Trả lời:
* Quan điểm sai trái, thù địch
Quan điểm sai trái, thù địch phủ nhận bản chất giai cấp công nhân của Đảng Cộng sản được thể hiện trên những phương diện chủ yếu sau:
Một là, đồng nhất bản chất giai cấp công nhân với bản chất giai cấp công nhân của Đảng, đồng nhất Đảng của giai cấp công nhân với toàn bộ giai cấp công nhân.
Hai là, cho rằng Đảng đã không còn là Đảng của giai cấp công nhân nữa mà là “Đảng của dân tộc”, “Đảng toàn dân”.
Ba là, cho rằng trong nền kinh tế tri thức, kinh tế số như hiện nay thì vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân với đội tiên phong là Đảng Cộng sản đã hết, thay vào đó là vai trò lãnh đạo, điều hành, quản lý của trí thức hoặc một lực lượng chính trị khác.
Bốn là, cho rằng địa vị kinh tế, chính trị thực tế của giai cấp công nhân ở nước ta hiện nay thấp, thậm chí là tầng lớp yếu thế không thể là giai cấp lãnh đạo cách mạng và đất nước; mặt khác, tỷ lệ đảng viên là công nhân trong Đảng rất thấp, không thể trở thành lực lượng lãnh đạo.
* Luận cứ đấu tranh phản bác
Một là, bản chất giai cấp công nhân của Đảng Cộng sản là tổng hợp các yếu tố thuộc tính, những mối liên hệ tất yếu bên trong quy định sự vận động, phát triển của Đảng, được biểu hiện ra thông qua các tính chất, cách tổ chức và hoạt động của Đảng. Sự tổng hợp tính chất của các yếu tố đó tạo nên bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam. Vì vậy, không được lẫn lộn Đảng với toàn bộ giai cấp, đồng thời không được lẫn lộn Đảng với toàn thể nhân dân và dân tộc, điều này đã được các nhà sáng lập ra Đảng Cộng sản chỉ dẫn về lý luận, V.I.Lênin khẳng định: “không được lẫn lộn đảng, tức là đội tiền phong của giai cấp công nhân, với toàn bộ giai cấp”.
Hai là, bản thân giai cấp công nhân không xây dựng được hệ tư tưởng riêng của họ, nếu chỉ có phong trào công nhân không thôi thì giai cấp công nhân chỉ đi đến chủ nghĩa công liên (tức là công đoàn). Đảng Cộng sản được tổ chức chặt chẽ, khác hẳn tổ chức của công nhân; “tổ chức của những người cách mạng phải bao gồm trước hết và chủ yếu những người lấy hoạt động cách mạng làm nghề nghiệp (chính vì vậy khi nói đến một tổ chức của những người cách mạng (...). Do đặc điểm chung ấy của các thành viên của một tổ chức như thế, mọi sự phân biệt giữa công nhân và trí thức đều phải được hoàn toàn xóa bỏ”.
Ba là, tiêu chí xác định bản chất giai cấp công nhân của Đảng đã được V.I.Lênin giải quyết về lý luận khi đưa ra các tiêu chí để xem xét, đánh giá một đảng có thực sự là đảng của giai cấp công nhân, mang bản chất giai cấp công nhân, một đảng mácxít chân chính: “Dĩ nhiên, đại bộ phận Công đảng là công nhân. Nhưng nó có thực sự là một chính đảng của công nhân hay không, điều đó không phải chỉ phụ thuộc vào chỗ đảng đó có bao gồm công nhân hay không, mà cũng còn phụ thuộc vào chỗ ai lãnh đạo nó, và ở tính chất của hành động và của sách lược chính trị của đảng đó ra sao nữa. Chỉ có những yếu tố nói sau mới làm cho chúng ta thấy là đảng đó có phải là một chính đảng thực sự của giai cấp vô sản hay không”. Do đó, số lượng công nhân trong đảng ít hay nhiều không phải là tiêu chí quyết định nhất tới bản chất giai cấp công nhân của Đảng.
Bốn là, tại Đại hội II của Đảng Cộng sản Việt Nam (2-1951) diễn đạt về Đảng là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động (và từ Đại hội X đến nay, Đảng ta trở lại với cách diễn đạt trên). Đồng thời, Đảng ta vẫn khẳng định bản chất giai cấp công nhân của Đảng: “Nhưng về thực chất, nó vẫn là một chính đảng cách mạng của giai cấp công nhân Việt Nam. Vì nó có đủ những điều kiện cốt yếu của một đảng như thế:
1- Lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng tư tưởng.
2- Lấy dân chủ tập trung làm nguyên tắc tổ chức.
3- Lấy phê bình và tự phê bình làm quy luật phát triển v.v..
Một đảng có những điều kiện cốt yếu về nền tảng tư tưởng, nguyên tắc tổ chức và quy luật phát triển như trên, thì thực tế là chính đảng cách mạng kiểu mới của giai cấp công nhân”. Đó là những chỉ dẫn lý luận và những luận cứ thực tiễn cơ bản để đấu tranh, điều chỉnh những nhận thức lệch lạc, sai trái về bản chất giai cấp công nhân của Đảng trong giai đoạn hiện nay./.
PV