Sau 35 năm đổi mới, từ lúc chưa được thừa nhận, bị hạn chế phát triển, đến nay kinh tế tư nhân ở nước ta đã có những thay đổi đáng kể, với việc từng bước được “cởi trói” và dần trở thành một thành phần không thể thiếu trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Kinh tế tư nhân đã chính thức được khuyến khích phát triển với nhiều giải pháp quan trọng. Sau đó, qua các kỳ Đại hội toàn quốc của Đảng, vai trò của kinh tế tư nhân đối với nền kinh tế quốc dân tiếp tục được khẳng định và nhấn mạnh. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII tiếp tục nhấn mạnh: Kinh tế tư nhân được khuyến khích phát triển ở tất cả ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm, được hỗ trợ phát triển thành các công ty, tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có sức cạnh tranh cao. Khuyến khích doanh nghiệp tư nhân hợp tác, liên kết với doanh nghiệp nhà nước, hợp tác xã, kinh tế hộ; phát triển các công ty cổ phần có sự tham gia rộng rãi của các chủ thể xã hội, nhất là người lao động”.
Thành phần kinh tế tư nhân ra đời trên cơ sở chế độ sở hữu tư nhân, hay chế độ tư hữu (sở hữu cá thể, tiểu chủ và sở hữu tư bản tư nhân) và bao gồm: thành phần kinh tế cá thể, tiểu chủ và kinh tế tư bản tư nhân. Sự khác nhau về bản chất quan hệ sản xuất thể hiện ở mấu chốt là kinh tế cá thể và tiểu chủ dựu trên sở hữu tư nhân nhỏ của những người sản xuất hàng hóa nhỏ; còn kinh tế tư bản tư nhân dựa trên sỡ hữu tư nhân, nhưng là sở hữu tư nhân lớn tư bản chủ nghĩa của giai cấp tư sản.
Từ khi thực hiện công cuộc đổi mới kinh tế, thì kinh tế tư nhân được thừa nhận và khuyến khích phát triển; coi đó là “Vấn đề chiến lược lâu dài” trong suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đến nay, kinh tế tư nhân đã phát triển và trở thành lực lượng kinh tế lớn mạnh, đóng vai trò là động lực quan trọng của nền kinh tế, góp phần vào công cuộc đổi mới, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Việc thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, khuyến khích các chủ thể kinh tế tư nhân làm giàu hợp pháp và góp phần làm giàu cho xã hội là cách thức quan trọng giải phóng sức sản xuất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Kinh tế tư nhân đã góp phần huy động các nguồn lực (vốn, nhân công, khoa học - công nghệ) vào sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đóng góp ngày càng nhiều vào ngân sách nhà nước. Đồng thời, tạo môi trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN và góp phần đẩy nhanh tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
Sự phát triển của kinh tế tư nhân thúc đẩy đổi mới doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác và đổi mới quản lý nhà nước; tạo ra đội ngũ doanh nhân năng động, có khả năng thích ứng nhanh với cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Ưu thế nổi bật của kinh tế tư nhân trong giải quyết việc làm là có thể thu hút được lực lượng lao động đa dạng: từ lao động có trình độ cao đến lao động giản đơn; mức đầu tư cho một chỗ làm việc thấp hơn so với các thành phần kinh tế khác. Vì vậy, nó có sức vươn lên mạnh mẽ, đóng góp nhiều vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Song, không vì thế mà chúng ta đề cao quá mức thành phần kinh tế tư nhân xem nhẹ sự đóng góp của các thành phần kinh tế khác trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay. Phải khẳng định rằng kinh tế tư nhân là ''động lực quan trọng'' của nền kinh tế và thành phần kinh tế nhà nước giữ''vai trò chủ đạo'' cho dù kinh tế tư nhân có đóng góp tương đối cao trong GDP. Nhưng hiện nay vẫn còn có tới 98% doanh nghiệp thuộc kinh tế tư nhân có quy mô vừa và nhỏ; trong đó, doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ (sử dụng dưới 5 lao động và vốn kinh doanh dưới 10 tỷ đồng) chiếm tỷ trọng đáng kể (96%). Tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân lớn trong số doanh nghiệp Việt Nam còn rất thấp, so với quy mô của các doanh nghiệp tư nhân nước ngoài thì còn rất nhỏ bé.
Đảng ta đã xác định xây dựng và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thì việc khẳng định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo cùng với kinh tế tập thể trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân. là định hướng chính trị hoàn toàn phù hợp với lý luận của chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta tồn tại thành phần kinh tế tư nhân là hoàn toàn phù hợp với quy luật khách quan. Kinh tế tư nhân phải chịu sự quản lý, điều tiết của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, góp phần quan trọng trong quá trình xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Để kinh tế tư nhân trở thành động lực của nền kinh tế, Nhà nước ta cần tiếp tục hoàn thiện thể chế cũng như tổ chức thực hiện trong thực tiễn để thành phần kinh tế tư nhân thật sự phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của mình. Đầu tư cho kinh tế tư nhân phát triển không phải là mục tiêu đạt tới mà là phương tiện để phát triển kinh tế - xã hội và con người góp phần xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Các thế lực thù địch cố tình xuyên tạc quan điểm đường lối chính sách của Đảng và nhà nước ta về kinh tế tư nhân là thông qua kinh tế để chuyển hóa về chính trị Việt Nam. Do vậy mỗi cán bộ Đảng viên và quần chúng nhân dân cần phải có lập trường tư tưởng nhất quán và xuyên suốt trong tư tưởng và hành động để không bị tác động bởi những luận điệu xuyên tạc của kẻ địch./.
Quốc Hùng