Hỏi: Xin cho biết quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về an sinh xã hội?
Trả lời
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh không nhắc đến cụm từ “an sinh xã hội”, song quan điểm của Người về an sinh xã hội đã được thể hiện từ rất sớm. Trong tác phẩm Đường Cách mệnh (1927), khi trả lời cho câu hỏi sao hội viên phải nộp hội phí? Người đã nêu nội dung: “Lại có bất thường phí, như để dành phòng lúc bãi công hoặc giúp những hội khác bãi công, hoặc giúp đỡ những người trong hội mất việc làm, hoặc làm các việc công ích, vân vân”(1). Sau Hội nghị Trung ương Tám (tháng 5-1941), để tuyên truyền rộng rãi chủ trương, chính sách của Mặt trận Việt Minh, nhằm thu hút sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, Người đã sáng tác diễn ca Mười chính sách của Việt Minh bằng thể thơ lục bát để tuyên truyền trong quần chúng nhân dân. Người chủ trương xây dựng một xã hội được bảo đảm an sinh đối với tất cả các tầng lớp xã hội, đó là: “1. Thi hành luật lao động, ngày làm việc 8 giờ. 2. Giúp đỡ các gia đình đông con. 3. Lập ấu trĩ viên để chăm nom trẻ con. 4. Lập các nhà chiếu bóng, diễn kịch, câu lạc bộ, thư viện để nâng cao trình độ trí dục cho nhân dân. 5. Lập thêm nhà thương, nhà đỡ đẻ, nhà dưỡng lão”(2).
Điều đặc biệt là, ngay từ rất sớm Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan niệm an sinh xã hội là quyền con người. “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc…”(3) và “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”(4). Ngày 3-9-1945, tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ lâm thời, Người đã nêu rõ những nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ nhằm bảo đảm đời sống của các tầng lớp nhân dân, trong đó trước hết là “Chúng ta phải làm thế nào cho họ sống”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị: Phát động chiến dịch tăng gia sản xuất; Mở chiến dịch chống nạn mù chữ; Mở chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách thực hiện cần, kiệm, liêm, chính; bỏ thuế thân, thuế chợ, thuế đò... Để giải quyết tình hình cấp bách, Người đề nghị Chính phủ “mở một cuộc lạc quyên. Mười ngày một lần, tất cả đồng bào chúng ta nhịn ăn một bữa. Gạo tiết kiệm được sẽ góp lại và phát cho người nghèo”(5). Bởi theo Bác “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”(6), vì thế, Người yêu cầu Chính phủ “sẽ gắng sức làm cho ai nấy đều có phần hạnh phúc”(7). Trong “Bài phát biểu tại cuộc họp đầu tiên của Ủy ban nghiên cứu kế hoạch kiến quốc” (ngày 10-1-1946) Người nêu rõ: “Chúng ta phải thực hiện ngay: 1. Làm cho dân có ăn. 2. Làm cho dân có mặc. 3. Làm cho dân có chỗ ở. 4. Làm cho dân có học hành”(8). Và “Làm cho người nghèo thì đủ ăn. Người đủ ăn thì khá giàu. Người khá giàu thì giàu thêm”(9)..
Ngày 12-3-1947, Người đã ban hành Sắc lệnh số 29/SL tạo cơ sở pháp lý đầu tiên cho việc tổ chức thực hiện chế độ bảo hiểm ốm đau, tai nạn, chăm sóc sức khỏe. Sự quan tâm của Hồ Chí Minh tới sức khỏe, coi trọng y tế dự phòng đã đặt nền móng cho việc xây dựng và phát triển bảo hiểm y tế toàn dân ở Việt Nam sau này. Đặc biệt, khi nhu cầu bảo vệ quyền lợi người lao động được đặt ra một cách cấp thiết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm chỉ đạo tổ chức công đoàn. Trong bài nói “Về nhiệm vụ và quyền lợi của Công đoàn Việt Nam hiện nay” (ngày 27-10-1946) Người căn dặn: “Công đoàn có nhiệm vụ gìn giữ quyền lợi cho công nhân và giúp cho Chính phủ trong việc xây dựng nước. Bộ Luật lao động Việt Nam sẽ nhận cho công nhân Việt Nam có quyền tự do tổ chức, quyền tự do bãi công. Luật lao động sẽ ấn định giờ làm, tiền công, bảo vệ đàn bà, người già và trẻ con” (10). Trong bản Di chúc thiêng liêng để lại cho toàn Đảng, toàn dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hoá, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”(11), trong đó “Đầu tiên là công việc đối với con người”(12). Người viết: “làm sao cho nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc, già không lao động được thì nghỉ, những phong tục tập quán không tốt dần dần được xóa bỏ… Tóm lại, xã hội ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt”(13).
Trong quan điểm của Người, an sinh xã hội phải hướng đến mọi đối tượng nhân dân, không bỏ sót bất kỳ đối tượng nào: “Đối với những chiến sĩ trẻ tuổi trong các lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong, Đảng và Chính phủ cần chọn một số ưu tú nhất cho đi học thêm các ngành, các nghề, để đào tạo họ thành những cán bộ và công nhân có kỹ thuật giỏi, tư tưởng tốt, lập trường cách mạng vững chắc”(14). Đối với phụ nữ, “Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo”(15). Đối với nông dân, Đảng và Chính phủ “miễn thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất”(16)...
Để xoá đói, giảm nghèo, trong bối cảnh các nguồn lực kiệt quệ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm. Trong bài “Gửi nông gia Việt Nam” đăng báo Tấc đất, số 1 ngày 7-12-1945 Người yêu cầu phải thực hiện: “Tăng gia sản xuất! Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa! Đó là khẩu hiệu của ta ngày nay. Đó là cách thiết thực của chúng ta để giữ vững quyền tự do, độc lập”(17). Trong “Lời bế mạc Hội nghị lần thứ Chín (mở rộng) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng lao động Việt Nam” ngày 24-4-2965, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Phải luôn nhớ rằng: Điều quan trọng bậc nhất trong kế hoạch kinh tế của chúng ta hiện nay là nhằm cải thiện dần đời sống của nhân dân”(18). Khi trả lời những câu hỏi của cử tri Hà Nội ngày 10-5-1958, Hồ Chí Minh viết: “Những người già yếu hoặc tàn tật sẽ được Nhà nước giúp đỡ chăm nom”(19). Đây là một quan điểm đặc sắc trong triết lý phát triển xã hội của Hồ Chí Minh. Vì vậy, cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn phấn đấu cho mục tiêu “làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”(20)./.
Chú thích và tài liệu tham khảo
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.2, tr.335.
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.3, tr.632.
(3), (4), (5), (6), (7), (8), (10), (17), (20) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr.1; 1; 7; 64; 64; 175; 477; 135; 187.
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.81;
(11), (12), (14), (15), (16) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.15, tr.622; 616, 616-617; 617; 617.
(13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.13, tr.438.
(18) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.10, tr.314.
(19) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.11, tr.404.
Ngọc Cảnh