Câu hỏi: Xin cho biết quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc?
Trả lời
Đại đoàn kết toàn dân tộc là tư tưởng chiến lược độc đáo và sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong toàn bộ di sản tư tưởng Hồ Chí Minh để lại (Hồ Chí Minh, toàn tập (15 tập), có đến 2.115 lần Bác dùng cụm từ đoàn kết, 77 lần dùng cụm từ đại đoàn kết. Những cụm từ này xuất hiện xuyên suốt trong các tác phẩm của Người - từ khi bắt đầu hoạt động cách mạng đến cuối đời, từ bài Phong trào cách mạng ở Ấn Độ (9-1921) đến bài cuối là Di chúc (1969). Trong một số bài, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nói đến đoàn kết, đại đoàn kết, như: 16 lần trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (1947), 17 lần trong “Bài nói chuyện tại Đại hội thống nhất Việt Minh - Liên Việt” (1951), 19 lần trong “Diễn văn kỷ niệm Quốc khánh” năm 1957.
Bác Hồ với đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Tư liệu
Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc được thể hiện ở một số nội dung sau:
Thứ nhất, đại đoàn kết dân tộc là tư tưởng có ý nghĩa chiến lược cơ bản, nhất quán và xuyên suốt tiến trình cách mạng Việt Nam. Đó là chiến lược tập hợp mọi lực lượng nhằm hình thành và phát huy sức mạnh to lớn của toàn dân trong cuộc đấu tranh với kẻ thù xâm lược với tinh thần: “Chúng ta phải đoàn kết rộng rãi và chặt chẽ. Đoàn kết giữa Chính phủ và nhân dân. Đoàn kết giữa các tầng lớp trong nhân dân với nhau. Đoàn kết giữa đồng bào toàn quốc, từ Bắc chí Nam. Nói rộng hơn nữa: Đoàn kết giữa nhân dân ta và nhân dân các nước bạn, nhân dân châu Á, nhân dân nước Pháp và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới”(1). Như vậy, đại đoàn kết dân tộc cũng tức là đại đoàn kết toàn dân, nghĩa là tập hợp mọi người dân vào một khối thống nhất giữa ý chí và hành động trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, tự do và hạnh phúc cho nhân dân. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Muốn đoàn kết toàn dân, cần phải có một đoàn thể rộng lớn, rất độ lượng thì mới có thể thu hút được mọi đoàn thể và cá nhân có lòng thiết tha yêu nước, không phân biệt tuổi tác, gái trai, tôn giáo, nghề nghiệp, giai cấp, đảng phái”(2). Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, đại đoàn kết dân tộc phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Bởi chỉ có Đảng của giai cấp công nhân mới có mục đích tiêu biểu cho những yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân cả nước, được các tổ chức, đảng phái và toàn dân tin tưởng, ủng hộ, để có thể “đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân ta là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác”(3), đồng thời có mối liên hệ với đông đảo bè bạn ở ngoài nước. Và “muốn đoàn kết rộng rãi thì cái gốc phải vững, tức là công nông liên minh có vững chắc mới đoàn kết được các giai cấp khác”(4).
Thứ hai, đại đoàn kết dân tộc là một mục tiêu, một nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng Việt Nam. Mỗi thời kỳ cách mạng đều có mục tiêu nhất định. Trong cách mạng giải phóng dân tộc, mục tiêu cách mạng là đoàn kết toàn dân; kháng chiến thắng lợi. Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (11-2-1951), Hồ Chí Minh nêu rõ: “Về mục đích trước mắt, Đảng Lao động Việt Nam đoàn kết và lãnh đạo toàn dân kháng chiến cho đến thắng lợi hoàn toàn, tranh lại thống nhất và độc lập hoàn toàn; lãnh đạo toàn dân thực hiện dân chủ mới, xây dựng điều kiện để tiến lên chủ nghĩa xã hội”(5). Phát biểu tại buổi lễ ra mắt Đảng Lao động Việt Nam (3-3-1951), Hồ Chí Minh tuyên bố trước toàn dân tộc: Mục đích của Đảng Lao động Việt Nam gồm 8 chữ là: “Đoàn kết toàn dân, phụng sự Tổ quốc”(6). Trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, mục tiêu đoàn kết dân tộc tiếp tục được khẳng định nhất quán: đoàn kết toàn dân; xây dựng chủ nghĩa xã hội; đấu tranh thống nhất nước nhà. Người chỉ rõ: Trước Cách mạng Tháng Tám và trong kháng chiến, nhiệm vụ tuyên huấn là làm cho đồng bào các dân tộc hiểu được mấy việc: Một là đoàn kết. Hai là làm cách mạng hay kháng chiến đòi độc lập. Bây giờ mục đích tuyên huấn: Một là đoàn kết. Hai là xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ba là đấu tranh thống nhất nước nhà.
Thứ ba, đại đoàn kết toàn dân tộc là đại đoàn kết toàn dân. “Dân” và “nhân dân” trong tư tưởng Hồ Chí Minh vừa là tập hợp đông đảo quần chúng, vừa được hiểu là mỗi con người Việt Nam cụ thể và cả hai đều là chủ thể của đại đoàn kết dân tộc. Trong bài Nói chuyện tại Hội nghị đại biểu Mật trận Liên - Việt toàn quốc (01-1955), Người chỉ rõ: “Đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân ta là công nhân, nông dân và và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Đó là nền gốc của đại đoàn kết. Nó cũng như cái nền nhà, gốc của cây. Nhưng đã có nền vững, gốc tốt, còn phải đoàn kết các tầng lớp nhân dân khác”(7).
Tin vào dân, dựa vào dân, phấn đấu vì quyền lợi của dân nhân theo Hồ Chí Minh là sự kế thừa và nâng cao tư duy chính trị truyền thống dân tộc “nước lấy dân làm gốc”, đồng thời còn là sự quán triệt nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”.
Thứ tư, đại đoàn kết là để tạo nên lực lượng cách mạng, xoá bỏ chế độ cũ, xây dựng chế độ mới; vì vậy, nó phải được biến thành lực lượng vật chất, sức mạnh vật chất có tổ chức, đó là mặt trận thống nhất. Quần chúng nhân dân chỉ trở thành một lực lượng thống nhất và có sức mạnh to lớn khi họ được giác ngộ về mục tiêu chiến đấu chung, được tổ chức thành một khối vững chắc và hoạt động theo đường lối chính trị đúng đắn. Tuỳ theo yêu cầu và nhiệm vụ cụ thể của cách mạng trong từng thời kỳ, từng giai đoạn, quần chúng nhân dân được tập hợp vào các tổ chức mặt trận rộng rãi với những tên gọi phù hợp, như Mặt trận dân chủ (1936), Mặt trận nhân dân phản đế (1939), Mặt trận Việt minh (1941)… và ngày nay là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Thứ năm, đại đoàn kết toàn dân tộc phải gắn liền với đoàn kết quốc tế, chủ nghĩa yêu nước chân chính phải gắn liền với chủ nghĩa quốc tế trong sáng của giai cấp công nhân.
Để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, ngoài việc tuyên truyền, vận động nhân dân cần phải chăm lo xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, Người căn dặn: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của nhân dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”(8). Đoàn kết trong Đảng, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, là đoàn kết nhất trí, đoàn kết thống nhất, đoàn kết cả trong tư tưởng, suy nghĩ và hành động. Đoàn kết trong Đảng là đoàn kết giữa đảng viên với đảng viên, giữa đảng viên với tổ chức. Cơ sở đoàn kết trong đảng chính là đường lối, quan điểm và Điều lệ của Đảng. Thống nhất về tư tưởng chính trị, về tổ chức đi đến thống nhất về hành động của toàn Đảng là hạt nhân cốt lõi của đoàn kết trong Đảng. Đoàn kết giữa các đảng viên, đoàn kết giữa các tổ chức đảng với nhau, Người từng nhắc nhở: Đảng ta tuy có nhiều đảng viên, song khi tiến hành nhiệm vụ cách mạng thì chỉ như một người, trong Đảng không được phép có tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Người cũng chỉ rõ, phải chống những cái xấu, những căn bệnh gây chia rẽ, mất đoàn kết. Phải chống bệnh hẹp hòi. “Bệnh này rất nguy hiểm, mà nhiều cán bộ và đảng viên còn mắc phải. Trong, thì bệnh này ngăn trở Đảng thống nhất và đoàn kết. Ngoài, thì nó phá hoại sự đoàn kết toàn dân. Nhiều thứ bệnh, như chủ nghĩa địa phương, chủ nghĩa bản vị, chủ nghĩa cá nhân, khuynh hướng tham danh vọng, tham địa vị, dìm người giỏi, bệnh hủ hóa, v.v. đều do bệnh hẹp hòi mà ra!”(9). Phải chống chủ nghĩa cá nhân. Do chủ nghĩa cá nhân mà cán bộ, đảng viên sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa; tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành; tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, xa rời thực tế, quan liêu, mệnh lệnh, độc đoán, chuyên quyền. Để toàn Đảng đoàn kết, nhất trí, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra biện pháp cơ bản là: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”(10)./.
Chú thích và tài liệu tham khảo:
(1), (3), (4), (7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.9, tr. 90, tr.244, tr. 244.
(2) Sách đã dẫn, t.3, tr. 480.
(5), (6) Sách đã dẫn, t.7, tr. 41, 49.
(8), (10) Sách đã dẫn, t.15, tr. 622, tr. 622.
(9) Sách đã dẫn, t.5, tr 276.
Ngọc Cảnh