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015(8) có các điều đề cập đến vấn đề an ninh mạng: Điều 285 (tội sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật); Điều 286 (tội phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử); Điều 287 (tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử); Điều 289 (tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác); Điều 290 (tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản).
Ngày 12/6/2018, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, Luật An ninh mạng số 24/2018/QH14(9) đã chính thức được thông qua. Luật gồm 7 chương, 43 điều quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Cũng trong năm 2018, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước số 29/2018/QH14(10) quy định về bí mật nhà nước, hoạt động bảo vệ bí mật nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Luật quy định lĩnh vực thông tin và truyền thông nằm trong phạm vi bí mật nhà nước. Theo đó, “chiến lược, kế hoạch, đề án phát triển báo chí, xuất bản, in, phát hành, bưu chính, viễn thông và Internet, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ thông tin, an toàn thông tin mạng, điện tử, phát thanh và truyền hình, thông tin điện tử, thông tấn, thông tin đối ngoại, thông tin cơ sở và hạ tầng thông tin và truyền thông quốc gia để phục vụ quốc phòng, an ninh; thiết kế kỹ thuật, sơ đồ, số liệu về thiết bị của hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, hệ thống thông tin quan trọng quốc gia và hệ thống mạng thông tin dùng riêng phục vụ cơ quan, tổ chức của Đảng, Nhà nước” thuộc phạm vi bí mật nhà nước.
Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng, Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước và Bộ luật Hình sự 2015 (trong đó Luật An ninh mạng giữ vai trò then chốt) hợp thành hệ thống pháp luật tương đối hoàn chỉnh về an ninh mạng, cung cấp cơ sở pháp lý giúp lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ trên không gian mạng.
Ngày 15/8/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 53/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng(11). Trong đó, chính thức giao Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Bộ Công an; Cục Bảo vệ an ninh quân đội, Tổng cục Chính trị và Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng thuộc Bộ Quốc phòng là lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng. Nghị định đã nêu rõ trình tự, thủ tục áp dụng một số biện pháp bảo vệ an ninh mạng và phương thức triển khai một số hoạt động bảo vệ an ninh mạng trong cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị ở trung ương và địa phương.
Trên cơ sở những chủ trương của Đảng về an ninh mạng, Nhà nước đã từng bước xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về an ninh mạng. Sự hoàn thiện của hệ thống pháp luật về an ninh mạng “vừa là tấm lá chắn vững chắc bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, vừa là hành lang pháp lý hữu hiệu bảo đảm quyền con người, quyền công dân trước sự đe dọa của loại hình tội phạm sử dụng công nghệ cao”(*).
Tài liệu tham khảo và chú thích
(1). Ban Chấp hành Trung ương Đảng: Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16 tháng 1 năm 2012 Hôi nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
(2). Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 25/10/2013, Hội nghị Trung ương 8 (Khóa XI) về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
(3). Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 16/9/2013 của Ban Bí thư về tăng cường công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng.
(4). Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 25/12/2013 của Bộ Chính trị về phát triển và tăng cường quản lý báo chí điện tử, mạng xã hội và các loại hình truyền thông khác trên mạng internet.
(5). Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 22/6/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới.
(6). Chính phủ: Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 05 tháng 8 năm 2016 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 năm 2016.
(7). Luật An toàn thông tin mạng số 86/2015/QH13 ngày 19 tháng 11 năm 2015.
(8). Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015.
(9). Luật An ninh mạng số 24/2018/QH14 ngày 12 tháng 6 năm 2018.
(10). Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước số 29/2018/QH14 ngày 15 tháng 11 năm 2018.
(11). Chính phủ: Nghị định số 53/2022/NĐ-CP ngày 15 tháng 8 năm 2022 quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng.
(12). Hải Đăng: “Bảo vệ an ninh mạng vì lợi ích quốc gia và cộng đồng”, https://special.nhandan.vn/, ngày 11/11/2022.
Hương Giang