* Quan điểm sai trái, thù địch
Quan điểm sai trái, thù địch về công tác đối ngoại của Đảng tập trung vào những vấn đề chủ yếu sau:
Một là, lợi dụng những diễn biến phức tạp trên Biển Đông, trong đó có việc Trung Quốc có những hành động ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế, đơn phương tiến hành xây dựng 7 thực thể trên Biển Đông là khu vực thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam thành các đảo nhân tạo, các thế lực thù địch đã phê phán đường lối đối ngoại của Việt Nam với chủ trương giải quyết vấn đề tranh chấp ở Biển Đông bằng giải pháp hòa bình.
Hai là, các phần tử cơ hội chính trị đóng vai người “tư vấn”, “kiến nghị”, “góp ý”... đưa ra quan điểm Việt Nam cần liên minh quân sự với Mỹ mới giữ được chủ quyền biển, đảo.
Ba là, quan điểm cho rằng chủ trương kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ chỉ là chính sách đối ngoại “mị dân”.
* Luận cứ đấu tranh phản bác
Một là, quá trình đấu tranh dựng và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã để lại những bài học vô cùng quý báu, mà một trong số đó là thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, dựa vào sức mình là chính. Trong bối cảnh thế giới ngày nay, các nước đều đề cao lợi ích quốc gia, dân tộc thì không có một cường quốc nào lại sẵn sàng đối đầu với một cường quốc khác để bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ cho một nước thứ ba. Khi nước lớn điều chỉnh quan hệ theo hướng hợp tác, các nước nhỏ rất dễ trở thành “vật ngã giá” để các nước lớn đem ra “mặc cả”.
Hai là, liên minh quân sự với một nước nào đó có thể dẫn tới nhiều kịch bản xấu cho Việt Nam. Đó là khả năng Việt Nam bị lệ thuộc vào nước đó, nhất là nước lớn là rất cao. Khi một quốc gia nhỏ liên minh với một cường quốc, có lực lượng lớn mạnh hơn rất nhiều, thì mối quan hệ đó trên thực tế không thể bình đẳng được, nước nhỏ sẽ bị nước lớn chi phối; tính độc lập, tự chủ sẽ suy yếu hoặc mất đi. Sự phụ thuộc này sẽ làm giảm vị thế địa chiến lược của Việt Nam. Ngoài ra, liên minh quân sự với một nước lớn nào đó có thể làm gia tăng bất ổn ở khu vực Biển Đông, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường an ninh và phát triển của Việt Nam. Trung Quốc có tham vọng độc chiếm Biển Đông nên không muốn bất kỳ một cường quốc nào củng cố vai trò trong khu vực, đặc biệt là Mỹ. Chính vì vậy, nếu liên minh quân sự với một nước lớn, cụ thể là với Mỹ sẽ tạo cho Trung Quốc những lo lắng về chiến lược và quốc gia này sẽ có cớ để đẩy mạnh hành động quân sự hóa ở Biển Đông cũng như nhiều hành vi khác, gây ra những bất ổn và phức tạp trong khu vực, tác động tiêu cực đến môi trường an ninh, phát triển của cả khu vực nói chung và của Việt Nam nói riêng, có thể ảnh hưởng xấu tới quan hệ Việt - Trung.
Ba là, chủ trương kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ là hoàn toàn đúng đắn nhằm thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, xuất phát từ đặc điểm của tình hình thế giới, khu vực và điều kiện cụ thể của Việt Nam. Nhiệm vụ đối ngoại trước hết phải bảo vệ được lợi ích tối cao quốc gia - dân tộc, bảo vệ Tổ quốc bao gồm bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Để giữ vững hòa bình, ổn định, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, vấn đề đầu tiên phải xây dựng nền quốc phòng chính quy, ngày càng hiện đại. Tuy nhiên, trong điều kiện thế giới ngày nay, để bảo vệ đất nước theo quan điểm chỉ đạo của Đảng ta là giữ nước từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy thì còn cần phải kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sử dụng sức mạnh trong nước và sức mạnh bên ngoài và do đó, đối ngoại có tầm rất quan trọng. Chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, trong đó có Biển Đông là thiêng liêng, Việt Nam kiên quyết bảo vệ, không thỏa hiệp, nhân nhượng trong bất cứ hoàn cảnh nào. Điều đó được thể hiện nhất quán trong chủ trường, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong các bài phát biểu của lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam./.
PV