Hỏi: Xin cho biết quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên từ Đại hội VI đến Đại hội XIII?
Trả lời:
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (năm 1986), Đảng ta nhận thức rõ sự suy thoái về đạo đức trong cán bộ, đảng viên với mức độ và tính chất ngày càng phức tạp và nguy hại có ảnh hưởng đến Đảng cầm quyền: “Vấn đề đạo đức xã hội đang được đặt ra một cách cấp bách”1. Tại Hội nghị bất thường Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII, ngày 02/3/1995, Đảng ta thẳng thắn chỉ rõ: “Ban Chấp hành Trung ương khóa VII cơ bản là tốt song cũng còn người cơ hội về kinh tế, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí ở nhiều ngành, nhiều địa phương, đây là một nguy cơ cho Đảng, nhân dân không đồng tình và để kẻ thù lợi dụng khoét sâu thêm mâu thuẫn nội bộ”2.
Nghị quyết số 03-NQ/HNTW ngày 18/6/1997 của Hội nghị Trung ương 3 khoá VIII về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tiếp tục xây dựng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh đã thẳng thắn nhìn nhận những yếu kém của đội ngũ cán bộ: “Một bộ phận cán bộ thoái hóa biến chất về đạo đức, lối sống, lợi dụng chức quyền để tham nhũng, buôn lậu, làm giàu bất chính, lãng phí của công; quan liêu, ức hiếp dân, gia trưởng độc đoán; có tham vọng cá nhân, cục bộ, kèn cựa địa vị, cơ hội, kém ý thức tổ chức kỷ luật, phát ngôn và làm việc tùy tiện, gây mất đoàn kết nội bộ nghiêm trọng.
Đáng chú ý là những biểu hiện tiêu cực này đang có chiều hướng phát triển, làm xói mòn bản chất cách mạng của đội ngũ cán bộ, làm suy giảm uy tín của Đảng, suy giảm niềm tin của nhân dân đối với chế độ”3.
Trước tình hình đó, Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 02/02/1999, về “Một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”, trong đó yêu cầu: “Cán bộ, đảng viên phải tự giác rèn luyện đạo đức, lối sống cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư; gương mẫu giữ gìn phẩm chất người chiến sĩ cộng sản, đề cao tinh thần đoàn kết, chống chủ nghĩa cá nhân; chấp hành nghiêm Điều lệ Đảng, pháp luật Nhà nước; đồng thời, chú ý giáo dục, thuyết phục gia đình cùng thực hiện”4.
Các kỳ đại hội đã thể hiện quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân và hệ thống chính trị, song nhìn chung vấn đề xây dựng đạo đức của cán bộ, đảng viên vẫn diễn biến phức tạp. Chính vì vậy, trong nhiệm kỳ khóa XI, Đảng ta dành trọn vẹn Nghị quyết Trung ương 4 để quán triệt sâu sắc vấn đề này. Hội nghị Trung ương 4 khóa XI đã thẳng thắn thừa nhận: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc”5.
Đặc biệt, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, Trung ương đã chỉ rõ 27 biểu hiện suy thoái thuộc 3 nhóm tư tưởng: chính trị; đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Trong đó, có những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống cần phải phê phán, loại bỏ như ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, gây mất đoàn kết nội bộ; đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức; cục bộ, bè phái, kèn cựa địa vị, tranh chức, tranh quyền, độc đoán, gia trưởng... trong chỉ đạo, điều hành.
Từ thực trạng đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên, Đảng ta tiếp tục khẳng định các chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên đã được xây dựng và thực hiện trong các giai đoạn trước đó như: tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng; hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; gắn bó mật thiết với nhân dân; cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân... Đồng thời, Đảng ta tiếp tục bổ sung, hoàn thiện những chuẩn mực đạo đức mới, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong tình hình mới.
Đại hội IX của Đảng (năm 2001) khẳng định: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là cán bộ lãnh đạo và quản lý ở các cấp, vững vàng về chính trị, gương mẫu về đạo đức, trong sạch về lối sống, có trí tuệ, kiến thức và năng lực hoạt động thực tiễn, sáng tạo, gắn bó với nhân dân”6; “Cán bộ, đảng viên ở bất cứ cương vị nào đều phải chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh, điều lệ, nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Thi hành kỷ luật nghiêm khắc mọi vi phạm về nguyên tắc, nhất là đối với những vấn đề về quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng”7.
Nghị quyết Đại hội X của Đảng (năm 2006) nhấn mạnh các yêu cầu cụ thể về tư tưởng chính trị, trình độ năng lực, đặc biệt là phẩm chất đạo đức, lối sống: “có tinh thần trách nhiệm cao, gương mẫu, đi đầu trong công tác; xử lý hài hòa các lợi ích, đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc lên trên hết. Liên hệ mật thiết với nhân dân, tôn trọng và bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân. Có lối sống trong sạch, lành mạnh, có kỷ cương, kỷ luật. Không quan liêu, tham nhũng, lãng phí và kiên quyết đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các tiêu cực khác”8.
Đến Đại hội XI (năm 2011), Đảng ta ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định như: Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; Quy định số 101-QÐ/TW ngày 07/6/2012 về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII (năm 2016), lần đầu tiên trong Văn kiện Đảng đã đánh giá nội dung công tác xây dựng Đảng về đạo đức: “Coi trọng rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân trong cán bộ, đảng viên”9. Đặc biệt, tại Đại hội lần này, Đảng đã đặt nhiệm vụ xây dựng Đảng về đạo đức ngang với nhiệm vụ xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đồng thời cũng đặt ra yêu cầu: “Hoàn thiện và thực hiện nghiêm túc quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và bí thư cấp ủy các cấp”10.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, ngày 15/5/2016, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Bên cạnh đó, các quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên - với tư cách là những hình thức biểu hiện của chuẩn mực đạo đức cách mạng đã được Đảng ta ban hành như: Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.
Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (năm 2021), Đảng đã bổ sung, nhấn mạnh tầm quan trọng và đặt lên hàng đầu vấn đề: “Nêu cao tinh thần tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên”11. Đồng thời yêu cầu: “Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các giá trị đạo đức cách mạng theo tinh thần “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” cho phù hợp với điều kiện mới và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Xây dựng các chuẩn mực đạo đức làm cơ sở cho cán bộ, đảng viên tự điều chỉnh hành vi ứng xử trong công việc hằng ngày”12.
Sau Đại hội XIII của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị ban hành nhiều nghị quyết, kết luận, chỉ thị, quy định về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó đặc biệt là: Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh””; Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về “Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá””; Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương ban hành về những điều đảng viên không được làm; Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về “Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới”.
Có thể nói, những Chỉ thị, Quy định, Nghị quyết, Kết luận trên cho thấy tầm quan trọng đặc biệt của công tác xây dựng Đảng về đạo đức nói chung, cũng như sự cần thiết xây dựng chuẩn mực đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.
--------
Chú thích:
(1) (2) (3) (4) (6) (7) (8): Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.47, tr.461; t.54, tr.246; t.56, tr.333- 334; t.58, tr.60; t.60, tr.155; t.60, tr.223; t.65, tr.350.
(5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2012, tr.22.
(9) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2016, tr.187
(10) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Sđd, tr.37.
(11) (12): Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập I, tr.183; tr.184
Hải Hà