1. Về vai trò, ý nghĩa của công tác phòng, chống tham ô, lãng phí
Theo Hồ Chí Minh, chống tham nhũng là cách mạng, là chống lại những “ung nhọt”, “nọc xấu” của chế độ thực dân phong kiến còn rơi rớt lại trong xã hội mới và ngấm ngầm ngăn trở, phá hoại sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Muốn xây dựng một xã hội mới, một xã hội tự do, bình đẳng, một xã hội cần, kiệm, liêm, chính, thì chúng ta phải tẩy cho sạch hết những thói xấu của xã hội cũ. Đồng thời, chống lại thói kiêu ngạo, xa xỉ, chủ nghĩa cá nhân, tham nhũng, lãng phí, quan liêu của một số “quan cách mạng” đã từng hăng hái, trung thành, không sợ nguy hiểm, không sợ cực khổ trong đấu tranh nhưng khi có quyền lực trong tay thì tha hóa, trở thành người hại dân, hại nước, có tội với cách mạng.
Chống tham nhũng là dân chủ, phải dựa vào lực lượng quần chúng mới chắc chắn thành công. Cũng như mọi việc khác, việc chống tham nhũng cũng phải động viên quần chúng, làm cho quần chúng hiểu rõ, làm cho quần chúng hăng hái tham gia. Quần chúng tham gia càng đông, thành công càng đầy đủ, mau chóng. Nếu nhân dân đồng tâm hiệp lực, đoàn kết thống nhất trong đấu tranh chống tham nhũng thì sẽ góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thông qua đó sẽ giúp cán bộ cải tạo tư tưởng, nâng cao giác ngộ, thấm nhuần đạo đức cách mạng, tận tâm, tận lực phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, cách mạng mau đi tới thắng lợi. Ở chiều ngược lại, thực hiện tốt cuộc đấu tranh chống tham nhũng sẽ giúp chính quyền trở nên trong sạch hơn, xứng đáng với lòng tin tưởng và sự hy sinh của chiến sĩ và đồng bào, tạo niềm tin cho nhân dân yên tâm, phấn khởi lao động sản xuất và tiết kiệm đóng góp vào sự nghiệp kháng chiến kiến quốc, giải phóng dân tộc, đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
2. Về các biện pháp phòng, chống tham ô, lãng phí
Theo Hồ Chí Minh, vấn đề quan trọng hàng đầu là phải nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và tính kỷ luật.. Người cho rằng trước hết phải đánh thông tư tưởng, giải thích cho mọi người đều hiểu: tham ô, lãng phí, quan liêu có hại cho dân cho nước thế nào? Vì sao phải chống những nạn ấy”. Hồ Chí Minh cho rằng, thói quen và truyền thống lạc hậu, tàn dư tư tưởng thủ cựu, lỗi thời là một trong những nguyên nhân dẫn tới tệ tham nhũng, ngấm ngầm ngăn trở cách mạng tiến bộ. Trong cuộc sống hàng ngày, những hiện tượng tốt, xấu, đúng, sai, có đạo đức và vô đạo đức vẫn tồn tại, đan xen nhau, đối chọi nhau. Vì vậy, muốn xây phải gắn liền với chống, chống nhằm mục tiêu xây nhưng lấy xây làm chính. Xây dựng đạo đức mới trước hết phải được tiến hành bằng việc giáo dục những phẩm chất, những chuẩn mực đạo đức mới, bằng việc nêu gương người tốt, việc tốt; những tấm gương đạo đức trong sáng xuất hiện trong cuộc sống và bằng việc khơi dậy ý thức đạo đức lành mạnh, để mỗi người tự giác với trách nhiệm, nghĩa vụ của mình.
Chú trọng công tác cán bộ, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý, từ việc tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng đến bố trí, sử dụng cán bộ. Trong đó, tiêu chuẩn về đạo đức cách mạng là quan trọng nhất. Tuy nhiên, người cán bộ chỉ có đạo đức trong sáng cùng lòng nhiệt tình, hăng hái sẵn sàng hy sinh thôi thì chưa đủ, mà còn phải có năng lực, trí tuệ, biết nhận thức và vận dụng đúng đắn những quy luật của tự nhiên và xã hội vào hoạt động thực tiễn của mình. Phải có năng lực lãnh đạo, quản lý - khả năng tổ chức động viên quần chúng thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hồ Chí Minh yêu cầu người cán bộ phải có phong cách làm việc dân chủ, tập thể. Đây là đặc trưng phản ánh nguyên tắc lãnh đạo của Đảng. Người cán bộ cần luôn gắn với tổ chức đảng và có trọng trách trong tập thể lãnh đạo. Cán bộ phải có tính quyết đoán và tinh thần trách nhiệm cao.
Công khai, dân chủ, khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh để tạo dựng được khối đoàn kết trong cơ quan, đơn vị, tạo môi trường tốt để phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi nạn tham nhũng. Nếu tất cả cán bộ, đảng viên đều thực sự làm việc dưới sự giám sát chặt chẽ của nhân dân, làm việc với động cơ đúng đắn thì sẽ đẩy lùi được chủ nghĩa cá nhân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc nhở cán bộ và nhân dân ta muốn chống tham ô, lãng phí thì phải thực hiện tự phê bình và phê bình thường xuyên, như việc rửa mặt hàng ngày để sớm phát hiện những hành vi tham ô, tư lợi, đi ngược lại với mục tiêu, lý tưởng của Đảng và lợi ích của nhân dân. Trong quá trình tự phê bình và phê bình phải thành thật, không được “giấu bệnh, sợ thuốc”, phải kiên quyết, không nể nang, phải dựa vào sự thực, phải đào tận gốc rễ những khuyết điểm. Không nên thoa vẽ, che giấu. Không nên “ít thít ra nhiều”, nói việc nhỏ bỏ việc lớn, nói việc cũ quên việc mới. Đồng thời, phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau, thấm nhuần những chuẩn mực của văn hóa ứng xử giữa con người với con người, giữa những người đồng chí cùng nhau phấn đấu cho mục tiêu, lý tưởng của Đảng.
Một vấn đề quan trọng là phải xây dựng cơ chế chống tham ô, lãng phí hiệu quả. Ngay từ những ngày đầu lãnh đạo chính quyền và trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang diễn ra ác liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành nhiều sắc lệnh, quan tâm xây dựng và phát triển Nhà nước cách mạng Việt Nam, thành lập một tổ chức chuyên trách đặc biệt chống tham ô, lãng phí. Ngày 26 /1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Quốc lệnh quy định cụ thể 10 điều thưởng – nên làm và 10 điều phạt – nên tránh, trong đó điều phạt thứ 8 là: Trộm cắp của công sẽ bị xử tử. Trả lời phỏng vấn Quốc hội khóa I trong phiên họp ngày 30/10/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định sẽ dùng pháp luật mà trị những kẻ ăn hối lộ - đã trị, đương trị và sẽ trị cho kỳ hết. Ngày 23/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 64 - SL thành lập Ban Thanh tra đặc biệt, quy định về thành lập Tòa án đặc biệt. Đến ngày 18 -12 -1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại ký Sắc lệnh số 138B-SL về tổ chức Thanh tra Chính phủ quy định rõ thêm chức năng thanh tra cả Ủy ban Kháng chiến - Hành chính và viên chức về phương diện liêm khiết.
Đồng thời, theo Hồ Chí Minh, cần tăng cường kiểm tra, giám sát vì đây là “ngọn đèn pha” giúp người lãnh đạo thấy rõ tình hình, ưu điểm và khuyết điểm của cán bộ. theo Người, kiểm tra, giám sát là công việc thường xuyên, hàng ngày nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm để xem xét các vấn đề phát sinh, phát hiện ưu điểm mà phát huy, khuyết điểm mà khắc phục, sửa chữa; kiên quyết xử lý những cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật của Đảng. Mỗi cá nhân, mỗi tổ chức phải biết tự kiểm tra, tự kiểm soát hành vi, công việc của chính mình thông qua tự phê bình và phê bình, chức vụ càng cao càng phải thành khẩn tự phê bình và làm gương, nêu gương cho cấp dưới, không để “thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Phải “khéo kiểm tra” và kiểm tra phải “khéo”, hợp linh hoạt các phương pháp và hình thức kiểm tra, kiểm tra. Trong đó, Hồ Chí Minh đề cao kiểm tra thường xuyên và kiểm tra trực tiếp, các bộ, ban, ngành ở Trung ương cần phải thường xuyên đi kiểm tra và giải quyết các công việc tại chỗ, chống “bệnh” giấy tờ, hội họp nhiều./.
H.T.H