Hỏi: Xin cho biết quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về kỷ luật của Đảng và thi hành kỷ luật trong Đảng?
Trả lời
Kỷ luật của Đảng và thi hành kỷ luật trong Đảng có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng và có tác dụng to lớn đối với hoạt động xây dựng Đảng và hoạt động lãnh đạo cách mạng của Đảng. Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc viết tháng 10/1947 với bút danh X.Y.Z., Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đảng phải giữ kỷ luật rất nghiêm từ trên xuống dưới. Kỷ luật này là tư tưởng phải nhất trí, hành động phải nhất trí. Kỷ luật này là do lòng tự giác của đảng viên về nhiệm vụ của họ đối với Đảng”(1) vì tổ chức đảng như cơ thể con người, nghị quyết của đảng như mạch máu. Do đó, “Mệnh lệnh và nghị quyết đi mau, đi suốt từ trên đến dưới, công tác mau chóng, việc gì cũng xong xuôi. Nó ngừng lại cấp nào, từ cấp đó trở xuống là tê liệt, không biết đường nào mà công tác”(2). Khi không giữ nghiêm kỷ luật của Đảng, biết mình có khuyết điểm nhưng không chịu cố gắng sửa đổi thì những tật bệnh đó sẽ dẫn tới “Đảng xệch xoạc, ý kiến lung tung, kỷ luật lỏng lẻo, công việc bê trễ. Chính sách không thi hành được triệt để. Đảng xa rời dân chúng”(3). Mọi biểu hiện coi thường kỷ luật Đảng, tự đặt mình ra ngoài hoặc trên tổ chức, “Mình muốn thế nào thì làm thế ấy. Quên cả kỷ luật của Đảng”(4), “Không phục tùng mệnh lệnh, không tuân theo kỷ luật. Cứ làm theo ý mình”(5) dù là nhỏ cũng đều làm phương hại cho Đảng, làm suy yếu sức chiến đấu của Đảng.
Trong tác phẩm Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đến chống chủ nghĩa cá nhân, Người cho rằng, “Cũng do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân”(6). Vì thế, Người coi: “Sức mạnh vô địch của Đảng là ở tinh thần kỷ luật tự giác, ý thức tổ chức nghiêm chỉnh của cán bộ và đảng viên”(7). Người nhấn mạnh: “Kỷ luật của Đảng phải nghiêm minh”(8). Kỷ luật của Đảng là một yếu tố rất quan trọng, bảo đảm cho sự tồn tại, hoạt động và phát triển của Đảng, bởi “Đảng ta tuy nhiều người, nhưng khi tiến đánh thì chỉ như một người. Đó là nhờ có kỷ luật. Kỷ luật của ta là kỷ luật sắt, nghĩa là nghiêm túc và tự giác. Các đồng chí chúng ta cần phải ra sức giữ gìn kỷ luật sắt của Đảng”(9). Nếu kỷ luật của Đảng lỏng lẻo thì những kẻ cơ hội, những phần tử phản động dễ dàng chui vào hàng ngũ để phá hoại Đảng. Kỷ luật Đảng rõ ràng, chặt chẽ, nghiêm minh là điều kiện quan trọng bảo đảm cho Đảng thật sự là một khối đoàn kết, thống nhất trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức; bảo đảm cho đường lối, chủ trương của Đảng được chấp hành nghiêm chỉnh, thực hiện thắng lợi. Người cho rằng, Đảng phải giữ kỷ luật rất nghiêm từ trên xuống dưới. Tất cả tổ chức đảng và đảng viên đều phải phục tùng kỷ luật của Đảng, phải chấp hành các nguyên tắc tổ chức của Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Khi chưa quyết định thì tha hồ bàn cãi. Nhưng khi đã quyết định rồi thì không được bàn cãi nữa, có bàn cãi cũng chỉ là để bàn cách thi hành cho được, cho nhanh, không phải để đề nghị không thực hiện”(10).
Trong “Bài nói chuyện với đại biểu cán bộ, đảng viên tỉnh Hà Tĩnh” ngày 15-6-1957, Người khẳng định: “Muốn mọi chính sách của Đảng thực hiện được thì phải có kỷ luật. Kỷ luật của Đảng là tự nguyện tự giác; đã tự nguyện tự giác là kỷ luật sắt, rất nghiêm, tất cả đảng viên già trẻ, trên dưới đều phải tuân theo. Nếu không giữ gìn nghiêm túc kỷ luật là giảm bớt lực lượng của Đảng, khó thực hiện được nhiệm vụ. Đảng có tổ chức, có kỷ luật, dù Đảng giao việc gì khó mấy cũng phải làm được. Nếu sợ khó, không thích làm, hoặc chọn việc dễ, là không có tinh thần trách nhiệm, làm giảm bớt lực lượng của Đảng”(11). Bởi kỷ luật đó được xây dựng trên cơ sở giác ngộ của mỗi cán bộ, đảng viên, trên cơ sở của sự thống nhất giữa lợi ích của Đảng, của dân tộc với lợi ích của mỗi cán bộ, đảng viên. Người chỉ rõ: “Lợi ích của dân tộc, gồm có lợi ích của Đảng. Lợi ích của Đảng, gồm có lợi ích của đảng viên. Vì vậy, sự phát triển và thành công của Đảng, một mặt tức là thành công của dân tộc, một mặt tức là thành công của đảng viên”(12). Do đó, trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Người nhấn mạnh: “kỷ luật này là do lòng tự giác của đảng viên về nhiệm vụ của họ đối với Đảng”(13). Kỷ luật của Đảng thể hiện đầy đủ tính tổ chức và tính chiến đấu, thể hiện bản chất giai cấp công nhân và đặc điểm của Đảng cầm quyền, bảo đảm cho Đảng thật sự là một khối đoàn kết thống nhất trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức. “Kỷ luật này là tư tưởng phải nhất trí, hành động phải nhất trí”(14) để “Đảng ta tuy nhiều người, nhưng khi tiến đánh thì chỉ như một người”(15).
Nội dung của kỷ luật Đảng không chỉ bó hẹp trong phạm vi tuân thủ những quy định, hướng dẫn của Đảng mà phải hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm kỷ luật trong nội bộ Đảng, kỷ luật của chính quyền và kỷ luật của các đoàn thể: “Mỗi đảng viên cần phải làm kiểu mẫu phục tùng kỷ luật, chẳng những kỷ luật của Đảng, mà cả kỷ luật của các đoàn thể nhân dân và của cơ quan chính quyền cách mạng”(16). Trong “Bài nói chuyện trong buổi khai mạc lớp chỉnh huấn cán bộ Đảng, dân, chính ở cơ quan Trung ương” ngày 6-2-1953, Người nhấn mạnh: “Trong Điều lệ Đảng có nói: đảng viên chẳng những phải giữ kỷ luật sắt, kỷ luật tự giác của Đảng mà còn phải gìn giữ kỷ luật chính quyền, của cơ quan, đoàn thể cách mạng, của nhân dân”(17), đồng thời, Người cũng phê phán rất nghiêm khắc một số cán bộ, đảng viên chưa hiểu rõ mối quan hệ giữa kỷ luật của Đảng, kỷ luật của Nhà nước và kỷ luật của các đoàn thể mà đảng viên đó là thành viên “đi không xin phép, về không báo cáo, tưởng là đảng viên thì muốn làm trời làm đất gì thì làm. Các đảng viên, cán bộ đó không biết kỷ luật của chính quyền, của đoàn thể, nhân dân và Đảng cũng là một”(18). Người cho rằng, đảng viên thiếu kỷ luật “đã mắc bệnh cá nhân thì tư tưởng và hành động cũng đặt cá nhân lên trên. Vì thế mà việc gì cũng không lấy Đảng làm nền tảng. Mình muốn thế nào thì làm thế ấy. Quên cả kỷ luật của Đảng. Phê bình thì cốt công kích những đồng chí mình không ưa. Cất nhắc thì cốt làm ơn với những người mình quen thuộc”(19). Vì “sức mạnh vô địch của Đảng là ở tinh thần kỷ luật tự giác, ý thức tổ chức nghiêm chỉnh của cán bộ đảng viên”(20) bởi lẽ, “Đảng ta là một đảng rất to lớn, bao gồm đủ các tầng lớp trong xã hội. Vì vậy, có nhiều tính cách rất trung thành, rất kiên quyết, rất vĩ đại. Song cũng không tránh khỏi những tập tục, những tính nết, những khuyết điểm của xã hội bên ngoài, nó lây, ngấm vào trong Đảng”(21), cho nên duy trì kỷ luật trong Đảng là một tất yếu khách quan, để ngăn chặn khuyết điểm, sai lầm; sửa chữa thói hư, tật xấu; thải loại những kẻ thoái hóa biến chất; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi mọi cán bộ, đảng viên càng có công thì càng phải khiêm tốn, không được “tự đặt mình cao hơn tổ chức, tự cho phép mình đứng ngoài kỷ luật”(22). Trong bài “Phải theo đúng kỷ luật của Đảng” đăng báo nhân dân số 217, từ ngày 22 đến ngày 24-8-1954, Người chỉ rõ: “Nhiệm vụ của Đảng ta là một lòng, một dạ phụng sự Tổ quốc và nhân dân. Ngoài lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích gì khác. Để làm tròn nhiệm vụ nhân dân giao phó cho Đảng, toàn thể cán bộ và đảng viên phải tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Trung ương, phải tuyệt đối chấp hành mọi chính sách và nghị quyết của Đảng”(23) và yêu cầu: “Các cơ quan tuyên truyền, tổ chức, giáo dục của Đảng phải làm cho cán bộ và đảng viên nhận rõ và theo đúng kỷ luật của Đảng. Đối với mỗi công tác quan trọng, cần phải làm cho mọi người hiểu cái gì nên làm, cái gì nên tránh, thế nào là đúng, thế nào là sai kỷ luật của Đảng. Như vậy kỷ luật của Đảng sẽ được bảo đảm, công tác của Đảng sẽ được thuận lợi, nhiệm vụ của Đảng sẽ chắc chắn hoàn thành”(24).
Đối xử với người có sai lầm, khuyết điểm, Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện rõ tính dân chủ, lòng bao dung, độ lượng, sâu sắc. Người quan niệm: “Người đời ai cũng có khuyết điểm. Có làm việc thì có sai lầm. Chúng ta không sợ có sai lầm và khuyết điểm, chỉ sợ không chịu cố gắng sửa chữa sai lầm và khuyết điểm. Và càng sợ những người lãnh đạo không biết tìm cách đúng để giúp cán bộ sửa chữa sai lầm và khuyết điểm”(25). Người nhắc nhở, giúp đỡ người có sai lầm khuyết điểm là cần thiết nhưng cũng phải rất nghiêm khắc với những phần tử cố ý phá hoại sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Khi xem xét, đánh giá khuyết điểm của những người có sai lầm, khuyết điểm cần có sự phân biệt rõ ràng vì: “Trừ những người cố ý phá hoại, ngoài ra không ai cố ý sai lầm, sai lầm là vì không hiểu, không biết”(26). Đối với những người có vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật, cần căn cứ vào nội dung, tính chất, mức độ vi phạm để có hình thức kỷ luật phù hợp: “Sửa chữa sai lầm, cố nhiên cần dùng cách giải thích thuyết phục, cảm hóa, dạy bảo. Song không phải tuyệt nhiên không dùng xử phạt. Lầm lỗi có việc to, việc nhỏ. Nếu nhất luật không xử phạt thì sẽ mất cả kỷ luật, thì sẽ mở đường cho bọn cố ý phá hoại. Vì vậy, hoàn toàn không dùng xử phạt là không đúng. Mà chút gì cũng dùng đến xử phạt cũng không đúng. Vì vậy, cần phải phân tách rõ ràng cái cớ sai lầm, phải xét kỹ lưỡng việc nặng hay nhẹ, phải dùng xử phạt cho đúng”(27). Làm được như vậy, người có sai lầm, khuyết điểm “tâm phục, khẩu phục”, công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng không biến thành công cụ để trừng phạt cán bộ, đảng viên.
Phương châm thi hành kỷ luật trong Đảng phải công minh, công khai, dân chủ: “Có thưởng thì phải có phạt, thưởng phạt phải nghiêm minh”(28). “Những cán bộ có ưu điểm thì phải khen thưởng; người làm trái kỷ luật thì phải phạt. Nếu không thưởng thì không có khuyến khích; nếu không có phạt thì không giữ vững kỷ luật. Thưởng phạt nghiêm minh là cần thiết”(29). Mọi vi phạm đều phải được xem xét, nếu đến mức phải thi hành kỷ luật thì xử lý thích đáng. Người nhấn mạnh: “Nơi nào sai lầm, ai sai lầm, thì lập tức sửa chữa. Kiên quyết chống thói nể nang và che giấu, chống thói “trước mặt thì nể, kể lể sau lưng”. Phê bình thì phải rõ ràng, thiết thực, ngay thẳng, thành thật - mục đích là cốt sửa chữa, chứ không phải để công kích, cốt giúp nhau tiến bộ, chứ không phải làm cho đồng chí khó chịu, nản lòng”(30). Trong “Bài nói tại lớp chỉnh huấn đầu tiên của Trung ương” ngày 11-5-1952, Bác chỉ rõ “Là một Đảng lãnh đạo, Đảng ta cần phải mạnh mẽ, trong sạch, kiểu mẫu. Toàn Đảng phải tư tưởng nhất trí, hành động nhất trí, đoàn kết nhất trí mới làm tròn nhiệm vụ của Đảng”(31). Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại bản Di chúc lịch sử và dành những lời đầu tiên cho Đảng: “Trước hết nói về Đảng... Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”(32). Theo Người, tự phê bình và phê bình là phản ánh trung thực tinh thần dân chủ và sức chiến đấu của Đảng. Bởi vì: “... một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”(33). Vậy nên, mỗi cán bộ, đảng viên hằng ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình và khắc phục những yếu kém, khuyết điểm của mình.
Có thể nói, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về kỷ luật của Đảng và thi hành kỷ luật trong Đảng đã và đang soi đường cho công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng, được Đảng ta vận dụng có hiệu quả trong suốt quá trình cách mạng và trong giai đoạn hiện nay. Quán triệt tư tưởng của Người, vấn đề giữ gìn tính kỷ luật của đảng viên hiện nay phải gắn liền với việc rèn luyện đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân; cán bộ, đảng viên phải có tinh thần trách nhiệm và hành động tích cực góp phần phòng, chống tham nhũng, lãng phí nhằm xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ./.
Chú thích và tài liệu tham khảo:
(1) (2) (3) (4) (5) (6) (7) (8) (9) (10) (11) (12) (13) (14) (15) (16) (17) (18) (19) (20) (21) (22) (23) (24) (25) (26) (27) (28) (29) (30) (31) (32) (33): Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.290; t.5, tr.299; t.5, tr.298; t.5, tr.295-296, t.5, tr.298; t.15, tr.547; t.13, tr.67; t.15, tr.547; t.6, tr.17; t.6, tr.458; t.10, tr.616-617; t.5, tr.293; t.5, tr.290; t.5, tr. 290; t.6, tr.17; t.7, tr.33; t.8, tr.51; t.8, tr.51; t.5, tr.295-296; t.13, tr.67; t.5, tr.301-302; t.13, tr.67; t.9, tr.31; t.9, tr.32; t.5, tr.323; t.5, tr.323; t.5, tr.323-324; t.11, tr.234; t.9, tr.310; t.5, tr.308; t.7, tr.415; t.15, tr.611; t.5, tr.301.
Ngọc Cảnh