Câu hỏi: Xin cho biết quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong Đảng?
Trả lời
Tự phê bình và phê bình là nguyên tắc quan trọng, là một trong những quy luật phát triển của Đảng. Tự phê bình và phê bình cũng là nét nổi bật trong phong cách lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ quan niệm hết sức giản dị mà sâu sắc: người đời không phải thần thánh, không ai tránh khỏi khuyết điểm; tổ chức đảng và đảng viên cũng được hình thành từ những con người trong xã hội, nên không thể không có những sai lầm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã yêu cầu cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tự phê bình và phê bình. Khi Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo thành công cuộc cách mạng tháng 8/1945, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam, Người đã cảnh báo: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”(1). Để Đảng tiếp tục làm tròn sứ mệnh của mình, nhất định mỗi đảng viên phải thực hiện tốt tự phê bình và phê bình. Ở cương vị Chủ tịch nước, Người vẫn luôn thực hành tự phê bình và phê bình nghiêm túc, nêu một tấm gương sáng về đức tính trung thực, thẳng thắn, thái độ và phương pháp phê bình cho cán bộ, đảng viên. Theo Người, tự phê bình và phê bình phải thường xuyên, nghiêm túc, không nể nang, qua loa đại khái, hình thức. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ”(2). Tuyệt đối không vì mâu thuẫn cá nhân, động cơ cá nhân mà phê bình theo kiểu “vạch lá tìm sâu”, “bới lông tìm vết” nhằm trù dập, đấu đá, hạ bệ lẫn nhau. Nếu ngừng việc tự phê bình và phê bình tức là ngừng tiến bộ, là thoái bộ. Người cũng cho rằng, phê bình như liều thuốc để chữa khỏi bệnh tật, Người nói: “Khuyết điểm cũng như chứng bệnh. Phê bình cũng như uống thuốc. Sợ phê bình, cũng như có bệnh mà giấu bệnh. Không dám uống thuốc. Để đến nỗi bệnh ngày càng nặng, không chết “cũng la lết quả dưa”(3). Người còn nhấn mạnh: “… nể nang không phê bình, để cho đồng chí mình cứ sa vào lầm lỗi, đến nỗi hỏng việc. Thế thì khác nào thấy đồng chí mình ốm, mà không chữa cho họ. Nể nang mình, không dám tự phê bình, để cho khuyết điểm của mình chứa chất lại. Thế thì khác nào mình tự bỏ thuốc độc cho mình!”(4). Người yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải phê bình và tự phê bình thường xuyên, phải tự sửa chữa khuyết điểm như rửa mặt, hít thở không khí hàng ngày. Việc tự phê bình và phê bình sẽ giúp tập thể và cá nhân nhận ra khuyết điểm để sửa chữa, không ngừng hoàn thiện. Trong Di chúc Người viết: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”(5). Tự phê bình và phê bình là cách thức tốt nhất để thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng, làm cho Đảng trong sạch, cán bộ, đảng viên tiến bộ, giữ vững được uy tín của Đảng. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “… một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”(6). Đồng thời, dân chủ là một trong những yếu tố quan trọng để thực hiện phê bình. Nếu không thực hành dân chủ thì cả với cơ quan lãnh đạo, cán bộ lãnh đạo và cán bộ, đảng viên dù có ý kiến cũng không dám nói, dù muốn phê bình cũng sợ không dám phê bình….
Thực hiện lời chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong Đảng, những năm qua, vấn đề tự phê bình và phê bình luôn được Đảng ta quan tâm và đưa vào sinh hoạt đảng thường kỳ và kiểm điểm định kỳ (hằng tháng, sáu tháng, một năm, giữa nhiệm kỳ và cuối nhiệm kỳ) theo quy định đối với tổ chức đảng và đảng viên. Nội dung tự phê bình và phê bình của tổ chức đảng tập trung vào thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao; nội dung tự phê bình và phê bình của đảng viên tập trung vào thực hiện nhiệm vụ đảng viên, nhiệm vụ chính trị được chi bộ và chính quyền, đoàn thể giao, việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, sự phấn đấu rèn luyện, học tập của bản thân. Đảng ta cũng quy định rõ tự phê bình và phê bình là một nguyên tắc và là một trong những chế độ trong sinh hoạt đảng. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và XII) xác định rõ hơn nội dung, cách thức, biện pháp tổ chức kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, làm từ trên xuống, chắc chắn, hiệu quả. Nguyên tắc làm gương, nêu gương, nhất là nêu gương trong tự phê bình và phê bình là sự nhất quán, phải được thể hiện rõ trong từng ý tưởng, quyết sách, việc làm thường ngày của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương. Mỗi cán bộ, đảng viên - nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu phải tự giác, thành khẩn và gương mẫu thực hiện tự phê bình và phê bình. Mặt khác, mỗi tổ chức đảng phải tăng cường công tác quản lý đảng viên, kiểm tra, giám sát chặt chẽ và xử lý nghiêm minh những cán bộ, đảng viên không thực hiện nghiêm nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Thực hiện đúng nguyên tắc này sẽ ngăn chặn được hiện tượng mất đoàn kết, vô tổ chức, vô kỷ luật; ngăn ngừa tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa, góp phần giáo dục đội ngũ cán bộ, đảng viên, xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh./.
Ngọc Cảnh
Chú thích và tài liệu tham khảo
(1). Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H., 2011, t.15, tr.672.
(2), (3), (4), (6). Sách đã dẫn, t.5, tr. 272, 301, 301, 301.
(5). Sách đã đẫn, t.15, tr.611.