Hỏi: Xin cho biết quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác kiểm tra, giám sát?
Trả lời
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm tới công tác kiểm tra, giám sát, Người coi công tác kiểm tra là một khâu quan trọng trong toàn bộ công tác lãnh đạo của Đảng. Trong tác1 phẩm Sửa đổi lối làm việc với bút danh X.Y.Z. Bác đã luận giải hết sức rõ ràng: lãnh đạo đúng không chỉ là viết nghị quyết, ra chỉ thị mà quan trọng lãnh đạo còn là tổ chức thi hành và kiểm tra việc thực hiện.
“1. Phải quyết định mọi vấn đề một cách cho đúng.
2. Phải tổ chức thực sự thi hành cho đúng.
3. Phải tổ chức sự kiểm soát,…”(1)
Khẳng định về vai trò, tác dụng của công tác kiểm tra, Người chỉ rõ: “Có kiểm tra mới huy động được tinh thần tích cực và lực lượng to tát của nhân dân, mới biết rõ năng lực và khuyết điểm của cán bộ, mới sửa chữa và giúp đỡ kịp thời”(2). Chủ tịch Hồ Chí Minh coi kiểm tra như là một phương tiện, một liều thuốc đặc hiệu chống lại các căn bệnh: “Nghị quyết một đằng, thi hành một nẻo” và bệnh quan liêu, giấy tờ… Song, muốn đạt hiệu quả cao thì phải “khéo kiểm soát” vì “Kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định bớt đi”(3). Trong tác phẩm “Một việc mà các cơ quan lãnh đạo cần thực hành ngay” đăng báo Sự thật, số 103, ngày 30-11-1948 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Chính sách đúng là nguồn gốc của thắng lợi. Song từ nguồn gốc đi đến thắng lợi thực sự, còn phải tổ chức, phải đấu tranh. Khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do nơi cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài, thì chính sách đúng mấy cũng vô ích”(4). “Vì kiểm tra có tác dụng thúc đẩy và giáo dục đảng viên và cán bộ làm trọn nhiệm vụ đối với Đảng, đối với Nhà nước, làm gương mẫu tốt cho nhân dân. Do đó mà góp phần vào việc củng cố Đảng về tư tưởng, về tổ chức”(5).
Trong bài nói tại kỳ họp Hội đồng Chính phủ cuối năm 1966 Bác nhấn mạnh, kiểm tra giúp chúng ta biết được “Ở cấp dưới, ở cơ sở, có những nơi cán bộ phụ trách không tốt, thiếu tinh thần phục vụ nhân dân, làm những điều xấu xa”(6). Khi Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền, lãnh đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội thì công tác kiểm tra, giám sát còn có tầm quan trọng đặc biệt. Bởi lẽ “Công việc của Đảng và Nhà nước ngày càng nhiều. Muốn hoàn thành tốt mọi việc, thì toàn thể đảng viên và cán bộ phải chấp hành nghiêm chỉnh đường lối và chính sách của Đảng. Và muốn như vậy, thì các cấp ủy đảng phải tăng cường công tác kiểm tra”(7). Người thường xuyên nhắc nhở: “Đảng phải luôn luôn xét lại những nghị quyết và những chỉ thị của mình đã thi hành như thế nào. Nếu không vậy thì những nghị quyết và chỉ thị đó sẽ hóa ra lời nói suông mà còn hại đến lòng tin cậy của nhân dân đối với Đảng”(8). Cho nên “Kiểm tra phải có hệ thống nghĩa là khi đã có nghị quyết, thì phải lập tức đốc thúc sự thực hành nghị quyết ấy, phải biết rõ sự sinh hoạt và cách làm việc của cán bộ và nhân dân địa phương ấy. Có như thế mới kịp thời thấy rõ những khuyết điểm và những khó khăn, để sửa đổi các khuyết điểm và tìm cách giúp đỡ để vượt qua mọi sự khó khăn”(9).
Công tác kiểm tra giúp cho các cấp, các ngành thấy rõ được ưu điểm, khắc phục được những sai lầm, khuyết điểm ngay từ lúc mới ban hành chỉ thị, nghị quyết. “Nếu tổ chức việc kiểm tra cho chu đáo thì cũng như có ngọn đèn “pha”. Bao nhiêu tình hình, bao nhiêu ưu điểm và khuyết điểm, bao nhiêu cán bộ chúng ta đều thấy rõ. Có thể nói rằng: chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra”(10). Về cách kiểm tra, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “1. Kiểm tra phải có hệ thống nghĩa là khi đã có nghị quyết, thì phải lập tức đốc thúc sự thực hành nghị quyết ấy, phải biết rõ sự sinh hoạt và cách làm việc của cán bộ và nhân dân địa phương ấy. Có như thế mới kịp thời thấy rõ những khuyết điểm và những khó khăn, để sửa đổi các khuyết điểm và tìm cách giúp đỡ để vượt qua mọi sự khó khăn. 2. Kiểm tra không nên chỉ bằng cứ vào tờ báo cáo, mà phải đi đến tận nơi. 3. Kiểm tra phải dùng cách thức thật thà tự phê bình và phê bình, để tỏ rõ hết mọi khuyết điểm và tìm cách sửa chữa những khuyết điểm ấy. Như thế, thì cán bộ càng thêm trọng kỷ luật và lòng phụ trách”(11). Hay “Không phải ngày nào cũng kiểm tra. Nhưng thường thường kiểm tra để giúp họ rút kinh nghiệm, sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm. Giao công việc mà không kiểm tra, đến lúc thất bại mới chú ý đến. Thế là không biết yêu dấu cán bộ”(12). Trong các hình thức, phương pháp kiểm tra, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt đề cao kiểm tra thường xuyên và kiểm tra trực tiếp. Người nhắc nhở: “Các đồng chí phụ trách ở các bộ, các ban, các ngành ở Trung ương cần phải thường xuyên đi kiểm tra và giải quyết công việc tại chỗ, phải chống bệnh giấy tờ, hội họp nhiều, đi kiểm tra giúp đỡ ít”(13).
Trong công tác kiểm tra thì chủ yếu là kiểm tra cán bộ thực hiện Điều lệ Đảng và nghị quyết của Đảng. Hồ Chí Minh cho rằng: “Mục đích lựa chọn cán bộ là dùng nhân tài cần phải hợp lý, chớ “dùng thợ mộc làm nghề thợ rèn” và cho họ hiểu rõ mọi mặt các công việc họ phải phụ trách. Mà muốn biết sự động viên ấy và sự thực hành ấy đã đến mức nào, thì phải có kiểm tra”(14). Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng tới phẩm chất đạo đức và năng lực, trình độ của người cán bộ kiểm tra; phương pháp trong công tác kiểm tra, Người nêu rõ: “muốn kiểm soát có kết quả tốt, phải có hai điều: một là việc kiểm soát phải có hệ thống, phải thường làm. Hai là người đi kiểm soát phải là những người rất có uy tín”. Vậy, “Kiểm soát cách thế nào?”. “Cố nhiên, không phải cứ ngồi trong phòng giấy mà chờ người ta báo cáo, mà phải đi tận nơi, xem tận chỗ… Có kiểm soát như thế mới biết rõ cán bộ và nhân viên tốt hay xấu. Mới biết rõ ưu điểm và khuyết điểm của các cơ quan. Mới biết rõ ưu điểm và khuyết điểm của các mệnh lệnh và nghị quyết”(15). Người nói thêm: “Ở quần chúng, khai hội, phê bình và bày tỏ ý kiến, bầu cử các ủy ban, các hội đồng, v.v.; đó là những cách quần chúng kiểm soát những người lãnh đạo”(16). Trong bài nói chuyện tại Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra của Đảng ngày 29-7-1964, Người khẳng định: “Muốn hoàn thành tốt mọi việc, thì toàn thể đảng viên và cán bộ phải chấp hành nghiêm chỉnh đường lối và chính sách của Đảng. Và muốn như vậy, thì các cấp ủy đảng phải tăng cường công tác kiểm tra”(17). Cùng với đề cập vai trò của công tác kiểm tra, kiểm soát, Người thẳng thắn phê phán: “… hiện nay còn có một số cấp ủy đảng coi nhẹ và không chú ý lãnh đạo công tác kiểm tra. Thậm chí có ủy viên tỉnh và huyện cho công tác kiểm tra là “vạch lá tìm sâu”, làm giảm thành tích của địa phương mình, v.v.. Đó là thành kiến sai lầm, cần phải sửa chữa”(18). Đồng thời, nhắc nhở: “… các Ủy ban và cán bộ kiểm tra phải học tập và thấm nhuần đường lối, quan điểm của Đảng, phải luôn luôn chú ý nâng cao khả năng chuyên môn, phải cố gắng công tác, phải trau dồi đạo đức cách mạng. Đặc biệt là phải nâng cao ý thức tổ chức và kỷ luật, phải thật thà phê bình và tự phê bình để làm gương mẫu trong việc chấp hành kỷ luật của Đảng. Phải chí công vô tư, không thiên vị, không thành kiến. Như thế thì mới làm tốt được công tác kiểm tra”(19). Cách nhắc nhở và phê bình cán bộ, đảng viên có khuyết điểm của Bác rất độc đáo, vừa rất nghiêm khắc nhưng cũng rất độ lượng, chan chứa tình người “Các đồng chí ở huyện phải đi xuống xã mà xem xét, kiểm tra, chớ làm theo lối quan liêu, tỉnh gửi giấy về huyện, huyện gửi giấy về xã. Giấy không thể che rét cho trâu bò được. Làm như vậy trâu bò sẽ bị gầy đi vì đói, vì rét, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất”(20). Chủ tịch Hồ Chí Minh nghiêm khắc phê phán những cán bộ chưa nhận thức đầy đủ về vai trò quan trọng của công tác kiểm tra: “Hiện nay, nhiều nơi, cán bộ lãnh đạo chỉ lo khai hội và thảo nghị quyết, đánh điện và gửi chỉ thị, sau đó thì họ không biết gì đến những nghị quyết đó đã được thực hành đến đâu, có những khó khăn và trở ngại gì, dân chúng có ra sức tham gia hay không. Họ quên mất kiểm tra. Đó là một sai lầm rất to. Vì thế mà “đầy túi quần thông cáo, đầy túi áo chỉ thị mà công việc vẫn không chạy”(21). Phát biểu với cán bộ ngành kiểm tra Đảng tại Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra của Đảng, ngày 29-7-1964, Bác cũng đã nghiêm khắc phê bình “Công tác kiểm tra còn bị động và nặng về giải quyết những vụ vi phạm kỷ luật trước mắt, chưa chủ động về việc giải quyết toàn diện vấn đề giữ gìn kỷ luật và chấp hành Điều lệ của Đảng, để nâng cao ý thức của đảng viên và cán bộ một cách căn bản và lâu dài”(22). Tình trạng này dẫn đến hậu quả là trên thì quan liêu, dưới thì lạm quyền, tắc trách, vô kỷ luật, nhiều tiêu cực: “Vì những người và những cơ quan lãnh đạo từ cấp trên đến cấp dưới không sát công việc thực tế, không theo dõi và giáo dục cán bộ, không gần gũi quần chúng. Đối với công việc thì trọng hình thức mà không xem xét khắp mọi mặt, không vào sâu vấn đề. Chỉ biết khai hội, viết chỉ thị, xem báo cáo trên giấy chứ không kiểm tra đến nơi đến chốn. Nói tóm lại: Vì những người và những cơ quan lãnh đạo mắc bệnh quan liêu thành thử có mắt mà không thấy suốt, có tai mà không nghe thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững. Kết quả là những người xấu, những cán bộ kém tha hồ tham ô, lãng phí”(23)
Để khắc phục bệnh quan liêu trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cần: “Giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn luôn lắng tai nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi. Vì vậy, cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại. Chọn người và thay người cũng là một vấn đề quan trọng trong việc lãnh đạo. Những người mắc phải bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy, không làm được việc, phải thải đi”(24). Cho nên, cần quan tâm đến việc lựa chọn người để đi kiểm tra vì “không thể gặp ai cũng phái đi kiểm tra. Người lãnh đạo phải tự mình làm việc kiểm tra, mới đủ kinh nghiệm và oai tín. Nhưng người lãnh đạo cần phải có một nhóm cán bộ nhiều kinh nghiệm và giàu năng lực để giúp mình đi kiểm tra. Ai đi kiểm tra việc gì, nơi nào nếu có sơ suất thì người ấy phải chịu trách nhiệm”(25). Bác nêu lên hai cách kiểm soát: Một cách là từ trên xuống. Tức là người lãnh đạo kiểm soát kết quả những công việc của cán bộ mình. Một cách nữa là từ dưới lên. Tức là quần chúng và cán bộ kiểm soát sự sai lầm của người lãnh đạo và bày tỏ cái cách sửa chữa sự sai lầm đó. Cách này là cách tốt nhất để kiểm soát các nhân viên”(26).
Có thể nói, những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác kiểm tra, giám sát là hệ thống các quan điểm có ý nghĩa phương pháp luận vô cùng quan trọng; đến nay vẫn giữ nguyên giá trị cả về lý luận và thực tiễn, là kim chỉ nam cho công tác kiểm tra của Đảng hiện nay./.
Chú thích và tài liệu tham khảo:
(1) (2) (3) (4) (5) (6) (7) (8) (9) (10) (11) (12) (13) (14) (15) (16) (17) (18) (19) (20) (21) (22) (23) (24) (25) (26): Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.325, tr.636, tr.327, tr.636, t.14, tr.362, t.15, tr.224, t.14, tr.362, t.5, tr.290, t.5, tr.327, t.5, tr.637, t.5, tr.637, t.5, tr.316, t.15, tr.20, t.5, tr. 636, t.5, tr.327, t.5, tr.328, t.14, tr.362, t.14, tr.362, t.14, tr.363-364, t.15, tr.280-281, t.5, tr.636-637, t.14, tr.363, t.7, tr.357, t.5, tr.326, t.5, tr.637, t.5, tr.328.
Ngọc Cảnh