* Quan điểm sai trái, thù địch
Thời gian qua, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị trong và ngoài nước luôn tìm cách chống phá, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về tiến bộ, công bằng xã hội ở nước ta. Luận điệu mà chúng thường rêu rao là “ở Việt Nam không có công bằng, tiến bộ xã hội”. Lý lẽ của chúng là: “Thực hiện kinh tế thị trường thì không thể bảo đảm công bằng xã hội”; “Việt Nam chỉ lo tăng trưởng kinh tế, không quan tâm đến tiến bộ, công bằng xã hội”...
Thực chất của những luận điểm sai trái trên đã bộc lộ mưu đồ đen tối, rắp tâm phủ nhận những thành tựu rất đáng trân trọng về tiến bộ và công bằng xã hội mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã hết sức cố gắng gây dựng. Các thế lực thù địch tìm mọi cách gây tâm lý hoài nghi về việc kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế với bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội trong đường lối lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và triển khai trong thực tế của Nhà nước Việt Nam, nhằm hạ thấp vai trò của Đảng và Nhà nước, đi tới phủ nhận chế độ xã hội chủ nghĩa.
* Luận cứ đấu tranh phản bác
Nền kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay là nền kinh tế thị trường “đầy đủ”, “hiện đại”, “hội nhập” và “định hướng xã hội chủ nghĩa”; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; hướng đến mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Thuộc tính căn cốt của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là “phải gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển”. Từ Đại hội XI của Đảng đến nay, Đảng ta luôn xác định nắm vững và xử lý tốt mối quan hệ lớn “giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường” là một trong những định hướng phát triển hiện nay.
Việt Nam đã và đang giải quyết rất hiệu quả mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Về phát triển kinh tế, trong 35 năm đổi mới, kinh tế có mức tăng trưởng trung bình khoảng 7%/năm. Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp (năm 2008). Thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 17 lần. Riêng năm 2020, trong bối cảnh dịch bệnh hết sức phức tạp, nhiều nền kinh tế trên thế giới có mức tăng trưởng âm, thì Việt Nam được đánh giá là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới (2,9%); một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới; điểm sáng trên toàn cầu trong việc thực hiện thành công “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân. Về tiến bộ và công bằng xã hội, qua 35 năm đổi mới, nghèo đói giảm nhanh liên tục; đời sống nhân dân được cải thiện, nhiều vấn đề xã hội được giải quyết; chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được bảo đảm...; thế và lực của quốc gia được tăng cường; niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng được củng cố.
Xét trên nhiều phương diện, có thể thấy, người dân Việt Nam ngày càng có điều kiện sống tốt hơn so với bất kỳ thời kỳ nào trước đây. So với nhiều quốc gia có cùng trình độ phát triển kinh tế, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam thuộc nhóm cao của thế giới (0,704 năm 2019). Những gì chúng ta đã và đang làm trong đại dịch Covid-19 minh chứng ở Việt Nam “không ai bị bỏ lại phía sau”. Chúng ta không chỉ tăng trưởng kinh tế mà còn giải quyết được nhiều vấn đề xã hội tốt hơn nhiều so với các nước tư bản chủ nghĩa có cùng mức phát triển kinh tế. Thành quả đạt được trong giải quyết giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội đã góp phần quan trọng tô đậm thêm thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử sau 35 năm đổi mới, làm cho đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay./.
PV