Câu hỏi: Xin cho biết quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về đại đoàn kết toàn dân tộc?
Trả lời
Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu, là cội nguồn sức mạnh của dân tộc Việt Nam. Để thực hiện thành công sự nghiệp cách mạng Việt Nam, một trong những vấn đề cơ bản, nhất quán và xuyên suốt của Đảng là tăng cường phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Điều này luôn được thể hiện, bổ sung, phát triển và hoàn thiện qua các kỳ đại hội của Đảng. Trong quá trình đổi mới, tư duy, nhận thức của Đảng về đại đoàn kết dân tộc đã có những phát triển mới với tư tưởng bao trùm là “lấy dân làm gốc”.
Từ năm 1986 đến nay, Đảng ta đã có nhiều nghị quyết nhằm tăng cường, củng cố, mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc trong tình hình mới, tiêu biểu là: Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng đã nêu lên bốn bài học kinh nghiệm lớn, trong đó bài học thứ nhất là: “Trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động”(1). Thực hiện Nghị quyết Đại hội VI, Hội nghị Trung ương 8 của Đảng đã ra Nghị quyết số 8B (ngày 27-3-1990) về đổi mới công tác quần chúng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân, nhấn mạnh quan điểm “cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”. Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị (khóa VII) ngày 17-11-1993 về “Đại đoàn kết toàn dân tộc và tăng cường Mặt trận dân tộc thống nhất” với mục tiêu phát huy truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết mọi người Việt Nam tán thành công cuộc đổi mới, nhằm mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, phấn đấu sớm thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, tiến lên dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.
Với những nhận thức ngày càng rõ hơn, sâu sắc hơn về vị trí, vai trò của các tầng lớp nhân dân trong sự nghiệp đổi mới và xây dựng chủ nghĩa xã hội, trong đó có tầng lớp trí thức, trong Cương lĩnh năm 1991, Đảng ta khẳng định rằng, liên minh công - nông - trí thức là nền tảng của khối đại đoàn kết dân tộc. Đến Đại hội VIII, Đảng ta chỉ rõ: “Chính những ý kiến nguyện vọng và sáng kiến của nhân dân là nguồn gốc hình thành đường lối đổi mới của Đảng. Cũng do nhân dân hưởng ứng đường lối đổi mới, dũng cảm phấn đấu vượt qua biết bao khó khăn, thử thách mà công cuộc đổi mới đạt được những thành tựu hôm nay”(2). Để phát huy hơn nữa vai trò của nhân dân trong công cuộc đổi mới, Đảng ta chủ trương làm sao phải thực hiện dân chủ được rộng rãi, thực chất thì nhân dân sẽ phát huy hết mọi sáng kiến năng lực của mình vào xây dựng đất nước. Vì thế, đến Đại hội IX, Đảng ta bổ sung thêm cụm từ “dân chủ” vào trong đường lối “xây dựng một xã hội dân giàu, nước mạnh xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Văn kiện Đại hội IX nêu: “Động lực chủ yếu để phát triển đất nước là đại đoàn kết toàn dân trên cơ sở liên minh giữa công nhân với nông dân và trí thức do Đảng lãnh đạo, kết hợp hài hoà các lợi ích cá nhân, tập thể và xã hội, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực của các thành phần kinh tế, của toàn xã hội”(3). Đánh giá quá trình đổi mới, Đại hội IX khẳng định: “Đổi mới phải dựa vào nhân dân, vì lợi ích của nhân dân, phù hợp với thực tiễn, luôn luôn sáng tạo”(4). Đồng thời nhấn mạnh: “Động lực chủ yếu để phát triển đất nước là đại đoàn kết toàn dân trên cơ sở liên minh giữa công nhân với nông dân và trí thức do Đảng lãnh đạo”(5). Đến Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX) Đảng ban hành Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 12-3-2003 về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Kế thừa tư duy nhận thức về vị trí tầm quan trọng của vấn đề đại đoàn kết dân tộc của các nghị quyết đại hội và hội nghị Trung ương trước đó, Đại hội X coi đại đoàn kết dân tộc là một trong bốn thành tố của chủ đề Đại hội và nhấn mạnh: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là động lực chủ yếu, là nguồn sức mạnh, là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(6). Cũng tại Đại hội X, Đảng ta đã chỉ rõ điểm tương đồng để gắn bó đồng bào các dân tộc, các tôn giáo, các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài là mục tiêu giữ vững độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Với tinh thần đó, Đảng chủ trương đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân, xoá bỏ mọi mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử về quá khứ, thành phần giai cấp; tôn trọng những ý kiến khác nhau không trái với lợi ích của dân tộc; đề cao truyền thống nhân nghĩa, khoan dung; xây dựng quan hệ hữu nghị và hợp tác trên tinh thần cởi mở, tin cậy lẫn nhau vì sự ổn định và phát triển của đất nước về các phương diện kinh tế, chính trị, văn hoá và xã hội, hướng tới tương lai tươi sáng của dân tộc(7). Đây thực sự là một quan điểm rất mới, thành quả của quá trình đổi mới tư duy lý luận của Đảng ta: thay thuật ngữ “đại đoàn kết toàn dân” bằng thuật ngữ “đại đoàn kết toàn dân tộc” với nội hàm đầy đủ hơn, toàn diện hơn.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI khẳng định lại nội dung của điểm tương đồng đã được nêu trên và bổ sung “đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung… để tập hợp đoàn kết mọi người vào mặt trận chung, tăng cường đồng thuận xã hội”(8). Nghị quyết Đại hội XII của Đảng khẳng định: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo”(9); và nền tảng bảo đảm cho đoàn kết toàn dân luôn bền vững là: “lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” làm điểm tương đồng; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia, dân tộc...”(10).
Qua các giai đoạn cách mạng, khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức được mở rộng hơn, là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị - xã hội của đất nước. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là thành tố thứ hai của chủ đề Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại”(11). Đại hội XIII của Đảng đã đề ra những quan điểm, chủ trương toàn diện về xây dựng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc: “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân”(12); “Mọi hoạt động của hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải phục vụ lợi ích của nhân dân. Giải quyết hài hoà các quan hệ lợi ích trong xã hội; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”(13). Trong quan hệ dân tộc, Đảng xác định rõ “bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển”(14), đồng thời “nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc”(15). Trong quan hệ tôn giáo, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh phải “vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống “tốt đời đẹp đạo”, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(16). Đối với người Việt Nam ở nước ngoài, Đảng ta khẳng định: đây là một bộ phận không thể tách rời của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phải “làm tốt công tác thông tin tình hình trong nước, giúp đồng bào hướng về Tổ quốc, nhận thức và hành động phù hợp với lợi ích quốc gia - dân tộc, có chính sách thu hút nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(17).
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(18). Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, của sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam./.
Chú thích và tài liệu tham khảo
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Sự thật, H., 1987, tr.29.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, H., 1996, tr.73.
(3), (4), (5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, H., 2001, tr.23; 81; 86.
(6), (7) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H., 2006, tr.116; 41.
(8) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H., 2011, tr.48.
(9), (10) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H., 2016, tr.158; 158.
(11), (12), (13), (14), (15), (16), (17), (18) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H., 2021, t.I, tr.14; 165; 165-166; 170; 170-171; 171; 171-172; 25.
Ngọc Cảnh