Cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nhiều nội dung phân tích, đánh giá, chỉ đạo về những vấn đề lý luận, thực tiễn xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Nhà nước pháp quyền là thành tựu của văn minh nhân loại, phản ánh trình độ phát triển cao về tổ chức, hoạt động nhà nước, về pháp luật và thực hiện pháp luật. Xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội trong quá trình đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, thực tế này phù hợp xu thế vận động và phát triển của nhà nước, pháp luật đương đại, đồng thời phù hợp thực tiễn Việt Nam.
Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân đã tạo ra cơ chế vận hành hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là một trong những mục tiêu quan trọng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa được Đảng ta chỉ rõ trong Đại hội XIII, điều này thể hiện rõ ý Đảng, lòng dân và yêu cầu “hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045”. Chính vì thế, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh rằng “Chúng ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa-một nhà nước thực sự kiến tạo khuôn khổ thể chế, pháp luật cho sự phát triển của đất nước, của dân tộc”.
Như thế, bản chất của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, do Đảng Cộng sản lãnh đạo, kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, “lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh, bền vững”. Những phân tích của Tổng Bí thư về bản chất Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã làm sáng tỏ quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Để xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cần phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế; tiếp tục hoàn thiện tổ chức và hoạt động của cơ quan nhà nước trong thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.
Thứ nhất, về hoàn thiện hệ thống thể chế. Ở nước ta hiện nay, hoàn thiện hệ thống thể chế có tầm quan trọng trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đổi mới hệ thống chính trị và hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đầy đủ, đồng bộ, định hướng xã hội chủ nghĩa, theo Tổng Bí thư cần phải “Giải quyết tốt hơn mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội; giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Khắc phục những điểm nghẽn cản trở sự phát triển của đất nước, nhất là về thể chế, chính sách”.
Thứ hai, về hoàn thiện tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước. Đối với cơ quan thực hiện quyền lập pháp: nâng cao chất lượng hoạt động lập pháp và giám sát tối cao là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong hoàn thiện tổ chức và hoạt động của Quốc hội hiện nay. Đối với cơ quan nhà nước thực hiện quyền hành pháp: nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước thực hiện quyền hành pháp sẽ tận dụng được thời cơ, vượt qua thách thức để thúc đẩy phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Vì thế, theo Tổng Bí thư, Chính phủ, các cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền các cấp cần “xây dựng tổ chức, bộ máy và cán bộ thật sự trong sạch, vững mạnh... Đối với cơ quan nhà nước trong thực hiện quyền tư pháp: xây dựng nền tư pháp liêm chính, độc lập, dân chủ, hiện đại bảo vệ công lý, quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể pháp luật là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá hiệu quả hoạt động của nhà nước pháp quyền.
Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước hiệu quả. Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước hiệu quả không chỉ giúp cho việc tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước hiệu lực, hiệu quả, an toàn, đồng thời ngăn chặn sự tùy tiện của nhà nước, đẩy lùi hiện tượng “tha hóa” quyền lực nhà nước, bảo vệ chủ quyền nhân dân. Thực tiễn Việt Nam hiện nay, cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước chưa hoàn thiện, chưa tạo ra được “cái phanh” an toàn để kiềm chế bánh xe quyền lực nhà nước./.
THH