Câu hỏi: Xin cho biết quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả?
Trả lời
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại một di sản tinh thần hết sức sâu sắc, cao cả trong đó có tư tưởng về xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả. Sau Cách mạng Tháng Tám, Người tuyên bố: “Công việc phá hoại xong rồi. Nay bước đầu công việc dọn dẹp, sắp đặt, giữ gìn, kiến thiết”(1) và việc đầu tiên phải kiến thiết là xây dựng một nhà nước của dân, do dân, vì dân, một nền hành chính phục vụ nhân dân. Ngay từ khi bắt tay vào việc tạo dựng chính thể mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hướng tới mô hình chính quyền tinh gọn, hiệu quả và việc chấn chỉnh biên chế đã được Người sớm đặt ra. Khi nói về vai trò sức mạnh của tổ chức, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ “Khéo tổ chức, khéo lãnh đạo, thì lực lượng ấy sẽ làm xoay trời chuyển đất, bao nhiêu thực dân và phong kiến cũng sẽ bị lực lượng to lớn ấy đánh tan”(2). Người ví tổ chức bộ máy là một chỉnh thể thống nhất, bao gồm nhiều bộ phận hợp thành giống như các bộ phận của chiếc đồng hồ, thiếu một bộ phận nào đó thì đồng hồ không thể chạy được. Do đó, hiệu quả hoạt động của cả bộ máy phụ thuộc vào hiệu quả hoạt động của các bộ phận. Mối quan hệ này đòi hỏi phải xây dựng một bộ máy tinh gọn, đồng bộ và hiệu quả. Người nói “chúng ta tất cả mọi người, bất kỳ ở một chức vụ nào, cao hay thấp, to hay nhỏ, tất cả mọi người làm thành một bộ máy. Thiếu một người nào hay có một người làm không tròn nhiệm vụ là hỏng cả”(3). Trong bài “Thiếu óc tổ chức - một khuyết điểm lớn trong các Ủy ban nhân dân”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra nhận xét rằng tổ chức bộ máy chưa khoa học, chất lượng đội ngũ cán bộ chưa đều, hiệu quả hoạt động còn thấp “một khuyết điểm lớn, chung cho phần đông các Ủy ban nhân dân là bệnh lộn xộn, thiếu tổ chức. Về cán bộ hành chính, ta phải thú nhận là thiếu rất nhiều”(4); rằng “Trong một Ủy ban, nhiều khi có người rất rỗi rãi, cả ngày chỉ chạy ra chạy vào cho có chuyện, có người lại bù đầu rối óc vì một mình phải kiêm đến mấy việc: nào ngoại giao, nào tư pháp, nào tài chính”(5).
Trong bài nói chuyện với cán bộ quân nhu (ngày 25-6-1952), Người chính thức đưa ra khái niệm tinh giản bộ máy theo hướng “thà ít mà tốt”. Người chỉ dẫn: “Nói chung, các cơ quan đều phải tiết kiệm. Riêng cơ quan cung cấp tổ chức còn kềnh càng, thừa người, phải sắp xếp cho gọn gàng, hợp lý, mọi người đều có công việc thiết thực, những người thừa phải đưa đi chỗ thiếu, những người ở lại phải thi đua nâng cao năng suất của mình. Thế là tinh giản, tinh là năng suất lên cao, làm cho mau cho tốt, giản là vừa phải, không kềnh càng, tránh hình thức”(6). Người nói rõ: việc tinh gọn phải diễn ra trong toàn hệ thống chính trị chứ không chỉ trong các cơ quan hành chính: “Các cơ quan chính quyền và đoàn thể, các cơ quan kinh tế và các Ủy ban, cần phải nâng cao năng suất, giảm bớt số người (tinh giản)... Vô luận thế nào cũng phải tìm đủ cách để biên chế các cơ quan lại”(7).
Như vậy, vấn đề giảm biên chế đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra một cách quyết liệt với mục tiêu không chỉ “cắt bỏ cơ học” lao động dôi dư mà còn là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Người nhìn nhận tác dụng của công tác giảm biên chế không chỉ ở góc độ kinh tế mà còn ở góc độ văn hóa và đạo đức khi nó buộc cán bộ phải hoàn thiện mình về mọi mặt, phải nâng mình ngang tầm nhiệm vụ để đáp ứng yêu cầu của tổ chức, mong muốn của nhân dân. Để bộ máy vận hành hoạt động có hiệu quả, thì “tổ chức phải gọn gàng. Nhiệm vụ của mỗi bộ phận, mỗi người phải quy định rõ ràng. Các cấp và các cán bộ lãnh đạo phải giúp đỡ và đôn đốc thường xuyên, phải kiểm tra chặt chẽ”(8). Bởi nếu “chia công việc không khéo thành ra bao biện: nhiều việc quá thì sao làm việc đến nơi đến chốn, vì thì giờ và sức lực người ta chỉ có chừng. Có kế hoạch làm việc nhưng sắp đặt công việc không khéo, phân công không sáng suốt thì việc cũng đến hỏng”(9).
Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn xét đến cùng là nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả công tác; thu hút những người có đức, có tài vào hoạt động trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội để giúp cho bộ máy hoạt động nhịp nhàng, trôi chảy, hướng tới mục tiêu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Điều này đặt ra cho cán bộ, công chức phải “tăng năng suất công tác - Bất kỳ ở địa vị nào, làm công tác gì, chúng ta đều là đày tớ của nhân dân. Cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng, đều do mồ hôi nước mắt của nhân dân mà ra. Vì vậy chúng ta phải đền bù xứng đáng cho nhân dân”(10). Bởi vậy, hơn lúc nào hết cần “kiện toàn tổ chức và lề lối làm việc; nâng cao tính tổ chức, tính kỷ luật và đạo đức cách mạng của toàn thể cán bộ và đảng viên”(11).
Những chỉ dẫn của Hồ Chí Minh về tinh giản, kiện toàn tổ chức bộ máy là định hướng, cơ sở phương pháp luận để Đảng ta từng bước củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng tổ chức bộ máy; càng có ý nghĩa khi “việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy ở một số nơi thiếu kiên quyết, đồng bộ và chưa đạt mục tiêu đề ra; cá biệt có nơi còn nóng vội, chưa có bước đi vững chắc”(12). Đại hội XIII xác định nhiệm vụ, giải pháp đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị với định hướng: “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đồng bộ với đổi mới kinh tế, văn hóa, xã hội, con người..., đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức của hệ thống chính trị. Tổng kết các mô hình thí điểm về tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị, khắc phục sự chồng chéo và những bất hợp lý trong tổ chức của Đảng và tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Đẩy mạnh thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm”(13). Điều này đặt ra cho các cấp ủy đảng phải tập trung trí tuệ lãnh đạo công tác quan trọng này. Bởi theo Chủ tịch Hồ Chí Minh “lãnh đạo khéo, tài nhỏ có thể hóa ra tài to. Lãnh đạo không khéo, tài to cũng hóa ra tài nhỏ”(14)./.
Ngọc Cảnh
Chú thích và tài liệu tham khảo
(1), (2), (3), (4), (5), (6), (7), (8), (9), (10), (11), (14): Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4 tr.19; t.8 tr.358; t.8 tr.219; t.4 tr.42; t.4 tr.42; t.7 tr.432; t.7 tr.367; t.8 tr.132; t.4 tr.42; t.9 tr.145; t.9 tr. 362; t.5 tr.320
(12), (13): Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập II, tr.184; tập I, tr.185