* Quan điểm sai trái, thù địch
Quan điểm sai trái, thù địch về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam tập trung vào những khía cạnh chủ yếu sau:
Một là, xuyên tạc, phủ nhận Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, cho rằng bản chất Nhà nước ta là độc tài, toàn trị, mất dân chủ. Lợi dụng chiêu bài dân chủ, nhân quyền, các thế lực thù địch, phản động không ngừng bôi nhọ, bóp méo, xuyên tạc việc thực hiện dân chủ ở nước ta, cho rằng ở Việt Nam không có dân chủ, không có pháp quyền bởi chế độ một đảng cầm quyền. Các thế lực thù địch ra sức xuyên tạc, kích động tư tưởng hoài nghi về nền dân chủ mà chúng ta đang xây dựng, xuyên tạc bầu cử chỉ là “màn kịch dân chủ” do Đảng đạo diễn. Chúng giở chiêu trò “tự ứng cử”, hô hào các hội nhóm dân chủ trên mạng xã hội ủng hộ cho các “nhà dân chủ” hòng gây rối, phá hoại bầu cử; đồng thời rêu rao Đảng Cộng sản Việt Nam cố tình “cản trở” người ngoài đảng tự ứng cử. Xuyên tạc công tác tổ chức bầu cử, lan truyền kịch bản “xếp ghế” cho nhân sự Quốc hội trên mạng xã hội, rêu rao rằng bầu cử chỉ là hình thức, quyền lực trong Quốc hội đã được các “phe nhóm” của Đảng “an bài”, “thỏa hiệp”, “phân chia”... Đây hoàn toàn là những luận điệu phản động, xảo trá của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị âm mưu chống phá Nhà nước và việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Hai là, lợi dụng những điểm còn hạn chế, bất cập trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước ta để phủ nhận nguyên tắc tập trung dân chủ và cổ xúy cho tư tưởng “tam quyền phân lập”, coi đó là “chìa khóa vạn năng” để giải quyết những vấn đề của bộ máy nhà nước và ngăn ngừa tham nhũng.
Ba là, đưa ra nhiều luận điệu sai trái nhằm phê phán, bác bỏ, phủ nhận vai trò, tính chất pháp quyền của Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chúng cho rằng nhà nước pháp quyền là giá trị của các nước tư bản, việc Việt Nam đặt lại vấn đề xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền là đi theo con đường tư bản chủ nghĩa. Chúng xuyên tạc Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam chỉ có “đảng trị” chứ không có tính pháp quyền; rằng chỉ có Nhà nước pháp quyền tư bản, không có khái niệm Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, từ đó phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước.
* Luận cứ đấu tranh phản bác
Một là, dân chủ không quyết định bởi một đảng hay nhiều đảng mà tùy thuộc vào bản chất của đảng cầm quyền đại diện cho lợi ích của ai, hướng đến mục tiêu gì. Việc tồn tại một đảng hay đa đảng còn phụ thuộc vào tương quan lực lượng trên vũ đài chính trị, bối cảnh lịch sử, truyền thống văn hóa - chính trị của mỗi quốc gia, dân tộc. Thực tế cho thấy, không phải cứ đa đảng, đa nguyên chính trị là tự do, dân chủ, bình đẳng cho tất cả mọi người. Ở các nước tư bản, về danh nghĩa, các đảng phái có quyền tự do tranh cử để trở thành đảng cầm quyền, nhưng thực chất chỉ có những đảng lớn được sự ủng hộ, hậu thuẫn của các thế lực tư bản độc quyền mới có khả năng giành được quyền lực. Điển hình như ở Mỹ, hiện nay có khoảng trên 100 đảng, nhưng trên thực tế chỉ có hai đảng (Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ) thay nhau nắm quyền lãnh đạo, mà về bản chất đều là đảng của giai cấp tư sản. Như vậy, một nền dân chủ thực sự chỉ được quyết định bởi bản chất của đảng cầm quyền, đảng đại diện cho lợi ích của ai và đảng đó có nhận được sự ủng hộ của số đông dân chúng đối với sự cầm quyền đó hay không.
Hai là, mô hình “tam quyền phân lập” có thể phù hợp ở các mức độ khác nhau với một số nước trên thế giới, nhưng không phù hợp với điều kiện và thể chế chính trị của Việt Nam. Ở nước ta, chúng ta lựa chọn cách thức tổ chức quyền lực đó là “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”, không “tam quyền phân lập”, mà kiên định nguyên tắc “quyền lực nhà nước thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp” và thực hiện nguyên tắc “tập trung dân chủ”. Đây là sự lựa chọn phù hợp với bối cảnh Việt Nam cũng như xu thế khách quan của thời đại, đúc rút từ thực tiễn hơn 35 năm đổi mới cũng như việc học hỏi, tham khảo kinh nghiệm của các nước trong tiến trình hội nhập quốc tế.
Ba là, không thể phủ nhận lý luận về nhà nước pháp quyền được đặt nền móng bởi các nhà tư tưởng phương Tây vĩ đại. Tuy nhiên, cần phải thấy rằng tư tưởng về nhà nước pháp quyền là tinh hoa trí tuệ nhân loại, mang giá trị phổ quát, chứ không phải sản phẩm riêng có, độc quyền của chủ nghĩa tư bản. Việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là vấn đề lý luận và thực tiễn hết sức mới mẻ, chưa có tiền lệ, đòi hỏi phải có sự nhận thức lý luận khoa học, sự vận dụng sáng tạo, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Như vậy, không thể lập luận rằng “xây dựng nhà nước pháp quyền là đi theo con đường tư bản chủ nghĩa”, không thể xuyên tạc ở Việt Nam “chỉ có đảng trị, không pháp quyền”./.
PV