* Quan điểm sai trái, thù địch
Một là, xuyên tạc bản chất, mục tiêu của Đảng; phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, chia rẽ mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa nhân dân với Đảng, chính quyền. Lợi dụng những sai lầm, khuyết điểm trong quá trình lãnh đạo, quản lý, những khuyết điểm của một bộ phận cán bộ, đảng viên, các quan điểm sai trái, thù địch phê phán, đả kích chế độ một đảng, coi đó là chế độ độc tài, mất dân chủ, sự áp đặt của Đảng, Nhà nước đối với nhân dân; vu khống Đảng vi phạm Hiến pháp, đứng trên pháp luật; vu cáo Đảng là không phải vì lợi ích của nhân dân, của dân tộc mà vì lợi ích của một nhóm người cầm quyền... Mục đích của chúng là nhằm hạ thấp vai trò, năng lực lãnh đạo của Đảng, làm cho nhân dân nghi ngờ về địa vị, năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, làm phân hóa nội bộ Đảng và làm suy giảm lòng tin, mối quan hệ của nhân dân với Đảng và chế độ.
Hai là, xuyên tạc, vu khống Đảng, Nhà nước Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền, đàn áp tôn giáo, kỳ thị dân tộc để kích động biểu tình chống Đảng, Nhà nước, phá hoạt khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Luận điệu của chúng là xuyên tạc, vu khống Đảng, Nhà nước Việt Nam vi phạm dân chủ, cấm tự do ngôn luận, vi phạm nhân quyền, kỳ thị tôn giáo, phân biệt đối xử với các dân tộc thiểu số... với mục đích phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, kích động hận thù dân tộc, kích động các vụ biểu tình, khiếu kiện đông người nhằm chống Đảng, Nhà nước, gây mất an ninh trật tự, mất ổn định chính trị - xã hội.
Ba là, tuyên truyền lối sống thực dụng, ca ngợi chủ nghĩa tư bản, tạo tâm trạng thờ ơ chính trị, xa rời lý tưởng độc lập dân tộc, thờ ơ với Đảng và xa rời Đảng. Các quan điểm sai trái, thù địch thông qua những thành tựu đạt được trên một số mặt của chủ nghĩa tư bản để tô hồng, ca ngợi chủ nghĩa tư bản là chế độ tốt đẹp nhất, là chế độ dân chủ tự do, là con đường, mục tiêu của xã hội loài người. Mục đích và âm mưu của chúng là nhằm hình thành tâm trạng thờ ơ chính trị trong nhân dân, làm cho đông đảo nhân dân không quan tâm đến công việc của Đảng, Nhà nước; làm thay đổi lý tưởng, giảm sút niềm tin vào con đường mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa chọn; một bộ phận không nhỏ thanh niên thờ ơ với Đảng, không muốn vào Đảng.
* Luận cứ đấu tranh phản bác
Một là, bản chất của dân chủ thực sự không phải là do chế độ một đảng hay đa đảng, mà là ở quyền lực nhà nước thực tế thuộc vào ai. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và trong chế độ xã hội
chủ nghĩa, quyền lực nhà nước thực tế thuộc về nhân dân. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”.
Hai là, cùng với tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, Đảng, Nhà nước ta rất tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và tự do không tín ngưỡng của nhân dân, luôn coi việc đạo là một quyền tự do thiêng liêng của đồng bào giáo dân, với phương châm “Đoàn kết lương giáo”, “tốt đạo, đẹp đời”. Đảng, Nhà nước ta cũng luôn coi trọng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, coi đồng bào các dân tộc thiểu số là một bộ phận của cộng đồng dân tộc Việt Nam, có vị trí, vai trò rất quan trọng trong công cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước, chống ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ba là, từ khi giành được chính quyền về tay nhân dân, ở Việt Nam không có đàn áp, kỳ thị tôn giáo, phân biệt chủng tộc. Trong suốt quá trình cách mạng, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách chăm lo cho đồng bào tôn giáo và đồng bào dân tộc thiểu số. Chúng ta có hệ thống pháp luật để bảo vệ quyền bình đẳng của các dân tộc, đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân các dân tộc thiểu số. Đây là những bằng chứng không thể xuyên tạc, phủ nhận./.
PV