Câu hỏi: Xin cho biết quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phương pháp đánh giá cán bộ?
Trả lời
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác cán bộ, Người coi đó là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền nhà nước, bởi lẽ “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”(1), “muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”(2) và “vấn đề cán bộ quyết định mọi việc”(3).
Trong các khâu của công tác cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng công tác đánh giá và sử dụng cán bộ, coi đánh giá cán bộ là việc làm trước tiên và thường xuyên, mục đích để xem xét lại nhân tài, tìm ra những nhân tài mới, mặt khác để phát hiện những cán bộ không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Trên cơ sở “hiểu biết cán bộ”(4) và đánh giá đúng thì tùy tài mà dùng người, “phải trọng nhân tài, trọng cán bộ”(5) đồng thời, phê phán việc “ham dùng người bà con, anh em quen biết” 6). Người luôn căn dặn: “Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta”(7); phải biết “tùy tài mà dùng người”(8), “phải dùng người đúng chỗ, đúng việc”(9); “tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy. Biết dùng người như vậy, ta sẽ không lo gì thiếu cán bộ”(10). Việc dùng người phải đúng năng lực và sở trường, bởi lẽ: “Chúng ta phải nhớ rằng: người đời ai cũng có chỗ hay chỗ dở. Ta phải dùng chỗ hay của người và giúp người chữa chỗ dở. Dùng người cũng như dùng gỗ. Người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng, cong, đều tùy chỗ mà dùng được”(11).
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “mỗi lần xem xét lại nhân tài, một mặt thì tìm thấy những nhân tài mới, một mặt khác thì những người hủ hóa cũng lòi ra”(12). Đánh giá đúng cán bộ không chỉ để phát hiện cái hay của họ để khuyến khích, phát huy mà còn nhằm thấy cái dở để góp ý, tìm cách giúp đỡ họ sửa chữa, khắc phục. Khi đánh giá cán bộ, những người làm công tác cán bộ phải có quan điểm biện chứng, nhìn nhận mọi sự vật, hiện tượng trong trạng thái không ngừng biến đổi. Vì thế, muốn đánh giá đúng về một con người thì người đánh giá phải đủ tư cách, phải tự biết ưu điểm cũng như dám nhìn nhận nhược điểm của mình. “Tự biết mình, cũng không phải là dễ. Đã không tự biết mình thì khó mà biết người, vì vậy muốn biết đúng sự phải trái ở người ta, thì trước phải biết đúng sự phải trái của mình. Nếu không biết sự phải trái ở mình, thì chắc không thể nhận rõ người cán bộ tốt hay xấu”(13). Đánh giá cán bộ phải trên cơ sở tiêu chuẩn, lấy hiệu quả công tác và sự đóng góp thực tế, tín nhiệm của nhân dân làm thước đo chủ yếu. Vì vậy, đánh giá đúng cán bộ không những để sử dụng mà qua đó còn nâng đỡ họ, tạo điều kiện cho họ phát huy hết tài năng, sức lực của mình để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Từ đó Bác nêu lên kinh nghiệm đánh giá cán bộ là “Khi cất nhắc một cán bộ, cần phải xét rõ người đó có gần gụi quần chúng, có được quần chúng tin cậy và mến phục không. Lại phải xem người ấy xứng với việc gì. Nếu người có tài mà dùng không đúng tài của họ, cũng không được việc. Nếu cất nhắc không cẩn thận, không khỏi đem người bô lô ba la, chỉ nói mà không biết làm, vào những địa vị lãnh đạo. Như thế rất có hại”(14) và “xem xét cán bộ, không chỉ xem ngoài mặt mà còn phải xem tính chất của họ. Không chỉ xem một việc, một lúc mà phải xem toàn cả lịch sử, toàn cả công việc của họ”(15).
Về nội dung đánh giá cán bộ, trước hết, cần xem xét người đó có cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư hay không. Trong công việc, Bác đánh giá cao những người biết để việc nước, việc công lên trên việc nhà, việc tư; những người thạo về chính trị, giỏi chuyên môn, không cậy thế, cậy thần, không tự đặt mình cao hơn tổ chức. Bác Hồ có quan điểm và phương pháp đánh giá cán bộ một cách đúng đắn, đó là khi đánh giá con người, đánh giá cán bộ phải xuất phát từ thực tiễn đời sống và hoạt động của chính con người đó. Theo Bác, trong đánh giá cán bộ không được mắc các bệnh như tự cao tự đại, ưa người ta nịnh mình, do lòng yêu, ghét của mình mà đối với người, không “đem một cái khuôn khổ nhất định, chật hẹp mà lắp vào tất cả mọi người khác nhau”(16). Bởi vì, nếu đã “phạm một trong bốn bệnh đó thì cũng như mắt đã mang kính có màu, không bao giờ thấu rõ cái mặt thật của những cái mình trong”(17).
Học tập phương pháp đánh giá cán bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể khi xem xét, đánh giá cán bộ, đảng viên phải xuất phát từ tổ chức và phải đặt cán bộ, đảng viên trong mối liên hệ với tổ chức và môi trường thực hiện nhiệm vụ cụ thể, lấy hiệu quả công tác và sự đóng góp thực tế làm thước đo phẩm chất và năng lực cán bộ đảng viên, đảm bảo đúng nguyên tắc tập trung dân chủ. Căn cứ vào kết quả đánh giá cán bộ và yêu cầu của nhiệm vụ chính trị để bố trí, sử dụng đúng người, đúng việc. Đánh giá đúng sẽ là cơ sở tốt cho việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm, thực hiện chính sách cán bộ… chính xác, phù hợp, giúp phát huy được điểm mạnh, khắc phục điểm yếu của người cán bộ. Ngoài ra, đánh giá đúng cán bộ còn tạo ra cơ chế kích thích sự phấn đấu tiến bộ của cán bộ, tăng cường đoàn kết nội bộ. Ngược lại, đánh giá sai sẽ dẫn đến hàng loạt các khâu khác của công tác cán bộ thiếu chính xác, gây nên những hệ lụy tiêu cực đối với đơn vị, tập thể; bản thân người cán bộ được đánh giá không đúng thực chất có thể hoặc sinh ra chủ quan, tự cao, tự đại hoặc trái lại trở nên tự ti, nhụt chí phấn đấu, làm cho tổ chức mất đi những cán bộ tốt. Để đánh giá đúng cán bộ cần phải có phương pháp đánh giá dân chủ, khách quan, trung thực; trên cơ sở đánh giá đúng để bố trí, sử dụng cán bộ cho thích hợp. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định rõ một trong ba nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng, Nhà nước trong nhiệm kỳ 2021-2026 là: “Đổi mới mạnh mẽ và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”(18). Trong đó: “Coi trọng đánh giá chất lượng, hiệu quả, sản phẩm thực tế theo chức trách, nhiệm vụ được giao và đề cao trách nhiệm người đứng đầu” (19). Cần tiếp tục “hoàn thiện thể chế, quy định về công tác cán bộ, tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí, cơ chế đánh giá cán bộ” (20). Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, Đảng ta yêu cầu cần phải “đổi mới mạnh mẽ cơ chế phát hiện, lựa chọn, thu hút, trọng dụng nhân tài và cơ chế đánh giá cán bộ. Mở rộng việc thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp vụ, sở, phòng trong hệ thống chính trị…”(21)
Ngọc Cảnh
Chú thích và tài liệu tham khảo
(1), (2), (3), (4), (5), (6) (7), (8), (9), (10), (11), (12), (13) (14), (15), (16), (17). Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.309; tr.280; tr.324; tr.317; tr.313; tr.318; tr.313; tr.314; tr.314; t.4 tr.43; t.5 tr.88; tr.314; tr.317; tr.314; tr.318; tr.317; tr.317
(18), (19), (20), (21). Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập II, tr.256-257; 242; tập I, tr.187, tập II, tr.244.