Quan điểm sai trái, thù địch về quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam tập trung vào những vấn đề chủ yếu sau:
Một là, phê phán, xuyên tạc Việt Nam ngăn cản tự do ngôn luận, tự do bày tỏ chính kiến, là kẻ thù của tự do báo chí trên mạng. Các thế lực thù địch cho rằng: Nhà nước Việt Nam hạn chế nghiêm trọng tự do biểu đạt, tự do báo chí, tự do internet, bao gồm bắt và truy tố tùy tiện những người chỉ trích chính quyền, kiểm duyệt, đóng các trang mạng, ra các luật về hành vi phỉ báng mang tính chất hình sự; “chính quyền, dưới chế độ cai trị độc đảng của Đảng Cộng sản Việt Nam, xiết chặt vòng kiềm tỏa các quyền tự do biểu đạt, tự do lập hội, nhóm họp ôn hòa, tự do đi lại và tự do tôn giáo, hay “Chính phủ Việt Nam đã sử dụng lực lượng 47 với khoảng 10.000 chiến binh mạng nhằm chống lại cái mà Chính phủ Việt Nam gọi là lực lượng phản động trên mạng, tức những thông tin chỉ trích Chính phủ...
Hai là, ngộ nhận về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí dẫn tới tuyệt đối hóa quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí là quyền tuyệt đối nhằm kích động, tẩy chay và trả đũa nhau khốc liệt, kể cả bôi nhọ, chống đối chế độ xã hội, đặc biệt thông qua livestream “bẩn” trên mạng xã hội. Thúc đẩy thành lập một số tổ chức nhân danh văn chương, báo chí để chống đối chế độ xã hội, xuyên tạc Nhà nước bắt, bỏ tù nhà báo độc lập. Với các tổ chức như “Văn đoàn độc lập”, “Hội nhà báo độc lập”, “Nhà báo độc lập”, “Phóng viên không biên giới”... để đấu tranh cho cái gọi là tự do ngôn luận. Đưa ra bảng xếp hạng sai lệch về tự do báo chí ở Việt Nam; gây sức ép đòi thả tự do cho các đối tượng bị cơ quan chức năng bắt giữ do vi phạm pháp luật Việt Nam mà họ gọi là bắt, bỏ tù “nhà báo báo độc lập”, “Blogger”...
* Luận cứ đấu tranh phản bác
Một là, tôn trọng, bảo vệ, thúc đẩy quyền con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí là quan điểm xuyên suốt, nhất quán của Đảng, Nhà nước ta. Với quan điểm xuyên suốt đề cao vai trò của báo chí là diễn đàn của nhân dân, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, để nhân dân trình bày những tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của mình, thông qua đó báo chí thực hiện chức năng phản biện xã hội, đề xuất những ý kiến tâm huyết đối với Đảng, Nhà nước, định hướng dư luận trong quá trình xây dựng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, trật tự và an toàn xã hội. Trong những năm qua, Nhà nước Việt Nam đặc biệt quan tâm xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo đảm tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thông tin.
Hiện nay, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền tiếp cận thông tin đã được Hiến pháp năm 2013, Luật Báo chí năm 2016, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, Luật An ninh mạng năm 2018 và nhiều văn bản pháp luật khác quy định, bảo vệ và được tổ chức triển khai thực hiện trong thực tế.
Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin... Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Luật Báo chí năm 2016 và Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 cũng quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí; bảo đảm mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin; bảo đảm cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời, minh bạch, thuận lợi cho công dân. Đặc biệt, báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, truyền dẫn và phát sóng.
Đến hết năm 2020, Việt Nam có khoảng 41.000 nhân sự tham gia hoạt động trong lĩnh vực báo chí, với 779 cơ quan báo chí (trong đó có 142 báo, 612 tạp chí, 25 cơ quan báo chí điện tử độc lập), 72 cơ quan được cấp phép hoạt động phát thanh - truyền hình với tổng số 87 kênh phát thanh và 193 kênh truyền hình. Đồng thời, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có sự phát triển mạnh mẽ nguồn lực internet và sử dụng điện thoại thông minh nhanh nhất trong khu vực và thế giới.
Hai là, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thông tin không phải là quyền tuyệt đối mà là quyền bị hạn chế. Tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thông tin được xem là nguyên tắc cơ bản cho một nền dân chủ, thậm chí được ví như là “khí ôxy” trong một xã hội dân chủ và phát triển; nhưng không vì thế mà quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận hay tự do thông tin không bị hạn chế; các quyền này không được cộng đồng quốc tế thừa nhận là quyền tuyệt đối.
Phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về quyền con người và kinh nghiệm thực tiễn ở nhiều nước, Việt Nam đã xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý bảo đảm quyền tự do ngôn luận, bảo đảm nguyên tắc báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ nhưng không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân./.
PV