* Luận cứ đấu tranh phản bác
Một là, ở góc độ lý luận lý luận, Nhà nước và quân đội là sản phẩm của xã hội có giai cấp và đấu tranh giai cấp. Vì vậy, quân đội mang bản chất giai cấp của Nhà nước tổ chức và nuôi dưỡng nó. Không có nhà nước “phi giai cấp”, nên không có quân đội “phi chính trị”. Sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với quốc phòng, an ninh, quân đội, công an đều nhằm bảo đảm cho quân đội, công an luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và nhân dân; giữ vững bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc; có sức mạnh chiến đấu cao, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong mọi tình huống. Vì vậy, trong mọi hoàn cảnh, chúng ta phải kiên định nguyên tắc “Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với quốc phòng, an ninh, quân đội, công an”.
Hai là, từ ngàn đời nay trong quá trình dựng nước và giữ nước, cha ông ta đã có truyền thống xây dựng đội quân vừa chiến đấu, vừa sản xuất như chính sách “ngụ binh ư nông”, thực hiện “thực túc binh cường”, “quốc thịnh binh cường”, lúc thời bình sản xuất huấn luyện, khi có giặc thì là người lính xung kích cùng toàn dân đánh giặc. Năm 1944, Hồ Chí Minh đã ra Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay. Người xác định nhiệm vụ của quân đội là: “Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng"; đồng thời, khẳng định quân đội vừa chiến đấu, vừa công tác, vừa sản xuất, trong đó chiến đấu là nhiệm vụ chủ yếu.
Ba là, một trong những yếu tố quan trọng tạo nên sức mạnh tổng hợp để bảo vệ Tổ quốc là phải xây dựng được nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững mạnh. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững mạnh là yêu cầu khách quan của sự nghiệp bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa chứ không phải do ý muốn chủ quan của cá nhân hay tổ chức nào. Đây là một chủ trương chiến lược của Đảng ta, đồng thời cũng là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Bốn là, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, khi các mối quan hệ quốc tế ngày càng mở rộng, bên cạnh việc hợp tác cùng phát triển, giữa các quốc gia vẫn luôn tồn tại sự cạnh tranh với nhau. Suy cho cùng, chỉ có lợi ích quốc gia, dân tộc là tối thượng, là vĩnh viễn. Chính sách quốc phòng có vai trò đặc biệt quan trọng, quan hệ trực tiếp đến vận mệnh của quốc gia, dân tộc. Điều kiên quyết là sức mạnh nội lực phải đứng ở vị trí trọng tâm, không thể dựa dẫm, phụ thuộc, trông chờ vào sự cứu cánh bên ngoài. Việc Việt Nam thực hiện chính sách không tham gia liên minh quân sự không phải là hành động “tự trói tay chân” như các đối tượng vẫn rêu rao.
Trong một thế giới ngày càng phụ thuộc lẫn nhau, an ninh của Việt Nam không thể tách rời an ninh khu vực nói riêng và an ninh của thế giới nói chung. Hợp tác quốc phòng là một trong những yếu tố quan trọng để duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới, đồng thời cũng là một yếu tố quan trọng để thực hiện các mục tiêu quốc phòng của Việt Nam. Chính vì vậy, Việt Nam chủ trương mở rộng đối ngoại quốc phòng, tham gia ngày càng tích cực vào các hoạt động hợp tác quốc phòng, an ninh của khu vực và của cộng đồng quốc tế.
ĐT