Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ từ ngày 30/7 – 01/8/2024 theo lời mời của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, “chuyến thăm của Thủ tướng đã trở thành chất xúc tác mạnh mẽ, khẳng định quyết tâm cao của lãnh đạo hai nước trong việc đưa quan hệ hai nước bước vào một giai đoạn mới, mạnh mẽ hơn, thiết thực và hiệu quả hơn, tin cậy sâu sắc hơn, với nhiều cơ hội rộng mở hơn”(1).
Nhân chuyến thăm này, hai nước đã nhất trí thông qua Tuyên bố chung về Tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, đồng thời nhất trí thúc đẩy hợp tác hai nước với phương châm “năm hơn”. Cụ thể là:
Thứ nhất, tin cậy chính trị - chiến lược cao hơn, trong đó tăng cường trao đổi và tiếp xúc thường xuyên giữa hai nước trên các kênh Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân, phát huy tối đa hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương và triển khai hiệu quả Chương trình hành động giai đoạn 2024-2028 với trọng tâm là đẩy mạnh toàn diện 11 lĩnh vực hợp tác, gồm cả các lĩnh vực truyền thống, đặc biệt là các lĩnh vực mới.
Thứ hai, hợp tác quốc phòng - an ninh rộng mở hơn, sâu sắc hơn, trong đó có việc triển khai hiệu quả Tuyên bố chung về quan hệ đối tác quốc phòng Việt Nam - Ấn Độ đến năm 2030.
Thứ ba, tầm nhìn, hành động hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư thực chất và hiệu quả hơn, trong đó nhất trí tăng gấp đôi kim ngạch thương mại và đầu tư hai chiều trong 3-5 năm tới.
Thứ tư, hợp tác khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo trở thành động lực mạnh mẽ hơn, trong đó khai thác tối đa những tiềm năng và lợi thế của hai bên, cũng như cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để thúc đẩy hợp tác về nghiên cứu khoa học, năng lượng nguyên tử, đất hiếm, năng lượng tái tạo, các lĩnh vực công nghệ mới như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây...
Thứ năm, hợp tác văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân kết nối mật thiết hơn, trong đó tăng cường kết nối về văn hóa, văn minh, lịch sử, tôn giáo giữa hai nước, đưa những giá trị này trở thành nền tảng, tạo động lực, truyền cảm hứng để củng cố tình hữu nghị, giao lưu nhân dân giữa hai nước.
Dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, các bộ, ngành, cơ quan hai nước đã ký các văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực y tế, pháp luật, tư pháp, ngoại giao, đào tạo nguồn nhân lực, khoa học nông nghiệp, phát thanh và truyền hình, du lịch, văn hóa, Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện 2024-2028 và trao Công hàm về việc Việt Nam gia nhập Liên minh Cơ sở hạ tầng chống chịu thiên tai (CDRI). Cụ thể gồm các thỏa thuận hợp tác như sau:
1. Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam-Ấn Độ giai đoạn 2024-2028.
2. Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực xây dựng năng lực hải quan giữa Tổng cục Hải quan Việt Nam và Ủy ban Thuế gián thu và Hải quan trung ương Ấn Độ (CBIC).
3. Bản ghi nhớ giữa Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam và Đại học Nông nghiệp trung ương Imphal, Manipur.
4. Bản ghi nhớ về hợp tác pháp luật và tư pháp giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Pháp luật và Tư pháp Ấn Độ.
5. Bản ghi nhớ về hợp tác phát thanh và truyền hình giữa Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài phát thanh Prasar Bharati Ấn Độ.
6. 2 hiệp định vay tín dụng giữa Bộ Tài chính Việt Nam và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Ấn Độ trị giá 300 triệu USD.
7. Ý định thư giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Ấn Độ về bảo tồn vào phục hồi khu tháp F tại Mỹ Sơn, Quảng Nam, Việt Nam.
8. Bản ghi nhớ giữa Cục Quản lý y, dược cổ truyền, Bộ Y tế Việt Nam và Ủy ban Dược liệu quốc gia, Bộ Ayush Ấn Độ về hợp tác trong lĩnh vực cây dược liệu.
9. Bản ghi nhớ giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam và Bộ Cảng, Vận tải và Đường thủy Ấn Độ về hợp tác và phát triển khu phức hợp di sản hàng hải quốc gia (NMHC) tại Lothal, Gujarat.
10. Lễ khai trương trực tuyến về việc thành lập Công viên phần mềm quân đội tại Trường Đại học Thông tin liên lạc ở Nha Trang với sự hỗ trợ của Chính phủ Ấn Độ.
11. Thông báo về việc Việt Nam tham gia Liên minh cơ sở hạ tầng chống chịu thiên tai (CDRI).
Ấn Độ và Việt Nam có mối quan hệ lịch sử và văn minh lâu đời, được nâng lên thành Đối tác chiến lược toàn diện năm 2016. Hai Thủ tướng khẳng định quyết tâm tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Ấn Độ trong những năm sắp tới, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích chính đáng của nhân dân hai nước. Chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã diễn ra hiệu quả và mang tính đột phá. Tin tưởng rằng, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ thực sự bước sang một trang mới.
(1) “Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn: Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ thực sự bước sang trang mới”, https://tienphong.vn, ngày 02/08/2024.
Tài liệu tham khảo
Thanh Hà: “Việt Nam - Ấn Độ thúc đẩy hợp tác theo phương châm ‘5 hơn’”, https://laodong.vn, ngày 01/08/2024.
“Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn: Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ thực sự bước sang trang mới”, https://tienphong.vn, ngày 02/08/2024.
“Toàn văn Tuyên bố chung Việt Nam-Ấn Độ”, https://mod.gov.vn/vn, ngày 02/08/2024.
Nguyễn Dung (tổng hợp)