* Quan điểm sai trái, thù địch
Quan điểm sai trái, thù địch về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam tập trung vào một số vấn đề chủ yếu sau:
Một là, phủ nhận tính có thể hay khả năng hiện thực của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Cho rằng sẽ không có thể có được cái gọi là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; việc định hướng xã hội chủ nghĩa là tù mù, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa lại càng tù mù hơn; rằng Việt Nam chưa có kinh tế thị trường đúng nghĩa.
Hai là, cho rằng kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa là mâu thuẫn nhau, không thể dung hòa nhau. Kinh tế thị trường là tự do, trong khi định hướng xã hội chủ nghĩa là chuyên chế; kinh tế thị trường là đa nguyên, trong khi chủ nghĩa xã hội là nhất nguyên; kinh tế thị trường là dân chủ, trong khi định hướng xã hội chủ nghĩa là độc đoán... Do đó, tự bản thân kinh tế thị trường đã mâu thuẫn với định hướng xã hội chủ nghĩa, tự nội hàm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã mâu thuẫn nhau, chúng sẽ không thể cùng tồn tại trong một mô hình kinh tế thị trường.
Ba là, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là không có cơ sở lý thuyết khoa học, có chăng là sự gán ghép khiên cưỡng lý thuyết kinh tế thị trường với lý luận Mác-Lênin đã lỗi thời. Các luận điểm xuyên tạc sử dụng lối chơi chữ, vòng vo, lập lờ, cho rằng kinh tế thị trường phải dựa trên nền tảng sở hữu tư nhân, trong khi định hướng xã hội chủ nghĩa lại xác định vai trò kinh tế nhà nước là chủ đạo; kinh tế thị trường phải dựa trên nền tảng xã hội dân sự, trong khi định hướng xã hội chủ nghĩa lại dựa trên hệ thống chính trị độc đảng; kinh tế thị trường phải dựa trên các lý thuyết kinh tế tự do, trong khi định hướng xã hội chủ nghĩa lại dựa trên chủ nghĩa Mác-Lênin v.v..
* Luận cứ đấu tranh phản bác
Một là, những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta chính là luận cứ đanh thép nhất phản bác mọi xuyên tạc, phủ nhận kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Những thành tựu về phát triển các yếu tố thị trường, các loại thị trường chứng tỏ
sự hiện diện có thật của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Những thành tựu trên mọi mặt xã hội, sự mở rộng quan hệ thị trường với tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ trên khắp thế giới chứng tỏ đặc trưng hiện đại, hội nhập của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là hiện thực, là có thật. Những thành tựu được công bố hàng ngày trên các phương tiện truyền thông đại chúng của khắp thế giới là minh chứng về tính có thể và tính hiện thực của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Hai là, căn cứ vào thực tiễn phát triển kinh tế thị trường thế giới cho thấy kinh tế thị trường là sản phẩm của văn minh nhân loại, không phải là sản phẩm riêng có của chủ nghĩa tư bản. Tính có thể của mỗi mô hình kinh tế thị trường thể hiện điều kiện lịch sử cụ thể của mỗi quốc gia. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.
Ba là, các lập luận ngụy biện, chơi chữ của các quan điểm sai trái, thù địch cố tình không phân biệt giữa kinh tế với chính trị; giữa thể chế kinh tế thị trường với thể chế chính trị; không thấy rõ những đặc trưng chung của kinh tế thị trường với các đặc trưng đặc thù của một mô hình kinh tế thị trường gắn với từng quốc gia; sử dụng cách thức thổi phồng những hạn chế nhất thời quy cho bản chất nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, sử dụng lối ngụy biện khi tiếp cận kinh tế thị trường theo quan điểm phi lịch sử để xuyên tạc tính chất lịch sử cụ thể của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; không hiểu rõ bản chất của chủ nghĩa Mác-Lênin là chủ nghĩa vì tự do của con người, mưu cầu cho sự tự do của cả loài người. Những cách lập luận theo lối ngụy biện của các thế lực thù địch là không có căn cứ, không xác đáng và thể hiện rõ mục đích thâm độc nhằm phủ định chế độ chủ nghĩa xã hội, phủ định con đường xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam đã lựa chọn./.
PV