* Quan điểm sai trái, thù địch
Một là, các thế lực thù địch đã ra sức xuyên tạc nguồn gốc, bản chất, nội dung, giá trị khoa học và cách mạng của tư tưởng Hồ Chí Minh, thậm chí còn trắng trợn cho rằng: “Tư tưởng Hồ Chí Minh đối lập với chủ nghĩa Mác-Lênin”, từ đó đi đến luận điệu xuyên tạc “chủ nghĩa Mác-Lênin là ngoại lai, bắt nguồn từ phương Tây nên không còn phù hợp với Việt Nam”.
Hai là, quy kết Hồ Chí Minh “nhập khẩu” chủ nghĩa
Mác-Lênin vào Việt Nam là “một sai lầm lịch sử”, dẫn tới “cuộc nội chiến về tư tưởng giữa tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ nghĩa Mác-Lênin” ở Việt Nam từ năm 1930 đến nay và “Đảng Cộng sản Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng tư tưởng là sai lầm”, làm cho đất nước tụt hậu, không phát triển được... Đây là thủ đoạn rất tinh vi, xảo quyệt, một sự bịa đặt, vu khống hết sức thâm độc của các thế lực thù địch và bọn cơ hội chính trị, thoái hóa, biến chất đối với cách mạng Việt Nam cần được nhận diện đầy đủ và kiên quyết đấu tranh phản bác.
* Luận cứ đấu tranh phản bác
Một là, chủ nghĩa Mác-Lênin là cơ sở chủ yếu nhất hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh đã vận dụng lập trường, quan điểm và phương pháp biện chứng của chủ nghĩa Mác-Lênin để tìm ra con đường giải phóng và phát triển của dân tộc Việt Nam, trên hành trình thực hiện khát vọng độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội. Tư tưởng Hồ Chí Minh chính là sự vận dụng sáng tạo, phát triển và làm phong phú học thuyết Mác-Lênin trong điều kiện mới của đất nước và thời đại. Vì vậy, về mặt lôgíc và về bản chất, tư tưởng Hồ Chí Minh là một thể thống nhất với chủ nghĩa Mác-Lênin, không hề đối lập với chủ nghĩa Mác-Lênin như một số người cố tình ngụy tạo, tưởng tượng ra. Do đó, không thể nhân danh đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh để đi đến tách rời, hạ thấp, phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, từ đó, tạo ra sự ngộ nhận trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, sâu xa hơn là đi đến hạ thấp vai trò, công lao vĩ đại của Hồ Chí Minh, tính cách mạng, khoa học của tư tưởng Hồ Chí Minh, gây mất niềm tin đối với cả tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ nghĩa Mác-Lênin, đi đến phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng.
Hai là, chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh luôn là một thể thống nhất, có mối quan hệ biện chứng, cấu thành nền tảng tư tưởng của Đảng và mãi là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Đảng và cách mạng Việt Nam. Bởi vậy, trong bất kỳ điều kiện và tình huống nào, “Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng”. Đây là vấn đề mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với sự ổn định và phát triển bền vững của chế độ ta, không chấp nhận và không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động./.
PV