* Quan điểm sai trái, thù địch
Quan điểm sai trái, thù địch về chủ quyền biển, đảo Việt Nam tập trung vào những vấn đề chủ yếu sau:
Một là, quan điểm cho rằng, Việt Nam đã sử dụng vũ lực trái phép để chiếm đoạt các đảo và đá của Trường Sa, vốn thuộc Trung Quốc.
Hai là, quan điểm cho rằng, “lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội Việt Nam quá nhu nhược, hèn yếu không có những động thái kiên quyết để bảo vệ chủ quyền biển, đảo”.
Ba là, quan điểm cho rằng, Việt Nam không đánh nhau thì mất biển, mất đảo, thế nước lâm nguy; kêu gọi quân đội “đáp trả bằng vũ lực” với các hành động của các nước khác.
Bốn là, quan điểm cổ xúy, lôi kéo Việt Nam tham gia các liên minh quân sự với các nước khác để bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
* Luận cứ đấu tranh phản bác
Một là, các nguồn tư liệu, bản đồ của Việt Nam, tư liệu, bản đồ của quốc tế cho thấy: Nhà nước Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa phù hợp với nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ theo luật pháp quốc tế. Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ đã thể hiện sự tiếp nối, tính liên tục của lịch sử trong quản lý, thực thi chủ quyền và bảo vệ chủ quyền hợp pháp, chính đáng của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Hai là, Điều 5 Luật Biển Việt Nam nêu rõ: “Phát huy sức mạnh toàn dân tộc và thực hiện các biện pháp cần thiết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển, đảo và quần đảo”. Công hàm Việt Nam gửi Liên hợp quốc ngày 30-3-2020 thể hiện lập trường nhất quán: Việt Nam phản đối mạnh mẽ các yêu sách và hành động vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông. Việt Nam khẳng định Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 là cơ sở pháp lý duy nhất, quy định toàn diện và triệt để về phạm vi quyền được hưởng vùng biển giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Ba là, chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là giải quyết các tranh chấp, bất đồng, khác biệt liên quan đến biển, đảo bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với UNCLOS 1982, pháp luật quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng, phát triển đất nước. Hiện nay, Việt Nam thực hiện phương châm: Kiên quyết đấu tranh; kiên trì; khôn khéo; không khiêu khích; không mắc mưu khiêu khích; kiềm chế; không nổ súng trước; không để nước ngoài lấn chiếm biển đảo; không để xảy ra xung đột. Tránh xung đột về quân sự; tránh bị cô lập về kinh tế; tránh bị cô lập về ngoại giao; tránh bị lệ thuộc về chính trị. Giữ vững chủ quyền quốc gia trên biển; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển; giữ vững quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt - Trung; giữ vững ổn định chính trị trong nước.
Bốn là, sức mạnh bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam không xuất phát từ tham gia liên minh với một cường quốc mà là sức mạnh tổng hợp của đất nước, sức mạnh của toàn dân, của
ý chí tự cường dân tộc, quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ được nuôi dưỡng, bồi đắp, trao truyền, nối tiếp trong mạch nguồn lịch sử. Lịch sử quốc tế cho thấy, không thể dựa vào một cường quốc để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Nhà nước Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ; chính sách quốc phòng hòa bình, tự vệ, chính nghĩa; luôn nâng cao năng lực tự bảo vệ đất nước; tranh thủ cao nhất sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế./.
PV