Câu hỏi: Xin cho biết quan điểm của Đảng ta về xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa được nêu trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng.
Trả lời
Đại hội đại biểu toàn quốc XIII của Đảng xác định: “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị”(1). Đó là “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động”(2). Lần đầu tiên thuật ngữ “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động” chính thức được sử dụng trong văn kiện của Đảng ta. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh rằng, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước “thực sự kiến tạo khuôn khổ thể chế, pháp luật cho sự phát triển của đất nước, của dân tộc”(3). Để đạt được mục tiêu này, cần thực hiện tốt các nhiệm vụ cụ thể sau:
Một là, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước. Xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở các nguyên tắc pháp quyền, bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước(4). Đây vừa là nhiệm vụ, vừa là giải pháp góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, điều hành và góp phần hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này cần chú trọng các biện pháp:
Thứ nhất, xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh, bền vững(5); đẩy nhanh tiến độ ban hành các luật trực tiếp triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013(6).
Thứ hai, xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan nhà nước, thực hiện tốt chức năng của nhà nước, thị trường và xã hội; “nâng cao năng lực tổ chức thực hiện có hiệu quả hệ thống pháp luật, thể chế và các chính sách phát triển kinh tế - xã hội(7).
Hai là, tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất(8).
Ba là, tập trung xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, bảo đảm công khai, minh bạch, quản lý thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả(9). Giải pháp này nhằm khắc phục tình trạng cải cách hành chính chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phát triển đất nước mà Đại hội XIII đã tổng kết, đánh giá. Để triển khai tốt giải pháp này, Đại hội chỉ rõ cần:
Thứ nhất, tiếp tục thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính và hiện đại hóa nền hành chính quốc gia. Hoàn thiện tổ chức bộ máy chính quyền các cấp gắn với tinh giản biên chế, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả;
Thứ hai, hoàn thiện tổ chức bộ máy chính quyền các cấp gắn với tinh giản biên chế, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Chính phủ tập trung vào quản lý vĩ mô, nâng cao chất lượng xây dựng thể chế, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch. Tăng cường năng lực dự báo và khả năng phản ứng chính sách trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế;
Thứ ba, đẩy mạnh hoàn thiện cơ chế phân cấp, phân quyền, bảo đảm quản lý thống nhất, hiệu lực, hiệu quả hoạt động; phát huy tính chủ động sáng tạo, đề cao tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành gắn với tăng cường kiểm soát quyền lực;
Thứ tư, mở rộng dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương(10).
Bốn là, xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”(11). Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, Đại hội chỉ rõ, cần thực hiện tốt các biện pháp:
Thứ nhất, tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật của người dân, doanh nghiệp; phát triển hoạt động dịch vụ pháp lý và các thiết chế giải quyết tranh chấp ngoài tòa án;
Thứ hai, nâng cao hiệu quả và rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp, thi hành án trong lĩnh vực dân sự, hành chính, đầu tư, kinh doanh, thương mại và bảo vệ người tiêu dùng(12).
Năm là, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có tính chuyên nghiệp cao, có năng lực sáng tạo dựa trên cơ chế cạnh tranh về tuyển dụng, chế độ đãi ngộ và đề bạt; có phẩm chất đạo đức tốt và bản lĩnh chính trị vững vàng(13). Muốn thế cần chú trọng:
Thứ nhất, quy định rõ và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu;
Thứ hai, có cơ chế khuyến khích, khơi dậy tinh thần cống hiến vì đất nước, tạo động lực và áp lực để mọi cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, tận tụy phục vụ nhân dân;
Thứ ba, có cơ chế bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Thứ tư, cải cách cơ bản chế độ tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức.
Thứ năm, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí kiên trì, kiên quyết, hiệu quả.
Thứ sáu, nâng cao hiệu quả công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, làm tốt chức năng hỗ trợ, thúc đẩy phát triển. Hoàn thiện cơ chế, chính sách, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội, các đoàn thể nhân dân và các cơ quan thông tin đại chúng trong quá trình hoạch định chiến lược, chính sách phát triển kinh tế-xã hội trong việc phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí(14).
Phương Dung
Chú thích
(1), (2), (4), (5), (6), (7), (8), (9), (10), (11), (12), (13), (14). Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H., 2021, t.1, tr.174; 284; 174,175; 175; 284; 284,285; 175; 286; 286,287; 287; 287; 288; 288.
(3) Nguyễn Phú Trọng, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H., 2021,