* Quan điểm sai trái, thù địch
Một là, các luận điệu sai trái xuyên tạc cho rằng “vùng đất Tây Nam Bộ là của người Khmer Campuchia” nên Việt Nam phải trả lại cho người Campuchia.
Hai là, lợi dụng Tuyên ngôn của Liên hợp quốc về quyền của người bản địa năm 2007 để kích động tư tưởng dân tộc cực đoan đòi ly khai, thành lập quốc gia độc lập của người Khmer.
* Luận cứ đấu tranh, phản bác
Một là, về luận điệu xuyên tạc cho rằng “vùng đất Tây Nam Bộ là của người Khmer Campuchia”. Kết quả nghiên cứu của giới nghiên cứu lịch sử cho thấy, vùng đất Tây Nam Bộ, vốn là vùng trũng thấp, được hình thành khá muộn. Trên mảnh đất đó, đã có cư dân của một số tộc người đến khai phá, từng bước hình thành nhà nước với nền văn hóa Ốc Eo nổi tiếng. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân tự nhiên thay đổi đột ngột nên nền văn hóa đó lụi tàn. Sau khi nước rút, các cư dân mới dần tụ họp. Trong số cư dân đầu tiên có cả người Khmer, người Kinh, người Mã Lai... Do đó, không phải chỉ có người Khmer là duy nhất. Dưới triều đại nhà Nguyễn, khu vực Tây Nam Bộ đã được xác lập là chủ quyền của Việt Nam. Khi thực dân Pháp đô hộ Đông Dương, Tây Nam Bộ được xác định là lãnh thổ thuộc xứ Nam Kỳ của Việt Nam. Theo Hiệp định Giơnevơ, Tây Nam Bộ cũng thuộc miền Nam Việt Nam. Kể từ giai đoạn nhà Nguyễn đến nay, cộng đồng người Khmer đã cộng cư, sinh sống hòa thuận với các cộng đồng khác. Đặc biệt đã tham gia tích cực vào hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giành độc lập, thống nhất cho dân tộc Việt Nam.
Hai là, về thủ đoạn kích động tư tưởng dân tộc cực đoan đòi ly khai, thành lập quốc gia độc lập của người Khmer. Dân tộc Việt Nam được hình thành từ rất sớm trong lịch sử, đó là kết quả của quá trình các tộc người sinh sống trên lãnh thổ cùng đoàn kết tôn tạo và bảo vệ. “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một” là chân lý được tổng kết. Dù các tộc người có quá trình tộc người riêng, song đều thừa nhận có chung Tổ quốc, cùng là “con Lạc, cháu Hồng”. Thực tế cho thấy, sau thắng lợi của các cuộc cách mạng tư sản, dân tộc tư sản ra đời thì lãnh thổ của các quốc gia, nhất là ở châu Âu mới ổn định. Ngày nay, lãnh thổ quốc gia được tổ chức Liên hợp quốc công nhận. Do đó, việc thay đổi lại lịch sử là việc làm không khả thi, ngay cả Hoa Kỳ cũng vậy (trước đó là vùng lãnh thổ thuộc quyền của người da đỏ). Tinh thần cơ bản của Tuyên ngôn về quyền của các dân tộc bản địa năm 2007 của Liên hợp quốc là đòi hỏi chính phủ các quốc gia phải tôn trọng người bản địa, đối xử bình đẳng với họ và bảo vệ họ khi bị xâm hại. Với Việt Nam, các nguyên tắc trên đã được Hiến pháp và pháp luật quy định và được thực hiện trong thực tế./.
PV