Hỏi: Xin cho biết quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ?
Trả lời
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến cán bộ và công tác cán bộ. Người coi “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”(1). “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”(2). Trong bài nói chuyện với cán bộ tỉnh Thanh Hóa (ngày 20-2-1947), trả lời câu hỏi “Cán bộ là gì?”, Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích: “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là những người đem chính sách của Chính phủ, của Đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”3). Người nêu rõ: “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng. Vì vậy, cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”(4). Người ví, “cán bộ là tiền vốn của Đoàn thể. Có vốn mới làm ra lãi. Bất cứ chính sách, công tác gì nếu có cán bộ tốt thì thành công, tức là có lãi. Không có cán bộ tốt thì hỏng việc, tức là lỗ vốn”(5).
Xuất phát từ vai trò đặc biệt quan trọng của cán bộ như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến xây dựng đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Theo Người, “Người cán bộ cách mạng phải có đạo đức cách mạng. Phải giữ vững đạo đức cách mạng mới là người cán bộ cách mạng chân chính”(6), người cán bộ cách mạng “không có đạo đức thì dù tài giỏi đến mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì?7). Là cán bộ cách mạng thì phải có đạo đức cách mạng. Người cán bộ chân chính phải biết giữ đạo đức cách mạng. Bởi vì, mọi việc thành hay bại là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng hay không. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi chủ nghĩa cá nhân là gốc của tình trạng suy thoái đạo đức cách mạng, là căn bệnh nguy hiểm nhất phải tập trung chữa trị từ sớm. Người căn dặn các cán bộ của Đảng phải tránh sa vào chủ nghĩa cá nhân, bởi “Chủ nghĩa cá nhân là như một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm”(8) như: “bệnh tham lam”, “bệnh lười biếng”, “bệnh kiêu ngạo”, “bệnh hiếu danh”, “thiếu kỷ luật”, “óc hẹp hòi”, “óc địa phương”, “óc lãnh tụ”(9), “chủ nghĩa cá nhân đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm: quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí...”(10). Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng của người cán bộ phải được thường xuyên rèn dũa, Phải tu dưỡng rèn luyện đạo đức bền bỉ, suốt đời. Người thường nhắc nhở: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”(11). Bởi lẽ, “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”(12). Theo đó, người cán bộ cách mạng phải thể hiện trung thành, tận tụy, cống hiến vì lợi ích của Tổ quốc; phải vì lợi ích của nhân dân, mưu cầu hạn phúc cho nhân dân. Người khuyên cán bộ, đảng viên phải gắn bó với dân, thương dân, lấy trí tuệ ở dân, học hỏi dân. Mỗi cán bộ, đảng viên phải xác định mình là công bộc của dân. Trong bài viết “Sao cho được lòng dân?” của Chủ tịch Hồ Chí Minh (bút danh Chiến Thắng) đăng Báo Cứu quốc, số 65, ngày 12-10-1945, Người nhấn mạnh: “Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”(13).
Tháng 10/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” với mục đích nâng cao trình độ lý luận, phẩm chất đạo đức, tác phong công tác, năng lực lãnh đạo của người cán bộ... Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc học tập chính trị của cán bộ. Người nhắc nhở: “mỗi cán bộ, đảng viên phải học lý luận, phải đem lý luận áp dụng vào công việc thực tế. Phải chữa cái bệnh kém lý luận, khinh lý luận và lý luận suông”(14). Người cho rằng, phải có lý luận, phải có chủ nghĩa thì tinh thần mới vững, hành động mới nhất quán.
Người cán bộ phải trước hết là người hiểu đúng, quán triệt sâu sắc mọi chủ trương, đường lối của Đảng. Hiểu đúng rồi thì đem ra vận dụng để cho công việc thành công. Với quan niệm “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, cho nên “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”. Người căn dặn: “Các cơ quan cần phải rất chú ý đến việc huấn luyện cán bộ”(15). Và để huấn luyện, học tập có kết quả thì trước hết phải xác định đúng mục đích huấn luyện, học tập. “Học để hành: Học với hành phải đi đôi. Học mà không hành thì học vô ích. Hành mà không học thì hành không trôi chảy”(16).
Tháng 9-1949, trong dịp đến thăm Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ghi vào trang đầu sổ vàng của Trường:
“Học để làm việc,
làm người,
làm cán bộ,
Học để phụng sự Đoàn thể,
phụng sự giai cấp và nhân dân,
phụng sự Tổ quốc và nhân loại
Muốn đạt mục đích, thì phải
Cần, kiệm, liêm, chính,
Chí công, vô tư”(17)
Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, khi nói về “cách học tập”, Người nhấn mạnh “Lấy tự học làm cốt. Do thảo luận và chỉ đạo giúp vào”(18). Tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về công tác huấn luyện và học tập khai mạc ngày 6-5-1950, khi trả lời cho câu hỏi “Học ở đâu?” Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh “Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân, không học nhân dân là một thiếu sót rất lớn”(19), Người còn nhắc nhở: “Phải biết tự động học tập”(20).
Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Cán bộ và đảng viên càng phải nâng cao tinh thần phụ trách trước Đảng và trước quần chúng, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Phải yêu kính nhân dân. Phải thật sự tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân. Tuyệt đối không được lên mặt “quan cách mạng” ra lệnh ra oai… Phải khiêm tốn, gần gũi quần chúng, không được kiêu ngạo; phải thực sự cầu thị, không được chủ quan. Phải luôn luôn chăm lo đến đời sống của quần chúng. Phải “chí công vô tư”, và có tinh thần “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”. Đó là đạo đức của người cộng sản”(21). Người phê phán cán bộ thoái hóa, mô tả họ là những người “vác mặt quan cách mệnh” để “đè đầu cưỡi cổ nhân dân”, “dán trên trán hai chữ cộng sản” để lòe dân. Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm uốn nắn cán bộ, tránh cho họ khỏi đi vào con đường tham ô, lãng phí, quan liêu. Người gọi các tệ nạn đó là “giặc nội xâm”, coi loại giặc này nguy hiểm hơn giặc ngoại xâm, vì nó phá ta từ bên trong.
Để ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng tha hóa quyền lực, nhất là lộng quyền, lạm quyền, lợi dụng quyền lực, tham ô, hống hách của cán bộ, đảng viên nói chung, trong công tác cán bộ nói riêng, Người đòi hỏi các tổ chức đảng, cơ quan nhà nước và cán bộ phải chịu sự kiểm tra, giám sát của nhân dân. “Nhân dân có quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nếu những đại biểu ấy tỏ ra không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân”(22). Chủ tịch Hồ Chí Minh phê bình nhiều cán bộ lãnh đạo chỉ lo khai hội và thảo nghị quyết, đánh điện và gửi chỉ thị mà không quan tâm xem những nghị quyết đó đã thực hành đến đâu, có những khó khăn trở ngại gì, dân chúng có ra sức tham gia hay không. Hồ Chí Minh từng nhắc nhở: “Những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng Cần, Kiệm, Liêm, Chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân” (23). Người khẳng định: “Đảng ta là Đảng lãnh đạo, nghĩa là tất cả các cán bộ, từ Trung ương đến khu, đến tỉnh, đến huyện, đến xã, bất kỳ ở cấp nào và ngành nào - đều phải là người đầy tớ trung thành của nhân dân”(24).
Đảng lãnh đạo thông qua đội ngũ cán bộ, đảng viên của mình. Đội ngũ cán bộ tốt sẽ góp phần hoạch định, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối chính trị và mới xây dựng được tổ chức trong sạch, vững mạnh. Người đặc biệt nhấn mạnh phải thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát công tác tổ chức cán bộ và cán bộ. “Có kiểm tra mới huy động được tinh thần tích cực và lực lượng to tát của nhân dân, mới biết rõ năng lực và khuyết điểm của mỗi cán bộ, mới sửa chữa và giúp đỡ kịp thời”(25). Người chỉ rõ: “Phải kiểm tra công tác của cán bộ, nếu chỉ nghe báo cáo, có khi cán bộ báo cáo không đúng thì lãnh đạo sẽ sai lệch”(26).
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, khi trở thành Đảng cầm quyền, nắm trọn công tác tổ chức cán bộ thì nhiều cán bộ, đảng viên lại thiếu rèn luyện, tu dưỡng dẫn đến tha hóa quyền lực. Ngay khi Cách mạng Tháng Tám thành công, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trên Báo Cứu quốc ra ngày 12-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lên án tệ nạn này: “...dân ghét các ông chủ tịch, các ông Ủy viên vì cái tật ngông nghênh, cậy thế, cậy quyền. Những ông này không hiểu nhiệm vụ và chính sách của Việt Minh, nên khi nắm được chút quyền trong tay vẫn hay lạm dụng, có được mấy khẩu súng lục trong túi lúc nào cũng lăm le muốn bắn, đeo chiếc kiếm bên mình lúc nào cũng chỉ chực muốn chặt người ta. Người ta còn bĩu môi nói đến bà “phủ trưởng” nọ bận quần áo chẽn, tóc cắt ngắn cưỡi ngựa đi rong khắp chỗ mà chẳng có việc gì, người ta còn thì thào chỉ chỏ ông tỉnh trưởng kia vác ô tô đưa bà “tỉnh trưởng” đi chơi mát mỗi buổi chiều”(27). Sau đó, ngày 17-10-1945, trong “Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, nhiều người phạm những lỗi lầm rất nặng nề, trong đó có hàng loạt lỗi lầm chung quanh việc lạm dụng khi có quyền lực trong tay và “Cậy thế mình ở trong ban này ban nọ, rồi ngang tàng phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân. Quên rằng dân bầu mình ra là để làm việc cho dân, chứ không phải để cậy thế với dân”(28) và Người đã nghiêm khắc phê phán những cán bộ vừa mới nắm giữ chức quyền đã vác mặt “quan cách mạng”. Người cảnh báo: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”(29).
Trước lúc ra đi vào cõi vĩnh hằng, Người còn khẳng định và nhắc nhở: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”(30).
Chú thích và tài liệu tham khảo
(1), (2), (3), (4), (7), (8), (9), (12), (14), (15), (18), (23), (25) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.309, 280, 68, 309, 292-293, 295, 295-296, 292, 274-275, 313, 312, 122, 636.
(5), (16), (17), (19), (20) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.356, 361, 208, 361, 360.
(6), (26) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.9, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.354, 309.
(10), (11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.611, 612.
(13), (27), (28) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.51, 51, 65.
(21), (24) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.13, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.67, 83-84.
(22) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.375.
(29), (30) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.672, 611-612.
Nguyễn Thùy Trang