Câu hỏi: Xin cho biết quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường.
Trả lời
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường là vấn đề có mối quan hệ mật thiết với nhau. Nếu chỉ chú ý đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa để đem lại hiệu quả kinh tế thuần túy mà quên đi vấn đề bảo vệ tài nguyên, môi trường thì hiệu quả kinh tế thu được chưa chắc đã đủ để giải quyết hậu quả do ô nhiễm môi trường gây ra. Vấn đề bảo vệ môi trường, tăng cường quản lý tài nguyên, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm. Nhiều chủ trương, chính sách về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đã được ban hành.
Tại Đại hội VI của Đảng, lần đầu tiên công tác bảo vệ môi trường đã được Đảng ta đưa vào văn kiện: “xúc tiến công tác điều tra và đánh giá kinh tế tài nguyên thiên nhiên, điều kiện tự nhiên, dân cư và kinh tế - xã hội, công tác dự báo và nghiên cứu chiến lược cho các chủ trương lớn về kinh tế - xã hội, sử dụng tốt nhất đi đôi với bảo vệ có hiệu quả môi trường sinh thái”(1). Đến Đại hội VII, Đảng xác định các ngành mũi nhọn để kết hợp phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, chủ trương phổ cập các giải pháp sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên. Trong văn kiện Đại hội VIII, Đảng chỉ rõ: “Tăng trưởng kinh tế gắn với cải thiện đời sống nhân dân, phát triển văn hóa giáo dục, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường”(2). Ngày 25-6-1998, Đảng ta ban hành Chỉ thị số 36/CT-TW về “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Đây là lần đầu tiên Đảng ban hành chỉ thị về bảo vệ môi trường. Đại hội IX của Đảng tiếp tục nhấn mạnh quan điểm phát triển là “Phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường”(3). Ngoài nội dung tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường còn có thêm nội dung mới, không chỉ bảo vệ môi trường mà còn “cải thiện môi trường, bảo đảm sự hài hòa giữa môi trường nhân tạo với môi trường thiên nhiên, giữ gìn đa dạng sinh học”(4). Ngày 15-11-2004, Bộ chính trị (khóa IX) ban hành Nghị quyết 41-NQ/TW về Bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Trong Văn kiện Đại hội X, lần đầu tiên, báo cáo phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2006 - 2010 đã đưa ra các chỉ tiêu về môi trường như: tỉ lệ che phủ rừng, tỷ lệ dân cư được sử dụng nước sạch, chỉ tiêu về xử lý chất thải và tăng cường bảo vệ, cải thiện môi trường(5). Hội nghị Trung ương 4 khóa X (2-2007) ra Nghị quyết số 09-NQ/TW về Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020, trong đó xác định: “Phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển... làm cho đất nước giàu mạnh từ biển, bảo vệ môi trường biển”(6). Ngày 21-01-2009, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 29-CT/TW về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện triệt để các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết số 41-NQ/TW nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác bảo vệ môi trường; xác định rõ những ưu điểm, khuyết điểm và nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân; đề ra các giải pháp cụ thể để thực hiện tốt các nhiệm vụ trong Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị này.
Đại hội XI của Đảng đã thẳng thắn chỉ ra: “Môi trường ở nhiều nơi đang bị ô nhiễm nặng; tài nguyên, đất đai chưa được quản lý tốt, khai thác và sử dụng kém hiệu quả, chính sách đất đai có mặt chưa phù hợp”(7). Vì vậy, bảo vệ môi trường ngày càng trở thành một trong những chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước. Nếu Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ X đã 10 lần nhắc đến vấn đề môi trường và bảo vệ môi trường, thì Văn kiện Đại hội XI của Đảng có tới hơn 20 lần nhắc đến vấn đề môi trường và bảo vệ môi trường. Cũng tại Đại hội Đảng lần thứ XI, nội dung bảo vệ môi trường được nâng lên một tầm cao mới, gắn chặt với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa: “Đưa nội dung bảo vệ môi trường vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, vùng và các chương trình, dự án”(8). Đại hội X xác định: “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức. Tranh thủ cơ hội thuận lợi do bối cảnh quốc tế tạo ra và tiềm năng, lợi thế của nước ta để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa gắn với phát triển kinh tế tri thức,…(9) đến Đại hội XI, quan niệm về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức đã có thêm bước phát triển mới, đó là “đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức, bảo vệ tài nguyên, môi trường”(10). Bởi công nghiệp hóa, hiện đại hóa sẽ không thể thực hiện được, nếu như không dựa vào môi trường, vào tài nguyên thiên nhiên. Bất kể giai đoạn nào cũng vậy, dù trình độ phát triển của con người có cao đến mức nào, khoa học công nghệ có phát triển vượt bậc đến đâu, con người cũng không thể tồn tại được nếu không có mối quan hệ ràng buộc với điều kiện tự nhiên, với môi trường, mà thậm chí, con người càng cần phải thắt chặt hơn sự liên hệ của mình với môi trường. Tùy theo mức độ, trình độ, ý thức của con người, những tác động của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến môi trường sẽ khác nhau. Một điểm mới nữa của Đại hội XI so với Đại hội X là đưa thêm nội dung: “Chú trọng phát triển kinh tế xanh, thân thiện với môi trường. Thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững; từng bước phát triển năng lượng sạch, sản xuất sạch, tiêu dùng sạch”(11). “gắn kết chặt chẽ phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường…”(12)
Quan điểm chỉ đạo của Đại hội XI là: “Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và của mọi công dân. Kết hợp chặt chẽ giữa kiểm soát, ngăn ngừa, khắc phục ô nhiễm với khôi phục và bảo vệ môi trường sinh thái. Phát triển năng lượng sạch, sản xuất sạch, tiêu dùng sạch. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, dự báo và ứng phó với sự biến đổi khí hậu, các thảm họa thiên nhiên. Tăng cường quản lý, bảo vệ và sử dụng hợp lý, có hiệu quả tài nguyên quốc gia”(13).
Đại hội XI của Đảng yêu cầu, cần: “Phát triển năng lượng sạch, sản xuất sạch và tiêu dùng sạch. Coi trọng nghiên cứu, dự báo và thực hiện các giải pháp ứng phó với quá trình biến đổi khí hậu và thảm họa thiên nhiên”(14). Trong những năm tiếp theo, để bảo vệ và cải thiện môi trường sống của người dân thì “thực hiện nghiêm ngặt lộ trình xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường”(15) là việc làm cần thiết và quan trọng của công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, đặc biệt là “quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả tài nguyên đất, nước, khoáng sản và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác”(16).
Thực hiện tốt những nội dung trên trong những năm tới, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 là: “Cải thiện chất lượng môi trường. Đến năm 2020, tỷ lệ che phủ rừng đạt 45%. Hầu hết dân cư thành thị và nông thôn được sử dụng nước sạch và hợp vệ sinh… Cải thiện và phục hồi môi trường các khu vực bị ô nhiễm nặng. Hạn chế tác hại của thiên tai; chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, nhất là nước biển dâng”(17).
Nghị quyết số 24- NQ/TW ngày 3-6-2013 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) “về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường” khẳng định, bảo vệ môi trường là vấn đề mang tính toàn cầu, vừa là mục tiêu, vừa là nội dung cơ bản của sự phát triển bền vững, đầu tư cho bảo vệ môi trường là đầu tư cho phát triển bền vững.
Tại Đại hội XII của Đảng đánh giá: “Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu tiếp tục được hoàn thiện. Công tác kiểm tra, thanh tra việc thực thi và xử lý vi phạm được chú trọng… Nhiều dự án ứng phó với biến đổi khí hậu kết hợp phòng, chống thiên tai được triển khai, tranh thủ được sự hợp tác, hỗ trợ của nhiều đối tác”(18). Đây là những kết quả thiết thực, đáng khích lệ trong công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường, nhất là trong bối cảnh ô nhiễm môi trường đang đặc biệt nghiêm trọng như hiện nay.
Về hạn chế, yếu kém, Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “Quản lý nhà nước về tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu nhiều mặt còn hạn chế; pháp luật, chính sách thiếu đồng bộ; thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm chưa nghiêm… Tình trạng ô nhiễm môi trường chậm được cải thiện; ô nhiễm môi trường ở nhiều nơi còn nghiêm trọng, nhất là tại một số làng nghề, lưu vực sông; xử lý vi phạm môi trường chưa nghiêm… Việc khắc phục hậu quả về ô nhiễm môi trường do chiến tranh để lại còn nhiều khó khăn”(19). Từ việc đánh giá thành tựu, hạn chế trong công tác bảo vệ môi trường, Đại hội XII của Đảng đề ra phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm tới là: “Phát triển hài hòa giữa chiều rộng và chiều sâu, chú trọng phát triển chiều sâu; phát triển kinh tế tri thức, kinh tế xanh. Phát triển kinh tế phải gắn kết chặt chẽ với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu”(20). Mục tiêu tổng quát cho phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường trong thời gian tới là “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường”(21). Từ mục tiêu đó, Đảng ta đặc biệt nhấn mạnh đến phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường biển. “Đẩy nhanh điều tra cơ bản về tài nguyên, môi trường biển, đảo. Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong việc khai thác hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên biển”(22). Trước thực trạng môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống nhân dân, để bảo vệ môi trường hiệu quả, Đại hội XII chỉ rõ: “Ưu tiên đầu tư các dự án hạ tầng đáp ứng yêu cầu ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Từng bước hình thành hệ thống đô thị có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, xanh, thân thiện với môi trường, nhất là các đô thị lớn”(23). “Khai thác, sử dụng khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường, hạn chế tối đa xuất khẩu nguyên liệu thô... Khai thác và sử dụng bền vững nguồn nước; chủ động hợp tác quốc tế trong việc bảo vệ và sử dụng nguồn nước xuyên quốc gia”(24).
Như vậy, quan điểm, chủ trương của Đại hội XII về vấn đề bảo vệ tài nguyên, môi trường là sự kế thừa và phát triển quan điểm bảo vệ môi trường của Đảng qua các thời kỳ. Có thể nói, Đại hội XII của Đảng đã giành nhiều thời lượng để bàn về vấn đề môi trường. Đảng xác định mục tiêu bảo vệ môi trường là mục tiêu hết sức quan trọng, đặt ngang bằng với những mục tiêu về kinh tế, văn hóa, giáo dục, quốc phòng - an ninh.
Kết luận 02-KL/TW (ngày 26-4-2016) của Ban Bí thư “Về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhấn mạnh: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác bảo vệ môi trường. Làm rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường kéo dài. Thực hiện giao chỉ tiêu, đánh giá, xếp hạng công tác bảo vệ môi trường đối với các ngành, địa phương(25). Tại Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã thông qua Nghị quyết 36/NQ-TW (ngày 22-10-2018) về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; trong đó, xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2030: “Đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hoá sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng. Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển”(26). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng đề cập đến nội dung này một cách tổng thể, trong đó chú ý phát triển kinh tế biển gắn với an ninh - quốc phòng, phát triển kinh tế gắn với môi trường và phòng, chống thiên tai; phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế và đô thị ven biển. Trong 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 có định hướng thứ sáu đề cập đến vấn đề này: “Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”(27).
Chú thích và tài liệu tham khảo:
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb.Chính trị quốc gia, H., 1986, tr.76.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb.Chính trị quốc gia, H., 1996, tr. 85.
(3), (4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX. Nxb.Chính trị quốc gia, H., 2001, tr.162, tr.163-164.
(5), (6), (9) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X. Nxb.Chính trị quốc gia, H., 2006, tr.190, tr.76, tr.87.
(7), (8), (10), (11), (12), (13), (14), (15), (16), (17): Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb.Chính trị quốc gia-Sự thật, H., 2011, tr.93; tr.136; tr.72; tr. 136-137, tr.38; tr.42-43; tr.78; tr.136, tr.136, tr.106.
(18) (19), (20), (21), (22) (23), (24): Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia-Sự thật, H., 2016, tr.240-242, tr.258, tr.270, tr.271, tr.289, tr.294-295, tr.305.
(25) Đảng Cộng sản Việt Nam: Kết luận số 02-KL/TW ngày 26/4/2016 của Ban Bí thư về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, H., 2016, tr.2.
(26) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ Tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Nxb.Chính trị quốc gia, H., 2018, tr. 84.
(27) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia-Sự thật, H., 2021, t.II, tr.330-331.
Ngọc Cảnh